Trưởng thành từ một người chiến sĩ, lên đến cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam- người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cao nhất, đồng chí Lê Khả Phiêu đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng nỗ lực cao độ, dành tất cả tâm huyết của mình cho công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Sau này, khi không còn đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, đồng chí vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. VOV xin trân trọng giới thiệu những ý kiến tâm huyết, trăn trở của ông khi trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí xung quanh nội dung này.
Đấu tranh trong Đảng là để xây dựng cho đồng chí mình, cho tổ chức Đảng mạnh lên
Năm 2012, trả lời phỏng vấn báo SGGP trước thềm Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhắc lại Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII (năm 2000). Ông cho biết: “Hội nghị đã đề cập đến những vấn đề cơ bản, cấp bách về xây dựng Đảng. Đảng ta lúc đó đã đặt 3 vấn đề: suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị; nguyên tắc tổ chức, phê bình, tự phê bình rất hình thức, rời rạc, trong đó có công tác cán bộ; phương thức lãnh đạo có nhiều vấn đề, trong nội bộ mất đoàn kết, một bộ phận đội ngũ cán bộ hư hỏng.
Lúc đó, tôi đã cho in lại Di chúc của Bác Hồ, kể cả bản nháp để củng cố lại Đảng. Dư luận chung lúc đó rất là ủng hộ, Đảng ta tuy có khuyết điểm, nhưng vấn đề củng cố được cho đúng thì đó là hạnh phúc cho nhân dân, cho Đảng. Người dân gửi thư, tham gia rất nhiệt tình, họ mong Đảng ta sẽ có chuyển biến. Và thực tế, Đại hội VIII, Đại hội IX chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Nhưng chỉ cần chúng ta lơi dần là sẽ bộc lộ những cái mới.
Vì vậy, Đại hội X, Đại hội XI đều nhận định, một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bệnh cũ tái phát và có phần nguy hiểm hơn, nhất là bệnh quan liêu, xa dân, cửa quyền, tham ô, tham nhũng thành quốc nạn, nguyên tắc tổ chức lơi lỏng, người đứng đầu bộ máy không thể hiện được nguyên tắc tập trung dân chủ, công tác cán bộ có nhiều sai phạm. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) lần này tiếp tục thực hiện những vấn đề mà Hội nghị Trung ương 6 lần 2 đã đặt ra về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chúng ta phải tự phê bình trong Đảng một cách nghiêm túc”.
Để chỉnh đốn Đảng không có “vùng cấm”, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết: “Từ năm 1947, Bác Hồ đã nói câu “Trong hội thì không nói, ngoài hội thì nhiều mồm”. Điều nay hiện nay vẫn còn tồn tại, thậm chí có lúc còn nặng hơn, vì vậy Trung ương, Bộ Chính trị phải thẳng thắn với nhau, dân chủ với nhau, thực sự tiếp thu tinh thần phê bình và tự phê bình để xây dựng. Chúng ta học tập đạo đức Bác Hồ là phải học điều đó. Chỉnh đốn Đảng lần này không sốt ruột được, phải làm nghiêm túc, làm một cách bài bản, có văn hóa và có đạo lý. Đấu tranh trong Đảng là để xây dựng cho đồng chí mình, cho tổ chức Đảng mạnh lên”.
Đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực: Tinh thần là cấp cao cũng không né tránh
Trả lời phỏng vấn báo Người Lao động ngày 2/10/2017 về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: Việc giám sát cán bộ hiện nay chưa thật sát. Chính vì đánh giá con người chưa sát, chưa đến nơi đến chốn nên xảy ra sai sót. Cũng có cán bộ được đánh giá đúng, bố trí đúng nhưng khi thực hiện thì cán bộ làm sai. Vì vậy, công tác cán bộ phải được theo dõi, đánh giá, giám sát thường xuyên, liên tục để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua.
Về việc xử lý kỷ luật cán bộ, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, thời kỳ này, ta dám làm, kiên quyết làm, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, sai trái…Tinh thần là cấp cao cũng không né tránh, không chỉ là cấp Bộ trưởng đâu mà còn cao hơn nữa. Vùng cấm trước đây cũng có nhưng vừa qua khui được nhiều thứ. Đó là hành động mạnh mẽ của Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư. Đây là bước đi tốt nhưng không phải như thế là xong mà làm sao để mọi đảng viên phải tự giác không vi phạm quy định, vi phạm pháp luật, giữ mình trong sáng. Đảng viên phải có dũng khí giữ gìn cho đúng, đừng để vi phạm. Còn có sai thì có kỷ luật, dứt khoát phải làm, làm thật nghiêm".
Về việc xử lý một số cán bộ không còn tại vị, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, phải coi đó là án kỷ luật của Đảng cho nghiêm minh. Dù về hưu rồi, vẫn là đảng viên, không trung thực thì cũng phải xử lý chứ không thể tha. Tinh thần như thế là đúng, nên làm. Không thể về hưu rồi mà tha. Phải chỉ ra cho chi bộ thấy, răn đe cho các đảng viên khác đừng có như thế. Như ông Vũ Huy Hoàng làm sai thì nghỉ rồi cũng phải kỷ luật, phải có hình thức kỷ luật. Phải thấy đây là bài học cho cán bộ khác, nếu làm sai thì về nghỉ rồi cũng phải chịu kỷ luật, phải ghi vào lý lịch.
Xử lý cán bộ không phải để dìm một ai đó xuống tận bùn đen
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV tháng 12/2018, đánh giá về cách xử lý cán bộ của Đảng trên tinh thần kết hợp giữa xây và chống, ngăn chặn phòng ngừa, mở đường cho đối tượng sửa chữa, tiến bộ, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, đó là cách làm đúng. Chúng ta làm kiên quyết, tích cực, triệt để không phải để dìm một ai đó xuống tận bùn đen, mà làm cho con người đó thấy được cái sai của mình để sửa chữa, để chuyển biến, tất nhiên sai phạm đến mức phải kỷ luật thì vẫn phải làm, thậm chí có người phải vào tù. Nhưng dù là vào tù thì họ cũng nhận thức rõ cái sai của mình, phấn đấu cải tạo, sửa chữa để quay trở về làm người tốt.
Những người đang làm tốt, không mắc khuyết điểm cũng không nên lấy đó để mừng hay lo, mà hãy lấy cái sai của người khác, làm bài học cho mình, không những thế còn phải cảnh giác với chính mình. Làm được như vậy, bộ máy của ta sẽ mạnh lên, không có chỗ cho tiêu cực lấp ló, rình mò kéo cán bộ ta sập bẫy, sa vào con đường hư hỏng.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh, cách làm minh bạch bài bản khiến cho mọi đúng sai đều rõ ràng. Tinh thần đó theo ông rất tốt, không gây xáo trộn, đảo lộn mà ai cũng thấy phấn khởi, hào hứng chứ không phải căm thù, xa lánh.
Tất nhiên, như thế không có nghĩa là tiêu cực đã biến mất mà vẫn còn lấp ló đâu đó, nếu không cảnh giác nó có thể quay trở lại quật ngã bất cứ lúc nào. Những tiêu cực trong con người có thể diễn ra bất cứ lúc nào, trong những hoàn cảnh khác nhau, chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố, nếu mỗi cá nhân không giữ vững được lập trường cách mạng sẽ rất dễ bị cám dỗ, sa ngã.
Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi cá nhân, từng người phải tự cảnh giác với chính mình, từ cán bộ cấp thấp đến cấp cao, tự soi mình xem làm có đúng đắn không, có khi nào vi phạm bản chất cách mạng không; Phải đấu tranh thường xuyên với những tồn tại, hư hỏng không để cái xấu chi phối. Như thế mới mong tiêu cực không thể chiếm lĩnh trong Đảng, tổ chức nhà nước luôn trong sạch, dứt khoát đất nước sẽ phát triển./.