Chiều 22/6, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mọi thành phần kinh tế có thể tham gia sản xuất điện, kể cả lưới truyền tải.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành điện bảo đảm đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa hè, nắng nóng gay gắt.
Tuy nhiên, trước thông tin dư luận phản ánh về việc thời gian qua hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ; nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.
Báo cáo Thủ tướng, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng xác minh các trường hợp có tiền điện tăng cao để trả lời, giải thích cho người dân một cách công khai.
Về quản lý điện lực, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Công Thương chủ trì vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm bảo đảm nguồn và lưới điện cho phát triển đất nước. Bộ Công Thương phải chủ trì, lên phương án cụ thể và chịu trách nhiệm đến cùng trong chỉ đạo thực hiện. Vai trò cá nhân trong chỉ đạo vấn đề này rất quan trọng, chứ không để thiếu điện rồi lúc đó mới xem trách nhiệm thuộc về ai.
Thủ tướng nêu rõ, phải áp dụng Nghị quyết của Bộ Chính trị và pháp luật có liên quan đã được Quốc hội thông qua. Mọi thành phần kinh tế có thể tham gia sản xuất điện, kể cả lưới truyền tải. Phát triển điện gắn với bảo vệ môi trường sống; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, ít gây ô nhiễm. Áp dụng quy luật thị trường trong sản xuất điện, do đó, bảo đảm giá điện cạnh tranh rất quan trọng, “cái gì có lợi cho người dân, cho người sản xuất để thu hút đầu tư thì nên làm”.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn nhà nước, cơ quan có liên quan có sự phối hợp, phân công cụ thể về triển khai các dự án, bảo đảm tiến độ và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tập đoàn.
Các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần nỗ lực thực hiện và phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương trong thực hiện chủ trương này. Sau cuộc họp này, Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo cơ chế; Bộ Tư pháp thẩm định, sớm trình Thủ tướng.
Cho rằng việc giải quyết vấn đề của các dự án điện gió, điện khí, điện mặt trời còn chậm, Thủ tướng nêu rõ, Bộ Công Thương phải xử lý gấp, làm rõ trách nhiệm, minh bạch.
Đối với thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, Thủ tướng nêu rõ, đây là quy hoạch mềm, không quá cứng nhắc.
Thủ tướng đồng ý việc điều chỉnh sơ đồ điện 7 theo đề nghị của Bộ Công Thương để tạo không gian phát triển phù hợp với tình hình, nhất là tình hình phát triển điện tái tạo; yêu cầu sớm trình sơ đồ điện 8. Bộ Tư pháp thẩm định sớm để trình Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ yêu cầu chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đề xuất quy hoạch sơ đồ điện 7, sơ đồ điện 8.
Đánh giá tình hình năng lượng thời gian qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết, có nhiều điểm mới như giá thành năng lượng tái tạo giảm rất nhanh trong thời gian qua, tăng tính cạnh tranh so với năng lượng truyền thống, từ đó, tạo điều kiện phát triển mạnh hơn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) mà chúng ta có tiềm năng lớn. Trong khi đó, nhiều tỉnh “quay lưng” lại với nhiệt điện than do vấn đề bảo vệ môi trường.
Ý kiến các bộ, ngành ủng hộ tinh thần xây dựng một quy hoạch năng lượng 10 năm tới, tầm nhìn đến 2045, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo đồng thời có cơ cấu nguồn điện hợp lý. Có ý kiến cho rằng, với công nghệ mới hiện nay của thế giới thì tác động môi trường của điện than được giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên, suất đầu tư sẽ cao hơn.
Quy hoạch không nên máy móc, cứng nhắc, mà xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đặt đầu bài cho các thành phần kinh tế, cả trong nước và nước ngoài tham gia. Nhà nước có cơ chế tạo điều kiện cho nhà đầu tư.
XUÂN TRƯỜNG/VTC.VN