Phiên làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp cho đồng bào và cử tri cả nước theo dõi. Hôm nay cũng là ngày mở đầu tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.
Trước đó, sau một ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 cũng như quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 hôm thứ Bảy (13/6), đã có 40 đại biểu phát biểu ý kiến, có 9 đại biểu tham gia tranh luận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện tham gia làm rõ thêm nhiều vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Do số lượng đại biểu đăng ký còn rất nhiều (59 đại biểu), Đoàn Chủ tịch đề nghị mỗi đại biểu phát biểu không quá 5 phút, tranh luận không quá 2 phút. Các Bộ trưởng tham gia phát biểu không quá 7 phút, tập trung vào các nội dung còn ít được đề cập để thảo luận toàn diện, đầy đủ và có chất lượng.
Dấu ấn lịch sử
Hầu hết các đại biểu đều dành thời lượng nhất định trong bài phát biểu của mình để nói về thành công trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Có người nhấn mạnh, việc cả thế giới đang loay hoay với đại dịch, hơn một nửa dân số thế giới vẫn còn giãn cách xã hội thì mọi người có mặt đông đủ tại hội trường Diên Hồng với tâm thế thoải mái, an toàn là một hạnh phúc rất lớn mà nhiều quốc gia trên thế giới không có được.
Là một trong số ít các quốc gia trên thế giới với độ mở kinh tế lớn, hội nhập kinh tế sâu, rộng, đường biên giới dài nhưng Việt Nam đã thành công ngoạn mục trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Việt Nam được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi là điểm sáng toàn cầu về phòng, chống dịch.
Điều này là kết quả của chiến lược, sách lược chống dịch đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân.
Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, trong những tháng đầu năm nay, tình hình quốc tế và trong nước có những biến động lớn chưa từng có do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng cách mà chúng ta vượt qua đại dịch và tái khởi động nền kinh tế là một kỳ tích mang dấu ấn lịch sử.
“Hơn một tháng qua, đất nước ta không có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, phần lớn các ca nhiễm đã được chữa khỏi và ra viện, trong đó có những bệnh nhân từng bị rất nặng nhưng đã chữa trị bình phục, đặc biệt không có ca nào tử vong. Xã hội gần như trở lại hoạt động bình thường, các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch nhộn nhịp trở lại, các vấn đề an sinh xã hội được giải quyết cơ bản. Vì thế, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng cao. Cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam” - đại biểu Nguyễn Thị Yến (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định.
“Đại dịch Covid-19 khiến chúng ta phải trầm tĩnh nghĩ lại”
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội (đoàn Bạc Liêu) nhấn mạnh, đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là sau đại dịch Covid-19 thì xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội đang bùng nổ và trỗi dậy mạnh mẽ, có ảnh hưởng và diễn tiến sâu sắc ở nhiều nước với tốc độ nhanh chóng.
Ở Việt Nam, nền tảng số cũng đang trở thành một trong những thành phần chính đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ở hiện tại và trong tương lai. Nhưng nay chúng ta vẫn đang áp dụng hệ thống pháp luật cũ cho những hình thái kinh tế - xã hội mới. Công nghệ nước ta đang chuyển dịch sang nền công nghệ số, nền tảng online nhưng lại chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và rủi ro cao. Nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời nhưng vẫn áp dụng phương pháp quản lý hành chính cũ, lạc hậu và không phù hợp.
“Trong kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu Covid-19 mà Chính phủ đưa ra chưa chú trọng đúng mức với vấn đề này. Nếu không kịp thời nắm bắt và tận dụng cơ hội, Việt Nam sẽ lại tụt hậu. Vì vậy, tôi đề nghị Đảng và Quốc hội khẩn trương ra nghị quyết riêng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh gắn với nền tảng công nghệ số” - ông Tạ Văn Hạ kiến nghị.
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cũng cho biết, trong các giải pháp trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì giải pháp về cơ cấu lại thực chất, phục hồi nhanh nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là rất quan trọng. Đây là giải pháp cấp bách song có chiến lược lâu dài.
“Đại dịch Covid-19 khiến chúng ta phải trầm tĩnh nghĩ lại. Xu thế toàn cầu hóa sẽ có sự điều chỉnh và cũng là yêu cầu khiến Việt Nam phải quyết tâm hơn nữa tới nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp, chuyển đổi số và gia tăng giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu” - nữ đại biểu phân tích.
Lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là nội dung quyết định hết sức kịp thời. Tuy nhiên, theo đại biểu, để thực hiện thắng lợi kép vừa chống đại dịch, vừa chuyển đổi số, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian ngắn nhất thì trước tiên phải vượt qua tư duy cũ và cách làm cũ.
“Đây không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà theo tôi, nội dung quan trọng không kém là cuộc cách mạng về tư duy và thể chế” - đại biểu Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh và cho rằng trước hết yêu cầu phải đổi mới về tư duy lãnh đạo, nhận thức đầy đủ về xu thế, tính tất yếu, các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp và cách thức phối hợp hành động, nhất là ở cấp thực thi ở địa phương.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan đốc thúc triển khai nhiệm vụ này ở các địa phương nhằm thay đổi tư duy, tầm nhìn và cách thức tiến hành chuyển đổi số một cách đồng bộ./.
Ngọc Thành/VOV.VN