Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng chung sức, đồng lòng vượt khó

Sáng 20/5, tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 9 sẽ là kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước.

 

Linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển

Báo cáo trước Quốc hội về phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 mà Quốc hội giao. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng tiếp tục được triển khai quyết liệt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, được dư luận xã hội đánh giá cao, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, so với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Quý I năm 2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…

Mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Để ứng phó dịch COVID-19, nước ta đã phải linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển, đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. “Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công”, Thủ tướng nói.

Hiệp định EVIPA giúp Việt Nam hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó). EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.

Về trao đổi thương mại, Việt Nam và EU chủ yếu mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản (gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc gia cầm, lâm sản, đồ uống và thuốc lá), nhóm ngành chế biến, chế tạo (dệt, may mặc, da giày), nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác).

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.

Về đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.

Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng. Tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.

Về các tác động của Hiệp định, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, Hiệp định đã quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm để Việt Nam phát triển quan hệ với EU trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc phù hợp với những mục tiêu đã được các Bên thỏa thuận theo Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA). Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận