Nhiều bộ, ngành có trụ sở mới nhưng không chịu trả trụ sở cũ cho Hà Nội

'Nhiều đơn vị cứ nói cho tôi xây mới rồi tôi sẽ trả cái cũ, nhưng không ai trả. Số này nhiều lắm đấy, giờ giao Hà Nội phải làm nghiêm'.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh điều này khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội tại phiên họp 45, sáng 1/6.

Hà Nội được thí điểm thu thêm phí

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất cho TP Hà Nội được thực hiện thí điểm: Thu phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí; Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%) được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Các khoản thu tăng thêm ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố.

Thứ hai là Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).

Chính phủ cũng đề xuất cho Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương (CCTL) còn dư của ngân sách cấp Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn CCTL còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.

TP.Hà Nội được sử dụng ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước), cho phép các quận sử dụng ngân sách của cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới....

Không chịu trả trụ sở cũ cho Hà Nội

Ủng hộ đề xuất thí điểm thu phí, nhưng Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị không cần quy định mức trần 1,5 lần. Thực tế TPHCM được tạo cơ chế có thể quyết gấp 6 lần, nếu do đó nếu áp trần thì Hà Nội lại bị “trói” hơn TPHCM.

Các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với quan điểm này, đồng thời nhấn mạnh mục đích cho Hà Nội cơ chế này không phải nhằm tăng thu ngân sách, mà để tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội. Do đó đề nghị không nên khống chế mức trần 1,5 lần mà mà giao HĐND quyết định danh mục và mức thu, trừ lệ phí toà án.

Về việc Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn thực tế nhiều bộ, ngành sau khi xây trụ sở mới thì không bàn giao trụ sở cũ cho TP Hà Nội. Do đó, Chính phủ cần biện pháp xử lý nếu không có giao cơ chế thì Hà Nội cũng chưa chắc thực hiện được chủ trương lớn của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu thực tế nhiều đơn vị cứ nói cho đất xây trụ sở mới thì sẽ trả trụ sở cũ nhưng cuối cùng chưa ai trả và tình trạng này không ít. Do đó, bây giờ giao cơ chế thì Hà Nội phải làm nghiêm.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn Luật Thủ đô quy định cơ quan đơn vị được cấp đất xây dựng trụ sở mới phải trả lại trụ sở cũ cho thành phố sử dụng, phát triển triển. Tuy nhiên, thực tế chưa thực hiện nghiêm.

Báo cáo làm rõ thêm tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết về nguồn cải cách tiền lương, tới năm 2019 Hà Nội còn khoảng 29.000 tỷ đồng, 2020 cũng gần 40.000 tỷ đồng nên quỹ Dự trữ tài chính cải cách tiền lương của Hà Nội đảm bảo đủ phục vụ cải cách tiền lương năm 2021 - 2025.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, hiện nay nếu tính tổng tài sản cổ phần hóa các doanh nghiệp thì Hà Nội còn khoảng 25.000 tỷ đồng theo giá trị vốn.

“Các cụ lão thành nhiều thế hệ nói là tiền này do Thành phố đầu tư nên phải giữ lại. Lần này Quốc hội quyết định được cái này thì các cụ lão thành rất phấn khởi” – ông Nguyễn Đức Chung chia sẻ và khẳng định số tiền này sẽ chỉ sử dụng cho mục đích xây dựng đường sắt đô thị, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10 tới.

“2 tuyến đường sắt là ga Hà Nội đi Hoàng Mai trị giá khoảng hơn 40.000 tỷ đồng và đường sắt số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc, 37,5km, mất 66.000 tỷ đồng. Chúng tôi xin hoàn toàn bằng vốn của Hà Nội” - Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận