Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các bộ, ngành chức năng phấn đấu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thành điểm đến an toàn tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong khu vực và toàn cầu.
Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, chính thức khai trương. Sau 20 năm, thông qua Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã huy động vốn thành công, trợ lực cho doanh nghiệp tăng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế.
Tính đến ngày 30/6 năm nay, trên Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh có 380 mã cổ phiếu niêm yết, 43 trái phiếu.... Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% GDP.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình đổi mới hội nhập của đất nước. 20 năm qua đã minh chứng quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển vươn lên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Từ một trung tâm giao dịch chứng khoán với 2 doanh nghiệp niêm yết, đến nay, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí khởi nguồn và đầu tàu, chiếm gần 80% giá trị vốn hóa thị trường, là nơi tập trung niêm yết của hầu hết các doanh nghiệp lớn, đồng thời phát triển mạnh thị trường trái phiếu Chính phủ với quy mô 20% GDP. Thị trường chứng khoán phái sinh dù mới ra đời hơn 2 năm nhưng cũng hứa hẹn đầy tiềm năng phát triển.
Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta rất tự hào thị trường chứng khoán Việt Nam non trẻ đã kiên cường vượt qua mọi thử thách của nhiều cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế khu vực, toàn cầu, đặc biệt là trước những tác động ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong thời gian gần đây, được đánh giá là một trong những thị trường hồi phục nhanh nhất và ổn định nhất trong khu vực. Trải qua hơn 20 năm phát triển và trưởng thành, thị trường chứng khoán Việt Nam từ quy mô rất nhỏ, sơ khai đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, chiều sâu và trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế".
Thủ tướng cho biết, trong 10 năm gần đây, tổng số vốn huy động của thị trường chứng khoán đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng, tương đương 14% tổng mức đầu tư toàn xã hội, đóng góp quan trọng, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn cùng hệ thống tín dụng ngân hàng, giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng với tổng mức vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp trong huy động nguồn lực để phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế và từng bước nâng tầm vóc khu vực quốc tế.
Với những kết quả phát triển vượt bậc đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức của ngành chứng khoán đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung này.
Từ việc nước ta đã kiểm soát thành công dịch Covid-19, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần tận dụng hiệu quả cơ hội “có một không hai” này để phục hồi và phát triển kinh tế, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong nước, các luồng luân chuyển vốn trong khu vực và toàn cầu. Theo đó, Thủ tướng nêu yêu cầu đối với nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Yêu cầu đặt ra đối với thị trường chứng khoán sau 20 năm hoạt động là cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế; chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển hệ thống doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa, bền vững hơn nữa. Ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nâng hạng thị trường mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao mang tầm vóc khu vực toàn cầu. Qua đó góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại phát triển thịnh vượng trong 15- 20 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.”
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cần có tư duy đột phá và hành động quyết liệt trong việc sớm hoàn thiện thể chế cơ chế, chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính, tiền tệ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng ngay trong năm nay. Hệ thống quy định của pháp luật phải thực sự có tinh thần đổi mới, có tầm nhìn trung và dài hạn, tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ hội công, bằng bình đẳng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Các cơ quan liên cung cũng cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sự phát triển nhịp nhàng đồng bộ các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm. Hướng tới tái cơ cấu thị trường hoàn chỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp trong huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển nhanh quy mô, chất lượng của thị trường, trong đó đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân niêm yết trên thị trường.
Cùng với đó là chủ động hội nhập với thị trường tài chính, tiền tệ chứng khoán khu vực, quốc tế bảo đảm tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực tốt nhất, phấn đấu sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thành điểm đến an toàn, tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong khu vực và toàn cầu, góp phần từng bước phát triển các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực quốc tế ở nước ta.
Thủ tướng tin tưởng, với sức trẻ của tuổi 20 với những kinh nghiệm, thành quả quý giá đã tích lũy trong nhiều năm, ngành chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vượt qua “sóng gió” để tiếp tục “ra khơi”, chinh phục “biển lớn”./.
Vũ Dũng/VOV