Kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 2/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương là bình tĩnh, chủ động, kiên quyết ngăn chặn để ngăn ngừa có hiệu quả làn sóng Covid-19 thứ hai vào Việt Nam. Tinh thần là không để lây lan trên diện rộng, không để xuất hiện ổ dịch mới xuất hiện mà không được ngăn chặn. Không chủ quan nhưng không hoang mang, dao động, bị động.
Cảnh báo dịch sẽ lan rộng nếu không có giải pháp quyết liệt, phù hợp, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng và Quảng Nam tiếp tục xử lý các ổ dịch. Các địa phương không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt cần khởi động hệ thống y tế để sẵn sàng ứng phó các tình huống có thể xảy ra. Tăng cường quản lý chặt chẽ khu vực biên giới và các khu cách ly tập trung. Các bệnh nhân nặng phải có biện pháp y tế để hạn chế tử vong.
"Tinh thần là thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực xử lý các ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam và các ổ dịch khác xuất hiện. Tranh thủ từng giờ để truy vết, áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp, tổ chức xét nghiệm trên diện rộng, giám sát y tế đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh, tiếp xúc với các ca bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, các trường hợp đến Đà Nẵng, Quảng Nam từ ngày 1/7 vừa qua và qua lại ổ dịch. Bằng mọi biện pháp kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe, nhất là các trường hợp ho, sốt phải được kiểm tra kịp thời trong phạm vi quốc gia" - Thủ tướng chỉ đạo.
Nhấn mạnh không được để xảy ra các ổ dịch mới, nhất là tại các bệnh viện, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức tung tin đồn hay đưa tin sai sự thật. Đặc biệt là cần có biện pháp huy động cả hệ thống chính trị chống dịch.
Thủ tướng cho biết, phương châm chỉ đạo lần trước là “chống dịch như chống giặc”, lần này dịch ở cấp độ mới, có thể diễn ra trên diện rộng nếu ngăn chặn không hiệu quả, nên mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một “pháo đài” chống dịch. Mỗi người cần bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương nơi cư trú.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, ăn uống đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt những vùng có ổ dịch càng phải nghiêm túc. Nhân dân các địa phương thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.
Thủ tướng đề nghị người dân cài đặt ứng dụng BlueZone để thực hiện truy vết nhanh các trường hợp lây nhiễm; giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố triển khai. Cùng với đó là khuyến khích thúc đẩy các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến như dạy học, khám bệnh từ xa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử. Đây cũng là dịp thúc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp, khuyến khích người trẻ đóng góp vào quá trình chuyển đổi số.
Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương không áp dụng các biện pháp thái quá không đúng với trạng thái của dịch như ngăn sông cấm chợ, không được tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có ổ dịch dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế xã hội. Đây chính là mầm mống gây mất trật tự an ninh. Các biện pháp giãn cách xã hội phải được tính toán chặt chẽ với phạm vi và quy mô hợp lý.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ cho cả doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do Covid-19.
Các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, thành tiếp tục cảnh giác, kiểm soát các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam qua các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, hàng không; kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở, kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực tập trung đông người nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp khởi tốt các trường hợp tổ chức đưa người trái phép vào Việt Nam cũng như lưu trú trái phép các trường hợp từ nước ngoài vào Việt Nam theo quy định pháp luật.
Về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phương án cụ thể, đảm bảo an toàn cho kỳ thi; có phương án cụ thể đối với các khu vực cách ly. Bộ phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để chỉ đạo các địa phương có phương án đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Những khu vực giãn cách xã hội, đang phải cách ly thì có thể cân nhắc chưa tổ chức thi ngay mà có thể tổ chức thi sau. Việc thi tốt nghiệp và xét tuyển cao đẳng, đại học phải tuân thủ các quy định hiện nay.
Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp kịp thời thông tin công khai minh bạch tình hình dịch; tập trung thông tin về việc không tập trung đông người; hướng dẫn biện pháp phòng chống cho nhân dân, khai báo y tế tự nguyện, thông báo cho chính quyền những trường hợp về từ vùng dịch, không gây hoang mang.
Trong lúc cấp bách hiện nay, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế và Bộ Tài chính tạm ứng kinh phí để mua thiết bị y tế để phòng, chống dịch, sau đó Bộ Y tế và Bộ Tài chính phải có hướng dẫn các địa phương về từng chủng loại, thiết bị cần thiết. Đây là việc làm cần thiết để điều trị bệnh cho nhân dân, nhưng đi liền với đó là kiểm tra để không xảy ra tình trạng tham ô, tham nhũng.
Theo một tin khác, sau khi ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk đã triển khai Công văn số 6743 về việc cách ly xã hội đối với thành phố và đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu thực hiện cách ly xã hội trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột trong vòng 14 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 3/8/2020 đến ngày 16/8/2020.
Trong thời gian này, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, trường hợp cố tình vi phạm thì xử phạt hành chính 200.000 đồng/người để nêu gương.
Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, chỉ duy trì hoạt động của siêu thị, chợ, các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu về nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu y tế, xăng dầu, bưu chính, viễn thông, công chứng, ngân hàng, cơ sở cung cấp thức ăn nấu sẵn/sơ chế với hình thức bán mang về. Các xưởng, cơ sở, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Dừng triệt để các hoạt động tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng và các cơ sở cung cấp dịch vụ.
Thực hiện phong tỏa đường Hoàng Diệu, phường Thắng Lợi (đoạn từ ngã tư Hoàng Diệu – Lý Thường Kiệt đến ngã tư Hoàng Diệu – Hai Bà Trưng); khu vực hẻm 43/15 đường Ama Khê, phường Tân Lập; khu vực hẻm 13/2/9 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập; khu vực số nhà 101, Quốc lộ 14, thôn 5, xã Hòa Thuận.
Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa các cơ quan trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột ngừng tiếp nhận hồ sơ mức độ 1, 2, chỉ tiếp nhận hồ sơ mức độ 3,4. Dừng hoạt động vận tải tuyến cố định nội ngoại tỉnh, vận tải theo hợp đồng, hạn chế tối đa dịch vụ xe buýt công cộng; đối với xe taxi phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch (đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn, chỉ chở 1 người/xe 4-5 chỗ và tối đa 2 người/ xe 7-9 chỗ…).
Hạn chế tối đa việc di chuyển từ vùng có dịch đến tỉnh Đắk Lắk và ngược lại, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, đảm bảo thông tin, bưu chính và các trường hợp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất./.