Bên hành lang Quốc hội: Thải càng nhiều rác, phải trả càng nhiều tiền

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: 'Chúng ta phải tính người nào xả rác ra nhiều thì phải trả nhiều hơn, tức là phải dựa trên lượng rác.

 

Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) có quy định người dân sống ở đô thị sẽ phải mua túi rác chuyên dụng do đơn vị được chỉ định bán ra và trả tiền phí vệ sinh môi trường theo khối lượng rác thải của gia đình.Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, nếu quy định này có hiệu lực sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường đồng thời cũng sẽ góp phần bù đắp một phần kinh phí cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), quy định kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị được tính dựa trên khối lượng phát sinh thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải, thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Việc phát sinh nhiều chất thải đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều bao bì, thiết bị chứa chất thải và phải trả nhiều tiền hơn, điều này khác với việc thu bình quân theo hộ gia đình hoặc thu theo số nhân khẩu của hộ gia đình hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời báo chí sáng 12/6. (Ảnh: KT)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Chúng ta phải tính người nào xả rác ra nhiều thì phải trả nhiều hơn, tức là phải dựa trên lượng rác. Thông thường các nước dựa vào thể tích túi bao bì đựng rác. Còn việc bao bì quy định màu sắc, chia làm 3 loại túi, thể tích và cách tính toán thế nào thì thì điều đó sẽ có các văn bản dưới luật. Có thực thi được hay không thì quan điểm, chủ trương của luật pháp phải phù hợp với thực tế. Khi đưa ra chính sách như vậy thì chúng ta phải xác định được trách nhiệm người dân, phân loại đến người thu gom trách nhiệm thế nào, có nghĩa phải đồng bộ giải pháp từ người dân cho đến khâu cuối cùng là xử lý”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, Nhà nước sẽ đảm bảo các điều kiện để khuyến khích người dân tham gia vào quá trình này, đồng thời, người dân cũng được thụ hưởng thông qua quá trình phân loại rác. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Nhà nước phải đầu tư ngay để đảm bảo tính đồng bộ, tức là khi quá trình vận chuyển, phân loại khi vận chuyển và phải có những công nghệ xử lý khác nhau với các loại rác khác nhau. Chúng ta sẽ có nhiều mô hình khác nhau, nhưng làm sao chúng ta lan tỏa để người dân hiểu rằng, thực hiện nhiệm vụ này chính là vừa tham gia vào công tác bảo vệ môi trường thực chất. Thứ hai nữa là nếu xả rác ra thì phải có sự giám sát của người dân chứ không thể ai cơ quan nhà nước giám sát được cộng đồng đấy phải giám sát. Hiện nay chúng ta cũng có nhiều chế tài kèm theo để xử lý nhưng quan trọng nhất vẫn nhận thức, trách nhiệm và sự giám sát và cách tổ chức của cộng đồng sẽ quyết định”./.

Kim Thanh/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận