Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức trên toàn quốc để thêm một lần nhân dân Việt Nam được tự hào về vị Lãnh tụ kính yêu của mình.
Trong một sự kiện như thế, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã kể lại những câu chuyện xúc động, khó quên của ông khi tháp tùng Bác công du nước ngoài trong vai trò phiên dịch. Những lần tiếp xúc gần gũi như thế, ông thật sự cảm phục một con người bình dị mà hết sức cao quý, cảm nhận về sự hòa quyện giữa văn hóa phương Đông và phương Tây trong con người Bác. Đặc biệt, với nhà ngoại giao kỳ cựu này, ông chưa từng thấy ai chịu khó học ngoại ngữ như Bác.
Ông Vũ Khoan chia sẻ, quan sát trong nhiều lần đi công tác nước ngoài, chỉ trừ những chuyến đi thăm chính thức, còn thăm không chính thức, Bác không bao giờ đi chuyên cơ, mặc dù phía bạn luôn luôn sẵn sàng dành chuyên cơ cho Bác.
Cùng đi với Bác chỉ có mấy người, trong đó có thư ký Vũ Kỳ, bác sĩ Như Thế Bảo và nhiều lần không có bảo vệ, cần vụ đi theo. Có những chuyến đi chỉ có 1-2 cán bộ cao cấp liên quan tới chủ đề Bác làm việc với lãnh đạo bạn chứ không bao giờ có một đoàn “hoành tráng”, “đồ sộ” đi theo phục vụ Bác.
Ông Vũ Khoan vẫn nhớ như in về chuyến đi Liên Xô được phục vụ Bác. Trong chuyến đi đó, Người còn tự tay giặt đồ của mình mà không phiền đến các cô phục vụ, khi ăn cơm xong cũng chính Người tự dọn bát đĩa đưa vào bếp...
“Bác kêu gọi chúng ta tiết kiệm thì chính Bác tiêu biểu cho điều đó, chứ Bác không nói một đằng làm một nẻo” - nguyên Phó Thủ tướng chia sẻ.
Theo ông Vũ Khoan, trong số các lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Bác là người duy nhất thấm nhuần văn hóa phương Đông và phương Tây trong bản thân mình. “Văn hóa ngoại giao của Bác là văn hóa trộn lẫn giữa cái lịch lãm về hình thức của phương Tây và chân thành, thâm thúy của người phương Đông. Đó là điều chúng ta nên học tập Bác. Bởi vì phải có kiến thức văn hóa rất sâu thì Bác mới có thể có cách ứng xử như vậy” - ông Vũ Khoan cho biết.
Ông dẫn chứng một kỷ niệm trong chuyến đi công tác có một cuộc chiêu đãi rất long trọng, người mà Bác đến chào đầu tiên không phải là lãnh đạo mà là một người quen biết từ hồi hoạt động trong Quốc tế cộng sản. Bác tiến đến chào bà thư ký trước rồi mới chào những người khác. Trước khi đến chào, Bác không quên cầm một bông hoa trên bàn đến tặng bà thư ký.
Hay khi Người sang Ấn Độ, phía bạn tổ chức cuộc mít tinh rất lớn. Trên sân khấu, họ bố trí một dãy ghế cho lãnh đạo Ấn Độ và Bác ngồi. Vì ghế dành cho Bác như kiểu ghế của vua nên dứt khoát Bác không ngồi mà Bác ngồi xuống sàn. Sau đó phía bạn tặng Bác 1 tấm thảm len, Bác cuộn tròn lại và vác lên vai. Nhìn thấy cảnh tượng đó, hàng vạn người đã đứng dậy tung hô khi thấy một ông Chủ tịch nước khiêng trên vai tấm thảm.
“Những câu chuyện đó cho thấy Bác là hiện thân của nền văn hóa phương Đông và phương Tây, rất tự nhiên, bình dị, chân thành. Chính vì lẽ đó mà tổ chức UNESCO đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh danh hiệu: Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới” - ông Vũ Khoan chia sẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học và học tập suốt đời. Người cho rằng, việc học không chỉ có ở nhà trường hay lên lớp mới học tập... mà trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều phải học tập. Nhiều lần được làm phiên dịch cho Bác, những điều tận mắt chứng kiến về tinh thần tự học, về đức tính khiêm tốn, giản dị của Bác đã để lại trong ông Vũ Khoan những ấn tượng khó quên và bản thân ông cũng học được từ Bác những điều quý giá.
Nguyên Phó Thủ tướng kể, ai cũng biết Bác Hồ rất giỏi ngoại giữ và biết nhiều thứ tiếng. Sau này, dù Bác đã là Chủ tịch nước, tuổi cũng đã cao nhưng Bác vẫn chăm chỉ học.
Vào năm 1967, trong một lần được phiên dịch cho Bác, trong lúc chờ phía bạn đến, ông Vũ Khoan thấy Bác mở hộp thuốc lá ra hút kèm theo là mảnh giấy nhỏ, lẩm nhẩm đọc đi đọc lại mấy từ tiếng Nga. “Bác vẫn học tiếng Nga ạ?- ông Vũ Khoan mạnh dạn hỏi Bác. Bác nói: “Lâu không dùng nên Bác quên nhiều, nay Bác học lại và học thêm bằng cách ghi một số từ vào mảnh giấy để vào hộp thuốc lá, mỗi lần lấy thuốc ra hút lại nhẩm lại”.
“Bác thường để 20 tờ giấy nhỏ, mỗi tờ ghi 1 từ mới, có rơi rụng thì mỗi ngày Bác vẫn có thể học được mươi từ. Tôi đoán chắc rằng, không có ai chịu khó học ngoại ngữ như Bác. Là một lãnh tụ, hiểu biết nhiều, lại cao tuổi và lúc nào cần, Bác đều có thể gọi bất cứ phiên dịch nào nhưng Bác đều tự học ngoại ngữ” - ông Vũ Khoan kể.
Tấm gương học ngoại ngữ của Bác đã và sẽ tiếp tục được nhắc đến bởi đó là hành trang quan trọng trong thời kỳ hội nhập.
Nhiều tài liệu ghi lại rằng: Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7, Bác Hồ được miêu tả: "Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha". Ngoài ra dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, Bác còn có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác nữa như: Tiếng Xiêm (Thái Lan bây giờ), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam…
Người không chỉ học ở sách mà người còn tìm cho mình cách học hiệu quả từ trong thói quen giao tiếp với người nước ngoài. Bác Hồ rất mạnh dạn, không ngần ngại khi giao tiếp với người bản địa…Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, Bác cũng có thể tìm tòi, học tập, không bỏ phí một chút thời gian nào, một cơ hội nào.
Những câu chuyện nhỏ về Bác đều toát lên vẻ đẹp của một con người có cuộc đời vĩ đại mà quá đỗi bình dị, mãi lan tỏa đối với thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau./.
Theo Kim Anh/VOV.VN