Cán bộ trung ương phải tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức
Một trong những yêu cầu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ra đối với Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ.
Đồng tình với những yêu cầu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người rất tâm đắc và hoan nghênh, tin tưởng những điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói về công tác cán bộ cho nhiệm kỳ tới. Thế nhưng bây giờ có điều là một mình Tổng Bí thư thực hiện thì không được. Trước tiên các đồng chí trong Bộ chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên trung ương đảng phải quán triệt và thực hiện tốt những mong muốn, yêu cầu mà Tổng Bí thư đã nói về công tác cán bộ.
Cơ chế của chúng ta là cá nhân phụ trách, tập thể lãnh đạo, quyết định tập thể và quyết định tập thể ấy được đưa ra sau khi thảo luận sâu sắc, không có nể nang, lệ thuộc trong đó. “Mỗi người đều có ý kiến chủ quan của mình. Các ý kiến chủ quan đều hội tụ lại thành đa số khi biểu quyết một vấn đề thì vấn đề mới có giá trị. Chứ còn nếu vì một người nói, rồi số đông cũng nói theo nhưng bụng lại nghĩ khác thì gay go lắm. 100% thống nhất, nhưng ngay trong những người biểu quyết họ cũng không hài lòng về những quyết định của mình, nhưng vì nể, ngại, sợ… nên biểu quyết theo đi đến kết luận của số đông nhưng mà không hiệu quả. Cho nên bây giờ phải xác định trách nhiệm của các đồng chí đương nhiệm là rất lớn” - ông Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó thì các đồng chí cũng phải gần dân, sát dân, lắng nghe người dân về nhân sự được giới thiệu. Việc tổ chức lắng nghe ý kiến của dân thì không thể tổ chức một cách hình thức mà phải làm thiết thực.
Ông Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an bày tỏ ý kiến: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị 12 nổi lên một vấn đề trung tâm, đó là trách nhiệm của Đảng mà trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng và cán bộ chủ chốt ở các cấp có trách nhiệm trong việc lựa chọn những cán bộ có đức, có tài tham gia cấp ủy, từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương.
Trước Đại hội 8, 9, 10, 11 chúng ta cũng rất quan tâm đến vấn đề cán bộ. Tuy nhiên, lần này bàn về công tác cán bộ thì có những điểm mới. Những lần trước đều đề cập đến vấn đề cán bộ, nhưng đề cập đến cán bộ trong tổng thể công việc chuẩn bị cho đại hội Đảng. Thế nhưng, lần này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt trọng tâm, mong muốn, suy nghĩ, trăn trở của đồng chí tập trung cho việc lựa chọn cán bộ. Tôi cho đây là cái mới, tức là đã đến lúc Tổng Bí thư đặt vấn đề một cách trọn vẹn từ đầu chí cuối, đặt trọng tâm công việc quan trọng nhất của Đảng hiện nay, với hy vọng sau đại hội chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng từ xã, huyện, tỉnh, trung ương là những cán bộ có đức có tài.
Điều này xuất phát từ thực tiễn khi trở lại một vấn đề mang tính kinh điển của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “công việc thành hay bại là do cán bộ”, “cán bộ tốt công việc thành công, cán bộ xấu công việc thất bại”. Hơn lúc nào hết, giai đoạn 2005 - 2015 có thể nói là công tác cán bộ của chúng ta có những yếu kém. Những vụ sai phạm của đảng viên, cán bộ cao cấp từ năm 2016 - 2019 vừa rồi là hậu quả của việc tuyển chọn, bố trí cán bộ sai lầm từ nhiệm kỳ trước.
“Theo tôi những phát biểu của Tổng Bí thư đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn thì các cơ quan của Đảng phải chuyển thành những quy định cụ thể của Đảng, phải có quy định cụ thể buộc chặt những người giới thiệu phải có trách nhiệm đến cùng về công tác cán bộ. Sau này cán bộ có sai phạm thì người giới thiệu cũng phải có trách nhiệm. Và lưu ý rằng những người làm công tác cán bộ phải thực sự trong sáng. Bên cạnh đó, theo tôi dứt khoát mở rộng bầu trực tiếp và quan trọng là các ứng viên phải trình bày phương án công việc của mình” - ông Cương nhấn mạnh./.
Box: "Sáng 11/5, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khoá 12 khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn và quyết định về các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Số lượng, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác".
Quốc Hưng – Báo TNVN