Những chia sẻ đầy cảm xúc, đầy sự khâm phục, trân trọng ấy tưởng như về hai con người khác nhau nhưng thực sự đã hội tụ trong một con người - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người vừa từ giã cõi tạm ở tuổi 89.
Người lính một đời “xông tới vì Tổ quốc kính yêu”
"Giờ xuất quân đã điểm chúng ta thề/ Tổ quốc kính yêu, vì Người ta xông tới/ Kính thưa Bác, chúng con vào trận cuối..." - đó dường như là những vần thơ Thượng tướng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tâm đắc nhất.
Và thực sự, những năm tháng thanh xuân của cuộc đời mình, người con xứ Thanh đã dành trọn cho tình yêu ấy. Nếu tính từ thời điểm nhập ngũ đến khi được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng (1950 - 1991), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có đến hơn 40 năm liên tục phục vụ trong quân đội. Cuộc sống của một người lính, rồi một vị tướng, đã chiếm phần lớn cuộc đời ông, như chính ông từng chia sẻ: "Phần lớn thời gian tôi chiến đấu ở các chiến trường. Năm 1949, khi vừa tròn 18 tuổi, tôi được kết nạp vào Đảng. Sau đó tôi vào chiến trường, đi liên miên. Năm 1977, hòa bình lập lại, tôi lại sang Lào, rồi sau đó là sang Campuchia. Năm 1990, tôi mới ở Campuchia về. Năm 60 tuổi, tôi vào trung ương. Giai đoạn nữa là hơn ba năm rưỡi làm tổng bí thư, thời gian đó gắn liền với sự kiện Đổi mới, cũng là bước ngoặt".
Trưởng thành từ một binh nhì, với những chiến công xuất sắc, trong đó nổi bật là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 9 chỉ đạo chiến đấu 25 ngày đêm ác liệt giữa kinh thành Huế, chủ nhiệm chính trị Quân khu 9, rồi Chủ nhiệm chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia Lê Khả Phiêu... ông dần lên đến vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Thượng tướng. Chừng ấy thời gian, người lính rồi vị tướng Lê Khả Phiêu đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng đồng đội.
Trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi đột ngột của vị tướng mà ông luôn hằng ngưỡng mộ, đại tá Nguyễn Dĩnh, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND khẳng định, với cương vị là Phó Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm chính trị Mặt trận 719, ông Lê Khả Phiêu đã bao quát chỉ huy toàn bộ các đơn vị tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Bộ Tư lệnh 719 chỉ đạo, chỉ huy, lãnh đạo cả lực lượng quân tình nguyện và các chuyên gia quân sự. Nhìn vậy để thấy vị trí, vai trò của một lãnh đạo trong Bộ Tư lệnh mà trực tiếp là ông Lê Khả Khiêu là rất lớn.
Nhưng Thượng tướng Lê Khả Phiêu trong tâm trí đồng đội không chỉ có vậy. Trong họ, luôn hiện diện song hành một vị tướng tài mẫu mực trên chiến trường còn là một thủ trưởng, một đồng đội được cán bộ, chiến sĩ, đồng đội luôn nhớ tới bởi sự giản dị, cởi mở, thân tình, hết tâm hết lòng.
"Tôi rất nhớ câu nói từ trái tim và đầy tình thương yêu đồng đội, đồng chí của đồng chí Lê Khả Phiêu với chúng tôi khi bàn phương án đánh Thượng Đức. Đồng chí bảo, các bà mẹ miền Bắc đã nuôi những người con đến khi họ trưởng thành lại giao cho quân đội để làm những người lính cho chúng ta chỉ huy trong các trận đánh. Chúng ta phải thay mặt những người cha, người mẹ, đồng bào chúng ta đảm bảo các chiến sĩ hoàn thành được nhiệm vụ mà quân đội giao cho nhưng cũng phải giảm thương vong cho anh em chiến sĩ, giảm đau thương cho những người mẹ, người cha", Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, xúc động nói.
Nhà lãnh đạo bản lĩnh và quyết liệt
Lúc sinh thời, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần tâm sự: “Mình là “lính tráng” đi làm chính trị, cái gì không biết thì phải học hỏi, lắng nghe; chuyện gì có lợi cho dân, cho đất nước, cho Đảng thì mình phải tiếp thu, cố gắng làm theo”.
Nhưng đó, thực sự là sự khiêm nhường đáng kính trọng của một nhân cách lớn. Người “lính tráng” ấy thành công đến mức nào trên cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, hậu thế sẽ còn nhiều đánh giá, chỉ biết rằng, đến thời điểm này, trong nhìn nhận của những cán bộ từng sát cánh cùng ông trong công việc, không ai có thể phủ nhận rằng vị tướng ấy, khi bước sang địa hạt mới, cũng đã vẫn giữ cho mình tâm thế, bản lĩnh của một người lính khi ra trận: hừng hực khí thế, ăm ắp lửa nhiệt huyết, bản lĩnh, mạnh mẽ và đầy quyết liệt.
Bản lĩnh ấy, sự quyết liệt ấy thể hiện trong rất nhiều chỉ đạo và cả những quyết định bất ngờ của ông. “Việc đó cũng thể hiện một bản lĩnh chính trị rất rõ ràng, ông không lấn cấn gì. Tất nhiên việc đó khiến ai cũng phải suy nghĩ nhưng lúc bấy giờ cần phải lựa chọn quyết định để tạo được sự thống nhất trong Trung ương, tạo sự thống nhất trong Đảng”- Nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt chia sẻ về việc nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu “xin nghỉ” tại Đại hội IX.
Nhưng nhắc đến “Bản lĩnh Lê Khả Phiêu”, không thể không nhắc tới quyết tâm chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch Đảng, nâng cao sức chiến đấu, vai trò và thanh danh của Đảng bằng việc cho ra đời Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) từ ngày 19/5/1999 đến ngày 19/5/2001.
“Tắm gội phải từ trên đầu xuống chứ không phải từ ngang thắt lưng” “Một Đảng cầm quyền thì trước tiên phải sửa mình” - tinh thần chỉ đạo quyết liệt, không nề hà của một con người, nói như nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt: “Không ai có thể hối lộ, mua chuộc được anh Phiêu” - một thời, thực sự đã khiến không ít người phải… giật mình.
Và thực tế, với Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), lần đầu tiên Đảng thừa nhận: "Trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn". Và cũng với Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), lần đầu tiên đã có việc nhiều cán bộ cấp trung ương phải chịu xử lý kỷ luật nghiêm khắc do những sai phạm của mình.
Cũng chính từ sự khởi động mạnh mẽ, có tính chất lan tỏa của Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), bằng sự tham gia quyết liệt, trách nhiệm, trong sáng của Tổng bí thư và các đồng chí trong Bộ Chính trị, cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ thời điểm ấy đã có đà mạnh mẽ…
Bản lĩnh, sự quyết liệt mang phong thái của một nhà lãnh đạo từng là một người lính, một vị tướng còn thể hiện ngay cả trong những câu chuyện rất riêng, tưởng chừng như rất nhạy cảm khó nói.
“Tôi nhớ và yêu mến anh Phiêu còn vì thái độ, trách nhiệm của anh ấy với chính những hạn chế, khuyết điểm của mình. Câu chuyện đáng tiếc ấy xảy ra khi công tác chuẩn bị Đại hội IX đang đến giai đoạn cuối. Trong một cuộc họp Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chủ trì, có một đồng chí nêu ra một số vấn đề liên quan trách nhiệm của anh Lê Khả Phiêu. Sau đó một số đồng chí khác có ý kiến bổ sung… Đánh giá tính nhạy cảm của sự việc, Bộ Chính trị lập một nhóm chuyên trách xác minh. Quy trình làm rất thận trọng, chặt chẽ, từng bước báo cáo đầy đủ với Ban chấp hành Trung ương để đi đến kết luận cuối cùng. Trong quá trình này, anh Phiêu ứng xử rất nghiêm túc, thẳng thắn, đúng mực. Ngay trong cuộc họp Bộ Chính trị đầu tiên ấy, có việc Tổng bí thư nhận khuyết điểm ngay và xin phép rút quyết định không đúng của mình. Có việc khác anh còn báo cáo thêm và tạo điều kiện đầy đủ để nhóm chuyên trách xác minh. Trong các cuộc họp Bộ Chính trị, rồi kể cả đưa ra tại Trung ương về việc của mình, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đều trình bày rõ vấn đề và tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ một cách bình tĩnh, trách nhiệm với những nội dung mà tổ chức kết luận. Thái độ gương mẫu và đúng mực ấy là một yếu tố quan trọng để khi anh Phiêu nghỉ thì mọi người vẫn rất kính trọng, yêu mến” - câu chuyện được nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban bí thư Phan Diễn kể lại có thể khiến tất cả chúng ta, trong đó, có những cán bộ, lãnh đạo, đảng viên một chút lắng lòng suy ngẫm, nhất là trong bối cảnh Đại hội Đảng thứ XIII - Đại hội của sự chuyển giao thế hệ đang cận kề.
Thế nước, vận Đảng có tiếp tục khởi sắc, đi lên, khát vọng thịnh vượng có thể sớm được hiện thực hóa hay không, cũng khởi đầu chính từ những ngẫm suy ấy. Một nén hương thơm tưởng nhớ ông, con người 70 năm tuổi Đảng, đến tận những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, vẫn chỉ nguyện: “Tổ quốc kính yêu, vì Người ta xông tới”./.
Nhắc đến “Bản lĩnh Lê Khả Phiêu”, không thể không nhắc tới quyết tâm chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch Đảng, nâng cao sức chiến đấu, vai trò và thanh danh của Đảng bằng việc cho ra đời Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) từ ngày 19/5/1999 đến ngày 19/5/2001. |