Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương, trước hết về đạo đức, lối sống và hành động. Bởi theo Bác, một tấm gương sống có giá trị bằng một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Và Đảng ta luôn nêu cao vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều thách thức, khó khăn. Dù vậy, trong thực tế không ít cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, không thực hiện nghiêm túc về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Phóng viên VOV phỏng vấn GS.TSKH Phan Xuân Sơn – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.
PV: Trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên cần được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
GS Phan Xuân Sơn: Đến nay chúng ta đã nói nhiều về trách nhiệm nêu gương từ Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quy định của Ban Chấp hành Trung ương, đến Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong những hoàn cảnh khó khăn, thách thức, người cán bộ, đảng viên phải nêu gương, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nêu gương từ việc chấp hành, xung phong trong công việc để đạt hiệu quả cao nhất.
PV: Như ông đã nói Đảng ta có nhiều quy định như Quy định 47 năm 2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, gần đây là Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thế nhưng trong thực tế vẫn có những trường hợp vi phạm. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng như vậy?
GS Phan Xuân Sơn: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng phải nói rằng đây không phải là hiện tượng đơn lẻ mà xảy ra khá nhiều trong xã hội. Tình trạng cán bộ có chức, có quyền, hống hách, tinh tướng với dân trong thực tiễn vẫn chưa hết.
Theo tôi, có 3 nguyên nhân chủ yếu, một là vẫn còn tình trạng co kéo, dùng dằng giữa văn hóa công vụ kiểu cũ với văn hóa công vụ kiểu mới. Văn hóa công vụ kiểu cũ là văn hóa ảnh hưởng bởi văn hóa làng quan ở thời phong kiến. Quan là cha mẹ dân, quan là phải trên dân, quan là phải dạy dỗ dân, dân đến cửa quan để xin xỏ, để nhận được ban ơn của quan chứ không phải dân đến cửa quan để được phục vụ. Văn hóa này thâm căn cố đế từ thời phong kiến và còn được củng cố qua mấy chục năm ảnh hưởng bởi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Mặc dù chúng ta đã có nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa bãi bỏ được.
Trong xây dựng văn hóa công vụ kiểu mới, chúng ta xây dựng nhiều chủ trương, Nghị quyết như Đề án văn hóa công vụ của Chính phủ hay quy tắc ứng xử của công chức, viên chức... nhưng khi triển khai vẫn chưa thực sự tốt, chưa đi vào chiều sâu, chưa thành nếp được, cho nên bị văn hóa công vụ kiểu cũ dùng dằng, thậm chí trong nhiều trường hợp còn để lấn sang.
Lý do nữa là do sinh hoạt, tư tưởng trong việc nâng cao văn hóa công vụ chưa nghiêm túc cho nên các Quy định về nêu gương, về xây dựng chỉnh đốn Đảng, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa đi vào chiều sâu, còn hình thức. Hơn nữa, tinh thần làm chủ của người dân để góp phần xây dựng văn hóa công vụ kiểu mới cũng chưa được bám rễ chắc, nhiều khi người dân đến cơ quan công quyền với tâm thế để xin, thậm chí còn sợ hãi chứ không phải đến để thực hiện quyền của mình. Cái nếp đó vô tình tạo cho quan chức thế “ăn trên ngồi chốc”, quan liêu, quát nạt dân.
PV: Đối với vi phạm của cán bộ, đảng viên ở cương vị lãnh đạo quản lý thì theo quan điểm của ông cần xử lý như thế nào để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, đồng thời đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật?
GS Phan Xuân Sơn: Hiện nay chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó pháp luật là tối thượng. Trong Nhà nước pháp quyền thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; hơn nữa, Nhà nước pháp quyền do Đảng lãnh đạo và trong kỷ luật của Đảng thì mọi đảng viên đều bình đẳng với nhau, trong chống tiêu cực cũng không có vùng cấm.
Như vậy, dù là cán bộ, đảng viên, công dân của Nhà nước thì đều phải xử nghiêm nếu mắc vi phạm. Là đảng viên thì xử nghiêm theo kỷ luật Đảng, còn bên Nhà nước thì phải xử lý theo luật.
Trong nêu gương, nếu cán bộ vi phạm thì phải xử lý nghiêm tùy theo mức độ hành chính, dân sự hay hình sự thì đều phải do cơ quan chức năng xem xét.
PV: Để thực hiện tốt quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, các tổ chức cơ sở Đảng cần phải có những việc làm cụ thể nào, cũng như để hạn chế những vi phạm tương tự của các đảng viên cần có giải pháp ra sao, thưa ông?
GS Phan Xuân Sơn: Trong văn hóa công vụ có nội dung dân chủ, pháp quyền, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển. Những nội dung này chúng ta đều đã nghe nhưng vấn đề là cần làm cụ thể ra, thấm sâu vào trong cán bộ, nhân dân.
Phải làm cho nếp văn hóa công vụ này thành thế thượng phong, thành hành vi chủ đạo của cán bộ, công chức, viên chức, làm cho văn hóa dân chủ, pháp quyền, phục vụ nhân dân phải khắc chế được văn hóa quan liêu, cửa quyền, tính ban ơn trong hành xử của công chức, viên chức.
Muốn làm được điều đó thì cơ quan Nhà nước phải triển khai, làm tốt đề án văn hóa công vụ mà Chính phủ đã ban hành, xây dựng quy tắc ứng xử của công chức, viên chức để thực hiện tốt, đi vào chiều sâu.
Hiện nay, theo tôi được biết nhiều cơ quan đã xây dựng văn hóa công vụ nhưng quan trọng nhất là phải làm thế nào để văn hóa này đi vào chiều sâu, đồng thời có kiểm tra, đánh giá, thi đua khen thưởng, làm sao trở thành nếp hàng ngày của công chức, viên chức. Bên cạnh đó phải học tập nghiêm túc, có chất lượng các Chỉ thị, Quy định nêu gương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nếu nghiêm túc học tập thì chúng ta sẽ học được nhiều điều từ Bác, nhất là cách ứng xử của Bác đối với dân trong từng tình huống cụ thể.
Về vai trò của người dân cũng phải phát huy văn hóa dân chủ, tinh thần làm chủ, tư thế người chủ trong quan hệ với cơ quan công quyền, với công chức, viên chức.
PV: Xin cảm ơn ông./.
PV/VOV.VN