'Thành ủy Hà Nội phải tìm ra nguyên nhân vụ việc 8B Lê Trực kéo dài'

Các ý kiến góp ý đề cập thẳng thắn những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua và đề nghị bổ sung vào văn kiện, để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

 

Mới đây, đóng góp ý kiến cho Dự thảo văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội, các thành viên Câu lạc bộ Thăng Long, gồm các cựu cán bộ trung, cao cấp của Hà Nội, đã có những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cho sự phát triển của Thủ đô, đất nước cũng như chăm lo cho cuộc sống người dân tốt hơn. Đặc biệt, các ý kiến góp ý cũng đề cập thẳng thắn những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua và đề nghị bổ sung vào văn kiện, từ đó, có giải pháp khắc phục hiệu quả. 

Vụ việc nhà 8B Lê Trực là khuyết điểm chứ không phải yếu kém

Một nội dung được các thành viên CLB đặc biệt quan tâm, đóng góp ý kiến là công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trong nhiệm kỳ qua. Các ý kiến đồng tình với nhận xét của Dự thảo văn kiện cho rằng, nhiệm kỳ qua, công tác này đã được quan tâm, chỉ đạo, có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo nhiều thành viên, vẫn còn những bức xúc tồn tại ngay trước mắt người dân. Đó là tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào những khung giờ cao điểm trên một số tuyến đường huyết mạch do hậu quả từ việc xây dựng quá dày đặc các dự án chung cư; đó là 2 tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội chậm khai thác nhưng tuyệt nhiên không thấy được nhắc đến trong nhiệm kỳ 2015-2020 cũng như nhiệm kỳ 5 năm tới 2020-2025.

Câu lạc bộ Thăng Long tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội. (Ảnh: Cổng TTĐT TP. Hà Nội)Ông Trần Quang Nhuận (quận Đống Đa) nêu thực tế, dọc các con đường Lê Văn Lương-Ngã tư Khuất Duy Tiến-Ngã tư Tố Hữu-Lê Trọng Tấn, trên đoạn đường chỉ dài 7,5km mà có tới 33 dự án chung cư cao tầng. Có đoạn chỉ dài 2km, trong vòng bán kính 100m, hai bên mặt đường Lê Văn Lương có tới 40 tòa nhà cao từ 25-35 tầng với hàng vạn cư dân và phương tiện cá nhân. Hậu quả ùn tắc giao thông nghiêm trọng hàng ngày luôn xảy ra và chưa dễ gì khắc phục được.

Ông Nguyễn Văn Thiết cho biết, liên quan đến 2 tuyến đường sắt đô thị, nhiều cử tri đã đặt ra câu hỏi đường sắt Cát Linh-Hà Đông liệu có tham nhũng lãng phí? Nếu có tham nhũng thì xét xử ra sao. Người dân rất cần một câu trả lời rõ ràng, các tuyến đường này bao giờ mới hoàn thành. 

Cũng liên quan tới công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, một số ý kiến nêu vấn đề “phạt cho tồn tại” hiện nay dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, kỷ cương phép nước không nghiêm. Tình hình đó dẫn đến nhiều chủ trương đúng nhưng không được thực hiện triệt để gây mất lòng tin của nhân dân.

Bà Lê Thị Tuyết (quận Từ Liêm) thẳng thắn cho rằng, nhiệm kỳ vừa qua thành phố làm được nhiều việc, đạt nhiều thành tựu nhưng cũng có những khuyết điểm chứ không chỉ dừng lại ở hạn chế, yếu kém. Theo bà Tuyết, phải coi vụ việc nhà 8B Lê Trực đã kéo dài nhiều năm là khuyết điểm chứ không còn là yếu kém. Thành ủy phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, tìm cho ra những nguyên nhân đích thực của sự việc. Liệu trong đó có lợi ích nhóm, hay lợi ích cá nhân không mà khó giải quyết như vậy?

Ông Nguyễn Văn Tươi (Phó Văn phòng CLB Thăng Long) đề nghị phải giải quyết triệt để những sai phạm trong dự án nhà 8B Lê Trực, thậm chí cần thiết phải phá bỏ toàn bộ phần sai phạm của dự án này.

Ông Đoàn Ngọc Mộc (quận Thanh Xuân) chưa đồng tình với đánh giá trong dự thảo cho rằng “đã tập trung khắc phục cơ bản tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo”, “hạn chế và giảm các điểm ùn tắc giao thông kéo dài”. Theo ông, trên thực tế 2 vấn đề này vẫn tồn tại. Cùng quan điểm, bà Phạm Hằng (quận Tây Hồ) cho rằng, nhà siêu nhỏ, siêu hẹp vẫn tồn tại không giải quyết được dù đã nêu ra rất nhiều lần từ nhiều năm nay.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Văn Tươi nêu thực tế đang diễn ra trên tuyến đường từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy, đang trong giai đoạn giải tỏa và hoàn thành. Nhưng nhiều nơi trên tuyến đường này, loại nhà siêu mỏng, siêu nhỏ vẫn đang được xây dựng lên, trong đó có khu vực Ngã Tư Vọng.

Đảng viên đông nhưng chưa phát hiện được vụ việc tiêu cực

Về công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhiều ý kiến thành viên CLB đồng tình với đánh giá như trong dự thảo văn kiện cho rằng, nhiệm kỳ qua, công tác này được đẩy mạnh và thu được kết quả tích cực. Tuy nhiên, cần làm rõ có bao nhiêu tổ chức, cá nhân tham nhũng, lãng phí; các vụ việc này được xét xử như thế nào, bao nhiêu vụ án dân sự, bao nhiêu vụ án hình sự, làm rõ số tiền đã thu hồi về cho Nhà nước từ sau khi phát hiện tham nhũng, lãng phí.

Các thành viên CLB tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Cổng TTĐT TP. Hà Nội)Nhất trí công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt kết quả tích cực như dự thảo báo cáo, nhưng ông Đoàn Ngọc Mộc (quận Thanh Xuân) cho biết, nhiều người có suy nghĩ tại sao tổ chức Đảng, cấp ủy và với số lượng đảng viên thủ đô chiếm hơn 10% số lượng đảng viên cả nước lại chưa phát hiện được các vụ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí mà việc phát hiện thường thông qua báo chí và người dân. Đặc biệt những hành vi nhũng nhiễu, gây khó cho dân, doanh nghiệp khi giải quyết các thủ tục hành chính và trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức mà hầu hết là đảng viên đang xảy ra hàng ngày đã làm ảnh hưởng nhiều đến niềm tin của nhân dân với Đảng.

Ông Vũ Đức Loan (quận Hai Bà Trưng) nhận xét, trong nhiệm kỳ Đại hội XVI, công tác xây dựng đảng được các cấp ủy đảng đặc biệt chú trọng, đã đạt được kết quả toàn diện, trong đó nổi bật là: Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Sắp xếp tổ chức bộ máy; Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã và tinh giản biê chế của hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xử lý nghiêm những tổ chức, cán bộ đảng viên đã vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Những kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, làm cho đảng bộ thành phố đoàn kết hơn, vững mạnh hơn, trong sạch hơn, niềm tin đối với đảng được củng cố và tăng cường hơn, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đại hội XVI của đảng bộ, tạo nền tảng vững chắc đưa thủ đô phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Bên cạnh đó, theo ông Loan, trong nhiệm kỳ qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự nêu gương, không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chính sách cán bộ chưa tạo được động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Phòng chống tham nhũng lãng phí ở không ít địa phương chưa chuyển biến rõ rệt. Tình trạng tham nhũng vặt chưa được ngăn chặn đẩy lùi.

Trong nhiệm kỳ tới, ông Loan đề nghị đảng bộ thành phố cần chú trọng công tác xây dựng chỉnh đốn đảng trong sạch, vững mạnh. Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố. Thường xuyên củng cố và tăng cường đoàn kết trong đảng, trong hệ thống chính trị. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Bà Phạm Hằng (quận Tây Hồ) nhấn mạnh, vấn đề chống tham nhũng, công khai tài sản của các cán bộ có chức, có quyền là rất cần thiết. Bà mong muốn Đảng kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời đưa ra khỏi Đảng, khỏi bộ máy lãnh đạo những người kém phẩm chất, kém trình độ, cơ hội; Đặt lòng tin và đưa lớp trẻ có đức, có tài vào bộ máy, góp phần đưa đất nước phát triển./.

Theo Thanh Hà/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận