Sau 45 năm giải phóng, Buôn Ma Thuột xứng tầm là đô thị trung tâm

Sau 45 năm giải phóng, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung, đã đổi thay vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.

 

Ở vị trí địa lý là trung tâm của vùng Tây Nguyên, với nhiều tiềm năng lợi thế, Buôn Ma Thuột vẫn chưa thực sự vươn mình xứng tầm với danh xưng là thủ phủ của khu vực. Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Vậy Đắk Lắk sẽ làm như thế nào để triển khai cơ chế, chính sách từ Trung ương, phát huy lợi thế địa phương trong xây dựng, phát triển toàn diện thành phố Buôn Ma Thuột?

Ngay giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột mang dáng dấp của đô thị hiện đại có một không gian đặc biệt yên bình: đó là buôn Akô Dhông của người Êđê. Nơi ấy, phía cuối trục đường Trần Nhật Duật, phường Tân Lợi, những căn nhà sàn truyền thống nằm nép mình dưới những lùm cây xanh.

Trong căn nhà nhỏ xinh cuối buôn Akô Dhông, nghệ nhân Ama Loan đang chăm chút cho những sản phẩm nhạc cụ vừa chế tác từ tre nứa. Già làng cho biết, từ ngày buôn làm du lịch, đời sống của bà con khấm khá hẳn lên. Chẳng những không còn hộ nghèo, mà đến nay trong buôn hầu như nhà nào cũng có ô tô. Nhưng điều mừng nhất là kinh tế phát triển, bà con vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nghệ nhân Ama Loan và con gái.Nghệ nhân Ama Loan giới thiệu, nào là cồng chiêng, nào là nhạc cụ, nào là dệt thổ cẩm…, tất cả những gì bà con mình biết được là mình cố gắng làm. Từ tre cái nứa thành nhạc cụ, từ mảnh đất thành những vườn cà phê hồ tiêu, cho đời sống khá giả. Nhà nước làm cho cả con đường, cả trường học, cả nhà cộng đồng…, lại càng tuyệt vời. Nên bây giờ bà con rất vui mừng, nhất là những người già đã qua thời kỳ khó khăn.

Là một trong 3 buôn thực hiện điểm theo Nghị quyết của Thành ủy Buôn Ma Thuột về phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, buôn Akô Dhông đã thực sự là phố thị mang bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên. Nhìn rộng ra toàn thành phố, nhiều dự án du lịch được tư nhân đầu tư, nhà nước hỗ trợ hạ tầng, đã tạo bộ mặt đô thị ngày càng lôi cuốn du khách đến Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Theo ông Từ Thái Giang, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột, thời gian phát triển mạnh nhất của địa phương là kể từ khi thực hiện Kết luận số 60 năm 2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2020.

Bình yên buôn Akô Dhông.

Trong 10 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã được đầu tư trên 22.400 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn đã hoàn thành như nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, tuyến đường Hồ Chí Minh, xây dựng Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên… góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng cũng như Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên nói chung. Cụ thể tăng trưởng kinh tế của Buôn Ma Thuột bình quân hằng năm đạt trên 13%; năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,43%. Thành phố đã hình thành cụm công nghiệp Tân An, Khu công nghiệp Hòa Phú làm đầu tàu phát triển công nghiệp. 57 dự án phát triển đô thị đã và đang triển khai, với một loạt trường học, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa mang tầm cỡ khu vực.

Ông Từ Thái Giang khẳng định, kết quả trên các lĩnh vực vừa toàn diện vừa có những điểm mới và nổi bật của thành phố cũng như của tỉnh. Như trên lĩnh vực kinh tế thì tốc độ tăng trưởng ngày càng cao và dần ổn định, thu nhập bình quân đầu người thì ngày càng được nâng cao. Đặc biệt là ngành công nghiệp được mở rộng; nông nghiệp thì đến nay thành phố đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 1, và thương mại dịch vụ, du lịch cho đến các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng được mở rộng và nâng cao…

Tuy vậy, đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị, Đắk Lắk vẫn còn 21 dự án chưa triển khai; phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, thiếu sự kết nối; chưa thực sự đóng vai trò là trung tâm mang bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên; là cực tăng trưởng tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng.

Mới đây, ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, so với Kết luận 60, Kết luận 67 có các nhóm nhiệm vụ toàn diện hơn, cụ thể hơn; và điểm mới là phải xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù cho Buôn Ma Thuột.

Trong 10 năm qua, tỉnh Đăk Lăk đã được đầu tư trên 22.400 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn đã hoàn thành như nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, tuyến đường Hồ Chí Minh,...

Theo đó, Đắk Lắk sẽ xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí là trung tâm vùng và đầu mối giao thương, hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên, đồng thời sẽ đầu tư lên quy mô cấp vùng một số lĩnh vực như du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ…

Tỉnh tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, khai thông những khó khăn về thủ tục hành chính, xây dựng nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố trong tương lai. Trong đó ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng); đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên)...

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cho biết, trong tháng 3 này, các ngành ở Đắk Lắk sẽ phải trình những phần việc được giao để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động của Ban thường vụ Tỉnh ủy triển khai Kết luận 67 của Bộ Chính trị. Đồng thời tỉnh đang thực hiện ngay một số công việc cụ thể.

Bí thư Cường chia sẻ, khi kế hoạch thông qua, chúng ta sẽ thấy tổng thể toàn cảnh; còn hiện nay những việc trước mắt cần phải làm thì phải làm ngay. Ví dụ đánh giá vấn đề quy hoạch và báo cáo để đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được thuê tư vấn nước ngoài. Về đường cao tốc đã bắt đầu cho định tuyến và xây dựng đề án khả thi cũng như đề nghị trung ương đưa vào quy hoạch hệ thống mạng lưới cao tốc của đất nước; rồi vấn đề liên quan đến phát triển một số lĩnh vực thì đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

“Chúng tôi vừa xây dựng kế hoạch nhưng cũng vừa thực hiện những việc cụ thể, chứ nếu cứ đợi có kế hoạch xong mới làm thì sẽ không kịp. Có thể nói là đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của đô thị Buôn Ma Thuột xứng đáng là trung tâm vùng Tây Nguyên”- Ông Bùi Văn Cường cho biết.

Hy vọng với quyết tâm mạnh mẽ và những giải pháp đồng bộ thực hiện Kết luận 67 của Bộ Chính trị, trong giai đoạn tới, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk sẽ thực sự vươn mình, xứng đáng là thủ phủ trung tâm vùng Tây Nguyên - “nóc nhà đông dương”, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, kinh tế - xã hội đối với toàn khu vực và với cả nước./.

Minh Huệ/VOV-Tây Nguyên

 

Bình luận

    Chưa có bình luận