Hà Nội như 'nhà mặt tiền', cần cơ chế để phát huy tiềm lực

Đại biểu QH cơ bản đồng tình về việc trao một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù để Hà Nội phát triển tương xứng vị trí Thủ đô.

 

Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Chỉ có 3 đại biểu đăng ký phát biểu về nội dung này.

“Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất như Nghị quyết, bởi trong đó có 7 cơ chế Quốc hội đã thông qua cho TP. Hồ Chí Minh trước đây, chỉ 2 cơ chế khác biệt.

“Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư để đầu tư cho công trình cấp bách, nghĩa là dùng tiền tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư. Đây là chính sách đang khuyến khích thì không lý do gì chúng ta không đồng tình. Hai là cơ chế sử dụng ngân sách TP hỗ trợ địa phương khác trong điều kiện khó khăn - đây là tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, nên cũng không có gì khó khăn” - ông Hoàng Văn Cường phân tích.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

7 cơ chế còn lại Quốc hội cũng đã thông qua cho TP.HCM và TP.HCM đang áp dụng tốt như xin được tự quyết điều chỉnh phí, lệ phí hoặc thêm phí mới chưa có trong Luật phí, lệ phí thì có thể tạo ra dịch vụ tốt hơn ở một số khu vực.

Hay cơ chế Hà Nội xin được hưởng 50% tiền sử dụng đất với việc chuyển tài sản trên đất, thực chất tiền này dành 70% trang trải cho di dời đầu tư xây dựng, thực hiện chuyển đổi, nên phần còn lại 30%. Việc này thúc đẩy chuyển dịch tài sản đất đai ở nơi không hiệu quả, các đơn vị sử dụng vị trí đặc địa họ sẽ tích cực hơn chuyển đổi, di dời.

Còn cơ chế cho phép Hà Nội được hưởng tiền thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn thuộc các DN mà Thành phố quản lý, theo ông Hoàng Văn Cường, thực chất tại Luật Ngân sách cũng quy định nguồn thu về vốn từ các DN mà địa phương quản lý thì thuộc ngân sách địa phương. Nghị quyết thông qua là phù hợp và góp phần thúc đẩy cổ phần hoá DNNN do địa phương quản lý, khuyến khích để cổ phần hoá được giá trị nhiều hơn.

“Trái tim khoẻ thì cơ thể mới khoẻ”

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cho rằng Hà Nội là địa phương duy nhất có Luật Thủ đô. Tuy nhiên các quy định về cơ chế tài chính, chính sách chưa thực sự nhu cầu phát triển của Hà Nội. Do đó, việc xem xét bổ sung cơ chế chính sách tài chính ngân sách cho phép Hà Nội huy động các nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động ngân sách cho TP phù hợp với thực tế phát triển.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương.

“Có đại biểu cho rằng có địa phương được hưởng nhiều cơ chế đặc thù cho nên chỉ dành cơ chế đặc thù cho tỉnh nghèo, có điều kiện còn nhiều khó khăn để giúp cho các tỉnh đó vươn lên. Nhưng tôi có ý kiến khác, đúng là địa phương nào cũng có đặc thù nhưng mỗi địa phương có điều kiện khác nhau thì cơ chế cũng có quy định riêng cho các địa phương ấy. Trong thời gian qua có quá nhiều đặc thù mà ít nhiều cũng gây ra sự hiểu lầm như kiểu đặc quyền đặc lợi. Do đó không nên dùng từ đặc thù trong văn bản này và cân nhắc bỏ từ đặc thù trong dự thảo nghị quyết” – ông Nguyễn Sỹ Cương góp ý.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện ví một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM là “nhà mặt tiền” của quốc gia, có vị thế, vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hoá xã hội và là trái tim cả nước.

“Đã là trái tim thì chấp nhận các dòng máu đỏ, máu nóng, hay máu độc chảy về đây, nên cần sự thanh lọc, hy sinh, đóng góp. Trái tim không khoẻ thì cơ thể không thể khoẻ", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Điều ông băn khoăn là cơ chế nào để phát huy tiềm lực của Hà Nội, của "nhà mặt tiền" mà Hà Nội có. Việc xin cơ chế là đúng, nhưng phải khác với chuyện xin nguồn lực nên cần đánh giá rõ ràng. Do đó, trước hết Hà Nội cần phát huy vai trò cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo và sự phấn đấu của toàn bộ người dân Thủ đô để phát triển./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận