Dù gặp vô vàn khó khăn khi Liên bang Xô Viết tan rã, những Đảng viên vốn mang đậm chất “lính Cụ Hồ” từ Việt Nam sang lao động ở đây đã tập hợp nhau lại, gây dựng tổ chức Đảng.
Những thành viên nòng cốt của tổ chức chi bộ Đảng phát động, xây dựng phong trào, phát triển các tổ chức hội, đoàn người Việt ngày một vững mạnh, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau tạo lập cuộc sống và giữ gìn bản săc văn hóa.
Chính từ những phong trào sôi nổi trong cộng đồng đã tạo niềm tin, sự lan tỏa để thế hệ con em gốc Việt thứ hai tin yêu, phấn đấu, xin vào Đảng, để tổ chức Đảng ở đây ngày một lớn mạnh, từ một chi bộ, lập ra nhiều chi bộ, xây dựng Đảng bộ có uy tín và làm nòng cốt trong mọi hoạt động của cộng đồng người Việt.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Hải Anh, Phó bí thư Đảng ủy vùng Odessa, Ukraine, Phó Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Odessa về quá trình gây dựng và phát triển tổ chức Đảng ở đây.
Phóng viên: Được biết, cộng đồng người Việt cư trú ở thành phố Odessa từ lâu và duy trì hoạt động của chi bộ Đảng, rồi cả Đảng bộ. Sinh hoạt Đảng, công tác Đảng của người Việt bên đó có khác gì so với công tác Đảng, sinh hoạt Đảng ở trong nước, thưa ông?
Ông Nguyễn Hải Anh: Chúng tôi cũng có điều kiện thuận lợi là sinh sống tại các nước xã hội chủ nghĩa cũ. Sau khi Liên Xô tan rã thì các tổ chức của chúng tôi có bị ảnh hưởng nhất định.
Chúng tôi may mắn là có Đại sứ quán hỗ trợ, duy trì, khôi phục lại tổ chức và chúng tôi đã bắt đầu sinh hoạt Đảng lại ngay, ban đầu từ cấp chi bộ. Ngay sau khi các nước cộng hòa đã tách ra và Việt Nam có những cơ quan đại diện tại các nước cộng hòa đó. Từ chi bộ, chúng tôi đã phát triển rộng thành ra nhiều chi bộ và có Đảng bộ các tỉnh, miền.
Sinh hoạt Đảng ở nước ngoài cũng có khác một chút so với sinh hoạt Đảng trong nước, linh hoạt hơn so với trong nước. Nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi ở bên đó là lãnh đạo bà con cộng đồng tuân thủ theo Hiến pháp pháp luật của nước sở tại và hướng về đất nước.
Trước năm 2014, hoạt động của tổ chức Đảng tại Ukraine khá thuận lợi. Bởi vì, bên họ cũng có những tổ chức Đảng cộng sản. Đã có những thời kỳ, ứng cử viên Tổng thống là Đảng viên cộng sản. Nhưng sau đó, những phe dân tộc chủ nghĩa nổi lên và họ có những chính sách không ủng hộ vai trò của Đảng cộng sản nói chung và những ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Liên Xô ngày xưa nói riêng đối với Ukraine.
Dù rằng, khi sinh hoạt Đảng, chúng tôi vẫn tiến hành đúng thủ tục, vẫn có chào cờ, hát quốc ca, quốc tế ca nhưng chúng tôi không thể treo công khai cờ Đảng, khẩu hiệu về Đảng tại những trụ sở văn phòng của Hội người Việt.
Chúng tôi cũng động viên anh em, đồng chí duy trì tốt sinh hoạt Đảng đều đặn tại các chi bộ cũng như Đảng bộ. Từ đó, khuyến khích mọi người, nhất là các cháu thanh thiếu niên có hướng phấn đấu gia nhập Đảng để hoạt động Đảng ngày một phát triển, vững mạnh.
Phóng viên: Cuộc sống mưu sinh chiếm rất nhiều thời gian của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, làm thế nào để thu hút những người uy tín, tích cực đứng vào hàng ngũ của Đảng, từ đó phát triển chi bộ Đảng, cũng như hình thành được Đảng bộ, thưa ông?
Ông Nguyễn Hải Anh: Trong sinh hoạt Đảng và phát triển Đảng viên, chúng tôi lấy nòng cốt là những những anh em đồng chí có uy tín trong cộng đồng. Chúng tôi hướng dẫn và lôi cuốn họ để họ yêu thích và tự nguyện vào Đảng.
Thế hệ con cháu nhìn vào thấy Đảng viên luôn luôn là những người mẫu mực, luôn là những người giỏi giang trong mọi lĩnh vực và là người có uy tín trong cộng đồng, làm những việc tốt cho cộng đồng thì đấy chính là tấm gương để giáo dục các cháu, cho các cháu noi theo.
Từ thực tiễn công việc đã giao, tổ chức Đảng phát hiện những quần chúng ưu tú, những người hoạt động công tác ở cộng đồng tốt để bồi dưỡng trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Phóng viên: Thưa ông, tổ chức Đảng giữ vai trò như thế nào trong hoạt động chung của cộng đồng người Việt?
Ông Nguyễn Hải Anh: Tổ chức Đảng luôn giữ vai trò lãnh đạo. Khi chúng tôi có bất cứ việc gì đó của cộng đồng nói chung, bao giờ trong Đảng ủy cũng họp và bàn nên triển khai như thế nào, nên làm như thế nào, và từ đó chúng tôi giao cho từng hội, đoàn từng công việc nhất định trong các hoạt động chung của cộng đồng.
Mỗi thành viên trong Ban chấp hành Đảng ủy chúng tôi được giao phụ trách từng hội đoàn nhất định. Cho nên, những công việc đó chúng tôi triển khai rất tốt và cũng không bị chồng chéo.
Phóng viên: Cộng đồng người Việt ở nhiều nước xây dựng phong trào, rồi thành lập các tổ chức như Hội cựu chiến binh và nhiều hội đoàn khác. Tại Ukraine thì ngược lại, lập tổ chức Đảng sau đó mới phát triển các hội, đoàn? Trở lại với thời điểm khôi phục tổ chức Đảng, quá trình ấy diễn ra như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Hải Anh: Thuận lợi là chúng tôi có tổ chức Đảng tại các thành phố từ khi Liên Xô chưa tan rã. Khi ấy, cộng đồng người Việt Nam tại các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ chủ yếu là học sinh, sinh viên ở lại và lao động hợp tác, trong đó, đa phần là bộ đội xuất ngũ. Sau khi xuất ngũ, đi theo diện hợp tác lao động thì chất lính, chất của người Đảng viên vẫn giữ được.
Công việc vất vả nhất đối với chúng tôi là vận động được những đồng chí Đảng viên cũ trở lại sinh hoạt. Vượt qua khó khăn, chúng tôi đã vận động được tất cả các đồng chí đó tham gia lại vào tổ chức Đảng. Tiếp đó là vận động những người có uy tín trong cộng đồng để họ tham gia vào tổ chức Đảng.
Từ những nòng cốt ấy chúng tôi nhân rộng lên qua việc xây dựng phong trào và đã là kết nạp được thêm rất nhiều những người có cùng chí hướng, có cùng nguyện vọng nhằm xây dựng được một cộng đồng vững mạnh. Từ chi bộ, chúng tôi nhân rộng ra nhiều chi bộ ở các địa phương và lập Đảng bộ.
Từ Đảng bộ, mới thành lập Hội người Việt, Hội đồng hương, bây giờ gọi là Hội người Việt Nam tại tỉnh Odessa. Từ Hội người Việt, lập thêm Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội doanh nhân và bây giờ lại có rất nhiều các hội đồng hương của các tỉnh. Nhưng tất cả vẫn dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng tại cơ sở.
Phóng viên: Như ông vừa nói, tổ chức Đảng ban đầu là tập hợp những người đã là Đảng viên trong nước rồi. Nhưng nếu chỉ có thế hệ ấy không thì làm sao mà có thể phát triển được nguồn Đảng viên mới, đặc biệt là Đảng viên trẻ cho tổ chức Đảng khi mà các Đảng viên đấy đã lớn tuổi rồi?
Ông Nguyễn Hải Anh: Vất vả hơn cả là vận đồng quần chúng ưu tú nhằm kết nạp các đồng chí Đảng viên mới. Điều này thực sự cũng đang là khó khăn đối với chúng tôi. Sau khi kêu gọi được những đồng chí Đảng viên cũ mất liên lạc trở lại tiếp tục sinh hoạt, chúng tôi đã kết nạp thêm được rất nhiều các quần chúng tốt.
Họ ban đầu là những người giữ những chức vụ trong cộng đồng. Có thể người ta chỉ là trưởng chi hội nào đó, trưởng một nhóm nào đó, người ta có uy tín. Chúng tôi đã kết hợp giáo dục tư tưởng và bồi dưỡng những người đó phấn đấu trở thành Đảng viên. Cho đến nay, những người như thế cũng đã cạn rồi.
Sau đó, chúng tìm kiếm từ thế hệ thứ hai, làm sao giáo dục các cháu để các cháu có niềm tin yêu lý tưởng của Đảng, niềm tin yêu đất nước, yêu Tổ quốc và các cháu tự nguyện phấn đấu vào trở thành người Đảng viên.
Bây giờ rất nhiều cháu coi việc rèn luyện, phấn đấu vào Đảng là vinh niềm vinh dự và tự hào. Các cháu luôn hăng hái thưa với các chú, các bác là có nhiệm vụ gì cứ giao cho chúng cháu và chúng cháu hứa sẽ hoàn thành tốt. Và rất nhiều việc các cháu là làm rất tốt.
Các cháu có ngoại ngữ, am hiểu cuộc sống của người địa phương. Các cháu có thể đứng ra làm phiên dịch cho những vụ việc trong cộng đồng. Từ những việc đó, thì các cháu thấy là lý tưởng của mình phấn đấu là vì cộng đồng và các cháu đều có ý thức rất tốt để phấn đấu trở thành người Đảng viên.
Phóng viên: Muốn duy trì, phát triển và nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong cộng đồng người Việt tại Odessa, Ukraine thì ông mong muốn điều gì?
Thực ra, tất cả cộng đồng, tất cả Đảng viên trong chi bộ, trong Đảng bộ đều mong muốn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với người Việt Nam ở nước ngoài nhiều hơn nữa và có những những hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời nhằm tạo sự kết nối giữa cộng đồng với đất nước.
Chúng tôi mong muốn mở những lớp bồi dưỡng cho cái các đồng chí trong Đảng ủy hay hoạt động nào đó để nâng cao tư tưởng nhận thức của người Đảng viên, nhất là việc cập nhật thông tin.
Thông tin chúng tôi có được chủ yếu là đọc trên mạng, trên báo đài, chứ chúng tôi ít khi nhận được những thông tin cụ thể từ tổ chức Đảng cấp trên gửi xuống, còn gọi là thông tin chính thống để chúng tôi có thể hiểu được, nắm được đường lối, tư tưởng của Đảng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông rất nhiều!./.
Hoàng Hướng/VOV5