Chiều 2/1, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ (138/CP) về phòng, chống tội phạm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tham nhũng vặt ở các cơ quan hành chính. Nếu địa bàn nào, hàng hóa thẩm lậu xảy ra nhiều lần thì phải điều chuyển ngay người đứng đầu.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 và 389; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ.
Ngay khi phát biểu khai mạc Hội nghị, trước việc một số địa phương không có lãnh đạo cấp tỉnh tham dự tại đầu cầu trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương tại các đầu cầu phải bố trí lãnh đạo tỉnh tham dự, bởi đây là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, làm cơ sở để phát triển kinh tế xã hội và mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ, năm 2019, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã được triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, nhiều mặt công tác vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá nhanh các vụ trọng án, vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về ma tuý, kinh tế, tham nhũng, công nghệ cao, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong 11 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý gần 191.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng (tăng 4%), khởi tố 1.864 vụ án (tăng 29%) với 2.184 đối tượng (tăng 32%). Số vụ, số đối tượng bị khởi tố tăng cho thấy chúng ta đã quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm, tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Sau khi đại diện bộ, ngành, địa phương phát biểu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị. Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế trong nước không thể phát triển được nếu tình trạng tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Do đó, Thủ tướng yêu cầu, công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại phải có sự chuyển biến căn bản để mọi mặt đều tiến bộ, không chỉ là kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh mà là an toàn xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta có nhiều lực lượng, phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm, chứ không phải có tình trạng cha chung không ai khóc, đặc biệt phải phát động được phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giám sát của người dân, giám sát của cơ quan dân cử, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương đối với các hoạt động này ở các lực lượng chức năng và các cán bộ có liên quan trong thực thi công vụ.
Nên việc làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống tội phạm và phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, làm gì, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chúng ta đang thấy, chưa dẹp bỏ cương quyết được".
Vì sao ma túy vào Việt Nam nhiều như vậy?
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên lồng ghép hai Ban Chỉ đạo 138 và 389 thành một Ban. Do đó, việc phối hợp để xử lý các vi phạm là rất quan trọng, tránh tình trạng đông nhưng phối hợp kém, trách nhiệm không rõ, dẫn đến tình trạng tội phạm, vi phạm vẫn lặp đi lặp lại.
Thủ tướng đánh giá, năm 2019, công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả tích cực của kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, việc trấn áp tội phạm, xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại chưa đáp ứng được mong đợi của Chính phủ và nhân dân. Theo đó, còn tình trạng các băng nhóm tội phạm ngang nhiên lộng hành như ở Đồng Nai, nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn tang vật thu được hàng tấn ở TP HCM, buôn lậu hàng tấn pháo nổ ở Lạng Sơn, hàng chục triệu lít xăng kém chất lượng ở Đắk Nông, hàng hóa kém chất lượng bày bán công khai ở nhiều nơi... đe dọa sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
"Người ta không hiểu ma túy đi đường nào vào Việt Nam nhiều như vậy, mà từ đó nhiều tổ chức trái phép len lỏi chế biến ở một số nơi. Các đối tượng này muốn biến Việt Nam là trung gian vận chuyển ma túy đi nhiều nước.
Đây là tình trạng này rất nguy hiểm. Vậy đi đường nào vào Việt Nam, trách nhiệm của chúng ta phải làm rõ. Một câu hỏi lớn của chúng ta về vấn đề này, không phải cây kim các đồng chí. Nhiều hàng giả, kém chất lượng vẫn tồn tại, kể cả phân bón, thuốc trừ sâu giả trong ngành nông nghiệp, gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế" - Thủ tướng chỉ rõ.
Không phải không biết mà có làm hay không
Trước thực tế đó, Thủ tướng chỉ đạo, các cơ quan chức năng phải đánh giá lại công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản theo Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị (ban hành năm 2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới); Nghị quyết 41 của Chính phủ về phòng, chống buôn lậu.
Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề không phải là lực lượng chức năng không biết mà có làm tốt nhiệm vụ hay không: "Một câu hỏi là các đồng chí có làm không?. Cho nên cần xem xét thực chất sự phối hợp giữa các lực lượng, trong đó có việc chia sẻ thông tin. Chưa chia sẻ thông tin đã bị lộ rồi. Nên vì sao cảnh sát hình sự trên này (Bộ Công an) phải đánh trực tiếp một số vụ. Vì ở địa phương nhúc nhích là đã lộ thông tin rồi.
Trách nhiệm của các đồng chí như thế nào. Vừa qua tôi nhận được nhiều báo cáo về nhiều vụ việc buôn lậu, hàng giả, thuốc lá, xăng dầu, hàng cấm, động vật quý hiếm nhưng không xác định được đối tượng phạm tội. Các đồng chí cần thống kê đây đủ, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp thời gian tới".
Thủ tướng cũng yêu cầu cần đánh giá vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, lực lượng chức năng của các Ban Chỉ đạo 138 và 389 xem đã thực hiện đúng tinh thần trách nhiệm, liệu có tình trạng bảo kê, có tham nhũng tiêu cực hay không?. Nhất là thời gian qua, vai trò của lãnh đạo các địa phương còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng.
Trước thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các tồn tại, yếu kém để công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh năm 2020 đất nước có nhiều sự kiện rất quan trọng, người dân kỳ vọng vào một xã hội an toàn hơn.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan này thực hiện nghiêm các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nhất là đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tư diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tham nhũng vặt ở các cơ quan hành chính; không để người dân bức xúc giảm sút niềm tin vào cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ công chức.
"Mấy cơ quan sau đây - Công an, Hải quan, Thuế, quản lý thị trường bộ đội biên phòng, cảnh sát biển là những đơn vị trực tiếp, đừng để tình trạng cơ quan, đơn vị các đồng chí đang phụ trách có tình trạng tham nhũng. Các đồng chí tưởng mọi người không biết?. Họ lót tay phong bì bao nhiêu cho một kiện hàng trong một số vụ việc?. Chúng ta không nói thẳng như thế, mà cứ để cán bộ làm điều đó ở bến xe, bến cảng, hậu thông quan... làm sao chúng ta giải quyết được tiêu cực. Tôi nói các đồng chí phải chấn chính" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo, không để lọt tội phạm, không để oan sai người vô tội, kịp thời truy tố xét xử vụ án lớn. Xử lý tin báo tố giác của người dân đúng quy định, kịp thời đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu bảo kê, bao che, làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện bao che, phải xử lý nghiêm dù đó là ai.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra biên giới, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, nhất là hoạt động mua bán người, vận chuyển trái phép ma túy, pháo và các mặt hàng cấm khác.
Thủ tướng chỉ đạo, nếu địa bàn nào, hàng hóa thẩm lậu xảy ra nhiều lần thì phải điều chuyển ngay người đứng đầu. Thủ tướng cũng yêu cầu chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường phối hợp với Bộ đội biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường xác lập chuyên án triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, khoáng sản qua biên giới trên biển.
Nêu rõ 5 lực lượng có vai trò quan trọng là Công an, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu 5 lực lượng này mà trong sạch, trách nhiệm cao, mưu trí, dũng cảm cùng với sự chỉ đạo tốt của cấp ủy, chính quyền địa phương thì chắc chắn tình hình tội phạm và đặc biệt là công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại sẽ giảm đi rất nhiều, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Tết Nguyên đán đã cận kề, đây cũng là dịp buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm gia tăng, Thủ tướng đề nghị các lực lượng chức năng cần nỗ lực mạnh mẽ hơn để nhân dân bình yên hơn, an toàn hơn.
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có chương trình, kế hoạch phát động một phong trào tấn công, phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại./.
Vũ Dũng/VOV.VN