Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trả chức: Một kiểu phản ứng vô trách nhiệm?

- 'Chưa nói đến vai trò là lãnh đạo cao nhất tỉnh, với tư cách đảng viên, cách làm của họ là không chuẩn, làm khó cho tổ chức'.

 

Câu chuyện 2 vị lãnh đạo cao nhất tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt gửi đơn xin thôi chức đang là vấn đề thời sự nóng hổi bởi nó không chỉ diễn ra ngay trước Đại hội đại biểu Đảng bộ của tỉnh mà không lâu trước đó, 2 vị lãnh đạo này vừa nhận quyết định kỷ luật của Bộ Chính trị và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Dưới góc nhìn của một người từng có thâm niên trong ngành Kiểm tra, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Ngô Văn Sửu cho rằng, hiện tượng lãnh đạo thôi chức, từ chức ở ta rất hiếm, hầu như chưa có vị nào thấy mình không còn đảm đương được nhiệm vụ, không còn đủ uy tín để tiếp tục làm việc mà xin thôi chức, từ chức.
Trong hành chính chỉ có từ chức hoặc cách chức

Qua theo dõi kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với 2 cán bộ này, ông Sửu cho rằng, quyết định kỷ luật đối với 2 vị này là nhẹ, mặc dù kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, sai phạm của các vị không hề nhẹ. Đương nhiên đó là quyết định, quyền hạn của Bộ Chính trị sau khi đã xem xét, cân nhắc công, tội của cán bộ.

Tuy nhiên, diễn biến câu chuyện kỷ luật cán bộ sau đó càng khiến dư luận ngạc nhiên, đó là cách “phản ứng” của 2 vị lãnh đạo. Cùng một lúc, 2 cán bộ đều có đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi giữ chức vụ với lý do “tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới”.

“Không hiểu nhận quyết định kỷ luật, các vị đó tự ái cá nhân hay động cơ gì mà lại phản ứng như thế. Tôi cho đó là một kiểu “hờn dỗi” của họ. Nếu thực tâm muốn sửa chữa, muốn tạo điều kiện cho tổ chức, thì còn ngày nào đảm đương nhiệm vụ, anh phải có trách nhiệm với công việc đó. Như thế mới là người đảng viên đứng đắn, nhận thức được sai lầm, khuyết điểm của mình để sửa chữa. Anh vào vị trí đó là do Đảng, Nhà nước, nhân dân tín nhiệm đưa vào, nên không thể “làm mình làm mẩy”, giẫy ra đòi trả lại khi không vừa lòng”.

Ông Sửu nêu quan điểm như trên, đồng thời cho rằng, việc xin thôi giữ chức không mang ý nghĩa về mặt hành chính, bởi trong hành chính chỉ có từ chức hoặc cách chức. Chưa nói đến vai trò là lãnh đạo cao nhất của tỉnh, mà với tư cách là đảng viên, cách làm của họ là không chuẩn, làm khó cho tổ chức.

Nói một cách nghiêm túc, nếu anh thấy không xứng đáng, không đủ uy tín thì làm đơn xin từ chức để Trung ương chỉ định người thay thế, chứ đằng này xin thôi chức, để nhường lại cơ hội cho người khác, có cảm giác như cách làm đó không phù hợp với người bị kỷ luật. Cũng có thể, động cơ của các vị ấy muốn giữ lại một chút danh dự, lòng tự trọng, khi đã không đủ uy tín thì dừng lại, nhưng dù là như thế thì vẫn thấy không ổn. Bởi nếu là cán bộ thẳng thắn, cương trực, thì ngay từ khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong bản tự kiểm điểm, tự nhận thức được những sai phạm của mình, các vị ấy hoàn toàn có thể đề xuất hình thức kỷ luật cũng như xin rút lui. Cùng với việc xin từ chức, các vị ấy có thể giới thiệu, đề cử cho tổ chức, cho trung ương những người đủ phẩm chất, năng lực để có thể thay thế. Còn việc xem xét, lựa chọn ai là quyền của tổ chức. Như thế mới là cán bộ đầy đủ trách nhiệm.

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Trung ương chưa đồng ý thì 2 vị tiếp tục đảm đương nhiệm vụ

Phân tích thêm về vấn đề nhân sự thay thế, ông Sửu còn cho rằng, việc 2 cán bộ tỉnh Quảng Ngãi làm như vậy là gây phức tạp, khó khăn cho tổ chức, chứ không hẳn đã nghiêm túc với bản thân. Sau quyết định kỷ luật đối với 2 cán bộ cao cấp của tỉnh, cũng cần xem xét tới dư luận quần chúng, đảng viên trong tỉnh, căn cứ vào đó để đánh giá mức tín nhiệm thực sự đối với 2 cán bộ này. Nếu dư luận ở đó mà thuận thì Trung ương cũng dễ giải quyết. Nếu mà không thuận, cử người khác thay, không biết Thường vụ có ủng hộ, nhất trí không. Với quyền hạn, Trung ương có thể đưa về, nhưng nếu về mà không được Thường vụ ủng hộ sẽ khó làm việc.

Ông Sửu cũng cho biết, theo quy trình về công tác cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ phải tiến hành họp, đề xuất người thay thế, sau đó mới trình lên Trung ương. Nhân sự Chủ tịch tỉnh phải trình Thủ tướng. Nếu được thông qua, Thủ tướng sẽ có quyết định chỉ định tạm thời làm Chủ tịch; nhân sự Bí thư tỉnh ủy phải trình Bộ Chính trị, sau đó Bộ Chính trị mới cử người làm Bí thư. Vấn đề nhân sự đó cũng cần cả một quá trình, chứ không chỉ vài ngày mà xong. Bên Đảng còn phải mất thời gian hơn, địa phương phải có báo cáo gửi Ban Tổ chức Trung ương, sau đó trình ra Thường trực Ban Bí thư, sau khi xem xét, có ý kiến tiếp tục trình ra Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Ban Bí thư, Bộ Chính trị sẽ họp, ra quyết định cuối cùng. Như vậy, theo quy định của Đảng, mặc dù 2 vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có đơn xin thôi chức, nhưng chừng nào chưa có sự đồng ý của Trung ương thì 2 vị này vẫn phải tiếp tục đảm đương nhiệm vụ, chức trách của mình./.

Thanh Hà/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận