Đại hội Đảng các cấp: Không lợi dụng dân chủ tác động vào nhân sự

Phải nắm thật tốt công tác nhân sự, biết lắng nghe, phát hiện để nhận ra đúng-sai trong mỗi thông tin về nhân sự trước Đại hội.

 

Các địa phương trong cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Điều căn cốt, cơ bản của mỗi kỳ Đại hội là lựa chọn được những con người xứng đáng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Tuy vậy, trước mỗt kỳ Đại hội, số lượng đơn thư ý kiến, tố cáo đều “tăng đột biến”, cả chính danh và nặc danh. Trong đó, không ít trường hợp lợi dụng dân chủ đưa những thông tin sai lệch về chủ trương của Đảng, vu khống, bôi nhọ cá nhân hoặc tập thể. Nhiều trang mạng không chính thức gây nhiễu loạn thông tin với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây hoang mang dư luận, gây bất ổn xã hội.

Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Phải hiểu cán bộ như hiểu lòng bàn tay của mình

PV: Thưa ông, vì sao việc nêu ý kiến, tố cáo những việc làm sai của cá nhân hoặc tập thể thường xuất hiện trước mỗi kỳ Đại hội và chúng ta xử lý việc này như thế nào?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng – là sự kiện chính trị rất lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Mọi người trông đợi rất nhiều vào kết quả của Đại hội. Việc đóng góp ý kiến cho Đại hội, trong đó có việc phát hiện những nhân tố tốt, hiền tài, đồng thời cũng chỉ ra những sai phạm của những cán bộ, đảng viên với tinh thần xây dựng là điều rất cần thiết, phải được tiến hành một cách dân chủ, công khai, minh bạch.

Bác Hồ đã dạy: Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng. Chính vì vậy, công tác tổ chức để lắng nghe ý kiến của nhân dân nói chung và của đảng viên, các tổ chức Đảng là rất quan trọng.

Thời gian qua, chúng ta có đủ quy định của Đảng, Nhà nước về vấn đề làm thế nào để gần dân, nghe dân, hiểu dân và xử lý những trường hợp không đúng đắn trong việc tham gia xây dựng Đảng.

PV: Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo; lợi dụng chính sách tự do, dân chủ của Đảng và Nhà nước, một số người cố tình tố cáo sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh cá nhân, tập thể; lợi dụng mạng xã hội để nói xấu hoặc mạo danh cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện những hành vi sai trái, gây hoang mang dư luận. Để xác định ngay từ đầu sự đúng-sai, cũng không hề đơn giản, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Đúng là không hề đơn giản. Tố cáo có 3 loại: tố cáo đúng, đúng một phần và tố cáo sai. Trong tố cáo sai cũng có những động cơ xấu, nhưng đồng thời cũng có những tố cáo không đúng do người phản ánh hồ đồ, vô tư, thấy sai thì cần phải nói nhưng lại không có kiểm chứng. Nên khi giải quyết vấn đề này, cơ quan chức năng cần phải bình tĩnh, sáng suốt để phân biệt rõ.

Chúng ta có cả một hệ thống chính trị, cấp ủy, Ban tổ chức các cấp quản lý, giám sát cán bộ, phải hiểu cán bộ như hiểu lòng bàn tay của mình. Ủy ban Kiểm tra Trung ương có trách nhiệm phải nắm cán bộ, nên khi có vấn đề về cán bộ thì phải vào cuộc.

Do đó, phải hết sức khách quan, phân biệt rõ những người tố cáo sai, những người có động cơ xấu. Nếu là đảng viên, tổ chức Đảng thì phải làm đến nơi, đến chốn. Kết luận là tố cáo sai, động cơ không đúng như làm mất đoàn kết, đại diện phe này, phe kia trong tổ chức Đảng thì phải xử lý kỷ luật theo các quy định của Đảng. Nếu người đó chỉ do hồ đồ thì cũng phải xử lý bằng một hình thức thích hợp. Còn những người cố ý, muốn bôi nhọ thì Luật cũng đã quy định hình thức xử lý.

Ông cha ta từng nói: “Cây ngay không sợ chết đứng”, cho nên tất cả những người bị tố cáo cần phải bình tĩnh, thành thật giải trình.

PV: Thường thì việc tố cáo cán bộ chỉ xuất hiện trước Đại hội thời gian rất ngắn, thậm chí ngay tại Đại hội. Vậy thì làm sao xử lý nhanh vấn đề này để sàng lọc, loại trừ những nhân sự không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy, nếu tố cáo đúng; đồng thời tránh “oan sai” đối với những cán bộ thực sự tiêu biểu, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Trước thềm Đại hội hay ngay trong Đại hội vẫn có tố cáo. Tôi được dự 5 Đại hội của Đảng và đã chứng kiến chuyện này. Có những việc đại biểu đến Đại hội rồi thì nhận được tố cáo, sau đó Đại hội bác tư cách đại biểu của người đó. Mọi tình huống xảy ra, Đảng ta đều bình tĩnh giải quyết.

Khi tôi được về Ủy viên Kiểm tra Trung ương thì thấy không có hiện tượng nào để oan sai, mà các cách giải quyết đều thấu tình đạt lý. Cho nên, bây giờ làm thế nào để làm tốt công tác chuẩn bị, tức là nắm thật tốt công tác nhân sự, đó là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, tổ chức phải biết lắng nghe, phát hiện, một mặt nhận ra đúng-sai, tốt-xấu, mặt khác cũng chính là có kết luận để bảo vệ cá nhân nào đó.

Khi tôi còn đang công tác, cũng có kết luận của Ủy ban Kiểm tra xác định tố cáo không đúng. Cho nên mọi kết luận của tổ chức công khai, minh bạch là điều rất cần thiết.

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tránh gây oan sai và không để lọt phần tử xấu vào cấp ủy

PV: Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, nhấn mạnh: Kiên quyết đấu tranh với tình trạng lợi dụng dịp tổ chức Đại hội để tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến nhân sự Đại hội. Theo ông, các cơ quan chức năng cần có biện pháp gì để đấu tranh với các thông tin này?

Ông Vũ Quốc Hùng: Những kẻ xấu có hành vi bôi nhọ Đảng để phủ nhận cuộc cách mạng của chúng ta thì cần phải đấu tranh chống lại những biểu hiện đó. Những hiện tượng này ở các cấp đến Trung ương, qua các kỳ Đại hội vẫn có, cho nên chúng ta phải rất bình tĩnh, các cơ quan chức năng của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải hết sức sáng suốt, thẩm tra lại tất cả các ý kiến, xác minh, làm rõ đúng-sai, chỉ rõ động cơ làm sai, xử lý kỷ luật Đảng với với những người vi phạm tố cáo, khiếu nại, thậm chí xử lý bằng pháp luật. Trong tay chúng ta đủ các công cụ và sức mạnh để đấu tranh với các biểu hiện sai trái, những biểu hiện làm giảm uy tín của Đảng, gây ra điều xấu, vu khống Đảng, tổ chức, cá nhân.

Điều quan trọng là cấp ủy và các cơ quan chức năng có công tâm, có khách quan, có bản lĩnh, trí tuệ không? Ngoài nghiệp vụ, phải vận dụng các quy định, các điều khoản của luật pháp để kết luận về một ai đó, tránh gây oan sai, đồng thời loại trừ được những sâu mọt, những đối tượng bêu riếu đảng viên, làm mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời thực hiện dân chủ, công khai minh bạch để củng cố niềm tin của dân với Đảng.

Mà dân tin Đảng chính là tin tổ chức cơ sở Đảng. Chính vì vậy, những việc làm hàng ngày của cơ sở từ cấp xã/phường, quận/huyện, tỉnh, thành là rất quan trọng; thực hiện không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong quá trình xem xét, xử lý.

Đảng ta có các quy định, đồng thời có bộ máy vững chắc, có kinh nghiệm nên vừa qua, có nhiều vụ án khủng nhưng chúng ta đều đã giải quyết được khi có quyết tâm. Những vụ việc nội bộ, liên quan đến cán bộ cấp cao nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có những kết luận xác đáng. Điều đó khẳng định phải có bản lĩnh, công tâm, có quyết tâm và vận dụng trí tuệ để giải quyết công việc có lý có tình, đảm bảo không oan sai và không lọt các phần tử xấu vào cấp ủy.

Với sự lãnh đạo sáng suốt và quyết tâm của Đảng, Trung ương, với lòng dân, chúng ta sẽ tiến tới Đại hội một cách tốt đẹp.

PV: Có ý kiến cho rằng, không bỗng dưng cán bộ chủ chốt bị tố cáo. Theo họ, có chuyện khuất tất, bè phái trong công tác cán bộ; việc xử lý người tố cáo sai không đảm bảo tính dân chủ, cố tình triệt hạ người không cùng phe cánh, đưa người cùng cánh hẩu vào chỗ này, chỗ kia. Quan điểm của ông trước luồng ý kiến này?

Ông Vũ Quốc Hùng: Các cơ quan làm công tác cán bộ chịu trách nhiệm chính là cấp ủy, Ban tổ chức, nếu như làm công khai, minh bạch, công tâm thì sẽ bớt những thắc mắc. Còn nếu cứ mập mờ theo cánh hẩu, phe cánh, nhóm lợi ích thì không những làm cho tổ chức, nhân dân ở khu vực đó bất bình mà ở đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại.

Cái đáng lo nhất chính là trong nội bộ mất đoàn kết, phe nhóm, làm cho công tác cán bộ không được minh bạch, gây tổn thất cho Đảng. Vì vậy phải đấu tranh quyết liệt, các cơ quan có trách nhiệm về công tác cán bộ phải trong sạch, công tâm, vô tư trong việc giới thiệu, nắm cán bộ. Bên cạnh đó phải nghe dân, hỏi dân, trân trọng ý kiến của dân. Quyết tâm của Đảng ta là làm sao chọn được những cán bộ có đức, có tài vào vị trí lãnh đạo. Quyết tâm đã rất rõ còn bây giờ là làm thế nào để những người thực sự tiêu biểu vào cấp ủy, và quan trọng nhất là phải chọn được những người có tâm trong sáng, không dính đến tham nhũng, không vụ lợi, được đào tạo để phát huy thật tốt trong công việc.

PV: Xin cảm ơn ông./.

PV/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận