Sáng 10/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương chuyên đề về tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xử lý vấn đề an sinh xã hội và đảm bảo an ninh trật tự. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Đảng, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương tại các đầu cầu, các chuyên gia kinh tế, các tập đoàn hàng đầu Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thế giới đã có 209 quốc gia và vùng lãnh thổ có ca nhiễm Covid-19, gần một nửa dân số thế giới đang phải cách ly ở nhà, gần 100.000 người đã chết. Chưa bao giờ trong những thập kỷ gần đây lại xảy ra đại dịch lớn như vậy.
Tại nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã đưa ra đối sách kịp thời, quyết liệt, đưa ra phương châm “chống dịch như chống giặc”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi, hiệu triệu toàn quốc chung tay chống Covid-19, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, cùng “xắn tay áo” chống dịch. Do đó, kết quả ban đầu là đáng mừng.
Tuy nhiên, thực tế là trên thế giới, Covid-19 đang gây hậu quả lớn. Các đối tác lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Eu, Nhật Bản đều bị tác động nghiêm trọng. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế, trong đó có cả LHQ, đã cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái nặng nề hơn khủng hoảng 2008-2009, kinh tế thế giới có thể tăng trưởng âm và thiệt hại tới hơn 5.000 tỷ USD.
Do đó, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới thực hiện đồng loạt các biện pháp mạnh về kích thích kinh tế như hiện nay. Sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế lớn hơn, nhiều hơn, quyết liệt hơn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Ở nước ta, Thủ tướng cho biết, tác động của Covid-19 khiến GDP quý 1 chỉ tăng 3,82%. Tuy đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực nhưng lại là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011, nền kinh tế yếu cả cầu và cả cung. Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, tiêu dùng đều sụt giảm mạnh. Các doanh nghiệp như xây dựng, bất động sản, hàng không, thương mại, xuất khẩu... đều gặp khó khăn, thu hẹp thị trường, quy mô lao động. Có gần 30% số doanh nghiệp chỉ duy trì được hoạt động trong không quá 3 tháng, 50% số doanh nghiệp chỉ trụ được không quá 6 tháng do thiếu cả thị trường đầu vào và đầu ra.
Huy động tổng lực chống dịch
Theo Thủ tướng, những vấn đề như vậy đặt ra cấp bách đối với nước ta thời gian tới, mang tính sống còn đối với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Hội nghị này có thể gọi là hội nghị trực tuyến 4 trong 1, hay có thể gọi là tất cả trong 1, nhằm huy động tổng lực các nguồn lực đất nước với một khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh Covid-19; đồng thời cần nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống, kể cả trong những năm tháng chiến tranh bom đạn cũng như tình hình dịch bệnh nguy hiểm hiện nay. Nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp, trước hết không để dịch lây lan, sớm khống chế dịch bệnh. Thách thức đặt ra không chỉ có vậy, chúng ta phải làm sao biến nguy thành cơ. Sau dịch Covid-19 phải làm sao để nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù những tổn thất rất to lớn do dịch mà còn thực hiện tầm nhìn và quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường. Trong lịch sử, Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ khí phách dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận trên dưới một lòng. Điều này đã và cần được phát huy không chỉ trong chống Covid-19 mà ngay trong thời gian tới để khắc phục sự đổ gãy của nền kinh tế."
Thủ tướng cho biết, quyết tâm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, không chỉ trong chống Covid-19 mà nhiều tổ chức quốc tế như WB, ABD, FITCH đều nhận định lạc quan về tình hình và sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Hãng tín nhiệm Fitch vẫn xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB năm 2021 Việt Nam có thể tăng trưởng 7,3%.
“Việt Nam được đánh giá có tương lai tốt như thế thì chúng ta nên nắm bắt, nghiên cứu những yếu tố nào khiến họ đánh giá không hạ tín nhiệm của Việt Nam cũng như tương lai năm 2021 có sự bật dậy như vậy”- Thủ tướng yêu cầu.
Nhấn mạnh, sự thích ứng là điều quan trọng để tồn tại, vượt qua khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, hội nghị cần đưa ra các cơ chế, chính sách cụ thể, trúng và đúng, chuẩn bị các giải pháp để nền kinh tế, doanh nghiệp hiện đang bị “nén như chiếc lò xo” có thể bật lên ngay sau dịch. Tinh thần của Chính phủ là tập trung làm ngay các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ báo cáo ngay Quốc hội sau hội nghị này.
98% DN hưởng lợi từ gói miễn, giảm thuế
Đối với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng cho biết, hiện có hai gói hỗ trợ, một là gói chính sách tiền tệ khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không bắt doanh nghiệp trả nợ ngay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, tiếp tục giảm lãi suất cho vay cả khoản vay hiện có và vay mới. Ngành ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp trước khó khăn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ tỷ giá lãi suất... giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa. Đây là biện pháp các nước áp dụng rất rộng rãi. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có Nghị định số 41 về gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn triển khai Nghị định này. Gói giãn hoãn, giãn thuế tổng số tiền khoảng 180 nghìn tỷ đồng và sẽ có 98% số doanh nghiệp được hưởng lợi. Gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí được Bộ Tài chính dự kiến ban đầu khoảng 40.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính sẽ báo cáo tại hội nghị này và các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp có thể đóng góp thêm ý kiến cho gói này.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong chỉ đạo điều hành phải thay đổi cách làm quyết liệt hơn, càng khó khăn càng phải tập trung cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tham gia hội nghị cần hiến kế cho Chính phủ và các bộ, ngành cần cắt giảm thủ tục nào để khắc phục khó khăn. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn, cùng các giải pháp khác, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh.
Nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp tư nhân, FDI, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có hội nghị toàn quốc với các doanh nghiệp để lắng nghe doanh nghiệp nêu các ý kiến, đề xuất. Các địa phương cần phải nắm bắt xu thế chuyển dịch vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có những cải cách vượt trội về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Thủ tướng cho rằng: "Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn rất quan trọng. Trong khi Hải Phòng tăng gần 15% GDP trong quý 1 thì Hà Nội chỉ tăng trên 3,7%, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 1%. Đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các địa phương tập trung chỉ đạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực cùng Chính phủ và cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Một câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều địa phương tăng thấp như vậy mà có nhiều địa phương tăng trưởng cao hơn nhiều. Đồng thời chúng tôi nhấn mạnh vai trò của các thành phần doanh nghiệp góp phần giải quyết việc làm và tăng trưởng. Chúng ta cần có chương trình bảo vệ sự tồn tại của hệ thống doanh nghiệp của chúng ta, kể cả hợp tác xã."
Phải giải ngân hết 30 tỷ USD vốn đầu tư công
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh, phải giải ngân hết vốn năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 với tổng vốn gần 700 nghìn tỷ đồng. Chế tài đặt ra là kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các ngành, địa phương không chịu giải ngân. Đến tháng 9 này nếu không giải ngân thì Chính phủ báo cáo Quốc hội để chuyển vốn sang dự án khác. Thành lập tổ công tác đặc biệt để giám sát kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án.
Đặc biệt, Chính phủ đưa ra chủ trương giải ngân các dự án trọng điểm, cấp bách đối với một số dự án giao thông như cao tốc Bắc-Nam phia sĐông, Trung Lương mỹ Thuận- Cần Thơ, cảng sân bay Long Thành... Cần giao nhiệm vụ cụ thể và có chế tài xử lý nghiêm minh nếu triển khai chậm trễ.
Về triển khai gói hỗ trợ lao động, đảm bảo an sinh xã hội, trong lúc khó khăn, Đảng, Nhà nước và các cấp bố trí số tiền hơn 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng khó khăn, những người thấp nghiệp do Covid-19. Sau khi thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng cho biết đã ký một Nghị quyết của Chính phủ về gói hỗ trợ này. Nhấn mạnh vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình bày biện pháp triển khai gói hỗ trợ này đảm bảo chính xác và hiệu quả.
Đối với bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trong lúc khó khăn, thất nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ công an và các cơ quan địa phương, nhất là các thành phố lớn có kế hoạch, phương án cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng trộm cắp, tội phạm hình sự phát sinh do thất nghiệp, làn sóng di cư lao động từ thành thị về nông thôn. Có biện pháp trấn áp hành vi chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng lúc khó khăn, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng./.
Theo VOV.VN