Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi): Cần bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đại biểu

Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) được nhiều đại biểu quan tâm và kỳ vọng. Mặc dù đánh giá cao dự thảo lần này, nhưng theo các đại biểu nhiều vấn đề vẫn cần tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện như cần bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với đại biểu Quốc hội…

 

Nâng chuyên nhưng phải chú ý chất lượng của đại biểu

Sau 4 năm thi hành, Luật Tổ chức Quốc hội đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thực hiện chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Mong muốn chung của các đại biểu Quốc hội là Luật Tổ chức Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung những vấn đề căn bản, toàn diện nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chuyên nghiệp của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội đất nước. Đồng thời, cần thể chế hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhiều đại biểu đồng tình với ban soạn thảo về số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% để tăng tính chuyên nghiệp, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Ngoài ra, cần nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định khoảng 3-5% cho các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đủ các điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, có trí tuệ, uy tín và bản lĩnh để có thể tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với phóng viên bên thềm phiên thảo luận, nhiều đại biểu kỳ vọng việc sửa đổi lần này sẽ góp phần để tiến tới Quốc hội chuyên nghiệp, hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Ngọc Nghĩa, đoàn Thừa Thiên Huế nêu ý kiến: “Nâng chuyên trách lên đối với Quốc hội là rất cần thiết nhưng phải chú ý chất lượng của đại biểu chuyên trách, để khi xây dựng, đóng góp luật phải đi vào thực tế, vào cuộc sống. Thứ hai là phải có thực tiễn. Tôi cũng mong muốn đại biểu quốc hội vừa có trình độ năng lực học vấn về luật pháp vừa có thực tiễn, kết hợp với các kênh thông tin, kết hợp với tiếp xúc cử tri thì đóng góp luật sẽ có giá trị.”

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội cho rằng số lượng đại biểu chuyên trách nên được tăng thêm ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, việc tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách phải gắn liền với nâng cao chất lượng đại biểu. Do đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội lần này cần quy định rõ những tiêu chí của đại biểu chuyên trách để đảm bảo đáp ứng được tốt cho công tác lập pháp và công tác giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phân tích: “Lực lượng chuyên trách là lực lượng 100% thời gian chỉ cống hiến cho Quốc hội, cho cử tri, mà đại biểu phát biểu ở Quốc hội cũng tập trung hầu hết chuyên trách ở Trung ương, ở địa phương. Lấy tâm tư nguyện vọng của cử tri làm phương hướng hoạt động cho chính họ. Thế nhưng phải làm thế nào để lực lượng chuyên trách thực sự là những người am hiểu pháp luật, am hiểu tính thực tiễn và xã hội của đất nước và phải có một hiểu biết rõ ràng sâu sắc về mặt nhận thức chính trị.”

Bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với đại biểu Quốc hội

Với mong muốn Quốc hội cần phải đổi mới, thực chất hơn và thực quyền hơn, không ít đại biểu còn băn khoăn về năng lực, chất lượng của đội ngũ đại biểu. Bởi thực tế, trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội của mỗi nhiệm kỳ chủ yếu vẫn là đại biểu kiêm nhiệm, chọn theo cơ cấu đại diện. Do vậy, chất lượng của từng đại biểu Quốc hội vẫn chưa thực sự bảo đảm, chưa phát huy đúng tầm, đúng trọng trách của Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân. Vẫn còn không ít đại biểu Quốc hội trúng cử nhưng suốt trong quá trình hoạt động vẫn còn ngại phát biểu hoặc phát biểu chưa đúng trọng tâm, chưa đúng tầm, chưa thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân - Cà Mau, chúng ta đang chuyển từ một Quốc hội hoạt động hình thức sang một Quốc hội hoạt động thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho đại biểu Quốc hội, trước hết là năng lực pháp lý, thứ hai là các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội. Trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề năng lực lập pháp của đại biểu Quốc hội.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp cho rằng, dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và đã nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 40% và tôi đánh giá đây là một điểm mới, một điểm nhấn trong dự thảo luật lần này. Tuy nhiên điều đáng tiếc là quy định về đại biểu Quốc hội là chuyên gia, là các nhà khoa học, các nhà quản lý, những người có kinh nghiệm hoạt động đại biểu thì lại chưa được đưa vào trong dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, tôi vẫn hiểu Quốc hội là cơ quan đại biểu và chúng ta đang bầu đại biểu Quốc hội dựa trên tính đại diện và trong những năm qua thì Quốc hội của chúng ta đã thể hiện rất tốt tính đại diện. Trong khi đó, chúng ta cũng đang đặt ra vấn đề là nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách và nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu, ở đây sẽ có một mâu thuẫn giữa vấn đề vừa bảo đảm được tính đại diện, nhưng vừa mong muốn có những đại biểu có chất lượng cao hay là những đại biểu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó để góp phần cho các đại biểu Quốc hội tiếp cận một cách đúng đắn hơn hay tiếp cận sâu hơn vào các dự thảo luật, những vấn đề là chuyên sâu.

Đại biểu Phùng Văn Hùng - Cao Bằng: Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất có 3 chức năng quan trọng (chức năng lập pháp; chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; chức năng giám sát) và trụ cột của Quốc hội chính là Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Vì vậy, tôi cho rằng, nếu muốn thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội như là một tổ chức thì chúng ta vô hình trung đi ngược lại chủ trương của Đảng là chúng ta không làm tăng bộ máy tổ chức và ảnh hưởng tới hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội.

Nhiều đại biểu cũng đề cập đến vấn đề cần bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu dân cử nói chung. Đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh cho rằng, cần bổ sung quy định chặt chẽ hơn việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, giao cho Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, nếu Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đại biểu Quốc hội không thể hoặc không có điều kiện thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội trong thời gian dài do nguyên nhân ốm đau, hoặc một số lý do bất khả kháng khác mà không cần phải có đơn xin thôi của đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu dân cử nói chung. Bổ sung quy định việc cho thôi, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức theo hướng, nếu bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì bãi nhiệm. Bổ sung quy định về việc xử lý kỷ luật tương ứng với đại biểu Quốc hội không phải là cán bộ, công chức. Bổ sung quy định nguyên tắc việc cho thôi nhiệm vụ hoặc miễn nhiệm chỉ áp dụng đối với trường hợp vì lý do sức khỏe hoặc điều trị bệnh dài hạn, có quyết định của cơ quan có thẩm quyền điều động ra nước ngoài công tác dài hạn hoặc các lý do khác mà đại biểu Quốc hội có đơn xin thôi.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận