Giải ngân đầu tư công 2020: Khó hoàn thành kế hoạch được giao

  • 13/07/2020 12:00:00
  • Thành Công tổng hợp
  • Chính trị
  • 0

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020. Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 (kể cả số vốn các năm trước chuyển sang). Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi.

Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 thấp

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến Quý 2/2020 là hơn 122.241 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch.

Trong tổng vốn giải ngân đầu năm nay, vốn trong nước đã giải ngân hơn 114.819 tỷ đồng (đạt 27,96% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.421 tỷ đồng (đạt 12,37% kế hoạch).

Theo Bộ Tài chính, có 7 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Có 34 bộ, cơ quan Trung ương và 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Trong đó, có 18 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Đáng chú ý, nhiều đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào, như: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Thủ tướng: giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2020 đạt 12,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 3,38% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 5,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, vẫn còn số lượng rất lớn, 44 đơn vị (11 bộ, ngành và 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) tỷ lệ giải ngân đạt dưới 2% tổng số vốn kế hoạch được giao khoảng 21.700 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020. Năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Các nhiệm vụ còn tồn tại của cả giai đoạn đều đặt vào năm nay, bao gồm cả việc hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, khiến các dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi thậm chí còn chịu nhiều tác động nặng nề hơn từ đại dịch này.

Báo cáo cho thấy, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 60.000 tỷ đồng, số được phân bổ cho các Bộ, ngành địa phương để nhập vào hệ thống TABMIS là 56.700 tỷ đồng, trong đó: Dự toán giao cho các Bộ, ngành Trung ương là 18.216 tỷ đồng; Dự toán giao cho các địa phương là 38.484 tỷ đồng.

Theo số liệu trên hệ thống TABMIS, tính đến hết ngày 24/6/2020, tỷ lệ nhập dự toán trên TABMIS chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các cơ quan đạt 85,2% (48.286 tỷ đồng), trong đó các Bộ, ngành đạt tỷ lệ 82,5% (15.030 tỷ đồng) và các địa phương đạt tỷ lệ 86,4% (33.256 tỷ đồng).

Trong đó, đã có 7/12 Bộ đã nhập và phân bổ 100% dự toán vốn vay nước ngoài trên TABMIS; 4/12 Bộ đã nhập và phân bổ trên 70% dự toán; có 59/62 địa phương đã nhập và phân bổ TABMIS trên 50% dự toán vay nước ngoài; 2/62 địa phương còn lại nhập và phân bổ dự toán đạt tỷ lệ dưới 50% so với dự toán được giao.

Cũng tại hội nghị, báo cáo về giải ngân kế hoạch vốn 2020, tính đến hết ngày 24/6/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao.

Trong đó, giải ngân của các Bộ, ngành trung ương là 2.815 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15,46% so với dự toán được giao; Giải ngân của các địa phương là 4.611 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,98% so với dự toán được giao.

Nhiều nguyên nhân

Theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), có 7 nguyên nhân làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các dự án, trong đó nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án. Bên cạnh đó, thời gian thống nhất được với nhà tài trợ nước ngoài về các nội dung hoạt động của dự án thường kéo dài; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay nên chậm triển khai.

Công tác giải ngân đầu tư công 2020 là thách thức lớn. Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, do đó, các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Long cho rằng, hầu hết các hoạt động của các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát... nên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.

Ngoài ra, vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thường bị kéo dài... cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công được các đại biểu nêu ra tại hội nghị.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là rất đáng ngại, kéo dài nhiều năm qua. Đối với năm 2020, tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019, công tác giải ngân là thách thức lớn. Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc Bộ Tài chính cam kết đảm bảo đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận