Tinh giản biên chế vẫn chưa đạt được như mong muốn
Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 phải tinh giản tối thiếu 10% biên chế.
Triển khai thực hiện Nghị quyết này cùng các Nghị định của Chính phủ, thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Theo Bộ Nội vụ, tính đến ngày 30/9/2019, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với năm 2015.
Riêng năm 2019, Bộ Nội vụ đã thẩm định 63/63 tỉnh, 20/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ, tổng biên chế sự nghiệp của các bộ, ngành giảm 11,85% và địa phương giảm 4,26% so với năm 2015. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tinh giản là 40.500 người.
Ghi nhận những kết quả trên thể hiện sự quyết tâm của các cấp, các ngành trong tinh giản biên chế những năm qua, song PGS.TS, giảng viên cao cấp Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, việc tinh giản còn chậm, chưa đạt như mong muốn.
Trong quá trình tinh giản chưa thực sự đưa ra ngoài bộ máy những người cần giản mà chủ yếu là những người đến tuổi nghỉ hưu, người hưởng chính sách để về hưu trước tuổi, còn số người không làm được việc buộc phải rời bộ máy còn khiêm tốn. Cho nên, dù đã tinh giản được số lượng biên chế nhưng bộ máy hành chính vẫn còn cồng kềnh, hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị mới theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Theo ông, hạn chế này là do nhiều cơ quan, đơn vị chưa gắn tinh giản biên chế với việc đánh giá thực chất chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ công chức, nên việc cắt giảm mang tính cơ học bằng cách dùng ngân sách để khuyến khích công chức tự nguyện nghỉ việc, chứ chưa thực sự tinh giản được các đối tượng mà năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ như mục tiêu đặt ra.
Cùng với đó, vai trò của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa làm tốt khâu tuyển chọn đầu vào; tổ chức bộ máy cũng chưa hợp lý, chưa xác định rõ vị trí việc làm để định ra số lượng công chức cần thiết trong mỗi cơ quan, đơn vị, cho nên nhiều nơi chạy theo tinh giản theo chỉ tiêu mà chưa chú trọng đến vấn đề cần tinh giản ai, tinh giản như thế nào.
Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, một số văn bản điều chỉnh về tổ chức bộ máy chậm được sửa đổi, bổ sung nên dù các cơ quan có mong muốn tinh gọn được bộ máy, nhưng khi triển khai lại không thực hiện được. Có những người sắp đến tuổi nghỉ hưu dù còn làm được việc, còn nhanh nhẹn, nhưng muốn nghỉ sớm để lấy kinh phí đầu tư cho việc khác nhưng không dễ gì xin ra được bởi không ai dám chứng nhận họ không đủ sức khỏe, không ai đánh giá họ không làm được việc.
Thậm chí, việc đánh giá, phân loại cán bộ công chức, viên chức tại một số cơ quan Nhà nước còn hình thức, nể nang, cảm tính. “Theo đó, cần xem xét lại hình thức đánh giá cán bộ trong một năm làm việc. Bởi việc đánh giá này chủ yếu do cá nhân tự đánh giá, đồng nghiệp đánh giá. Còn trong thực tế, đa phần họ nhìn nhau mà làm, anh bầu cho tôi, tôi bầu cho anh, anh khen tôi, tôi khen anh. Báo cáo của các tổ chức, đơn vị cho thấy chỉ 1% số cán bộ không làm được việc, nhưng khi hỏi thì ai cũng nói chỉ có 1/3 số cán bộ đáp ứng được công việc” – ông Ngô Thành Can nói và nhấn mạnh, nhiều khi vì cơ chế lại không cho phép cán bộ đánh giá một cách thực chất. Có người tự đánh giá không làm được việc nhưng cơ quan lại có ý kiến ngay, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, người đứng đầu bị hạ thi đua.
Còn nể nang, cảm tính trong đánh giá, phân loại cán bộ
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng bày tỏ vẻ sốt ruột: "Đánh giá cán bộ kiểu gì mà không tìm ra người để giảm biên chế. Trong khi dư luận xã hội nói chỉ có 30% cán bộ, công chức làm việc thôi".
Ông cho biết, qua tổng hợp báo cáo của hơn 40 tỉnh và các bộ, ngành, có đến hơn 67% công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, hơn 27% hoàn thành xuất sắc, còn lại là hoàn thành nhiệm vụ nhưng có mặt hạn chế, và chỉ 0,63% không hoàn thành nhiệm vụ. Song, người đứng đầu ngành Nội vụ đánh giá, tỉ lệ này là chưa chính xác, trong đó có nguyên nhân các đơn vị, địa phương xây dựng tiêu chí đánh giá chưa cụ thể, nặng về cảm nhận, còn nể nang, cảm tính.
Bộ trưởng chia sẻ, hơn 10 năm làm cán bộ từ cấp tỉnh trở lên, chưa có bản tự kiểm nào ông tự đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi tự đánh giá như vậy, cấp dưới lại nói rằng thủ trưởng không hoàn thành xuất sắc thì cấp dưới, đơn vị không hoàn thành xuất sắc. "Nhưng đúng là tự kiểm thì đơn vị có hoàn thành xuất sắc đâu mà mình hoàn thành xuất sắc, tức là còn tư tưởng nể nang” – ông nói.
Do đó, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế quy định hiện tại theo hướng "đánh giá ngang, dọc, đa chiều, bằng chất lượng cụ thể". Từng đơn vị, địa phương cũng phải xây dựng tiêu chí đánh giá, phải chấn chỉnh cho nghiêm túc.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, đến năm 2021 chúng ta có thể thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp trong các cơ quan hành chính như mục tiêu đề ra. Bởi vì, trong 2 năm vừa qua, Bộ Nội vụ kết hợp với Bộ Tài chính đã cắt giảm biên chế ngay 2% mỗi năm và Bộ Tài chính cắt giảm về kinh phí để chi thường xuyên cũng 2%. Như vậy, đến cuối năm 2020, chúng ta đã đạt được chỉ tiêu giảm biên chế 8,85%, chỉ còn khoảng gần 1,3% nữa là đạt được chỉ tiêu.
Tuy nhiên, đối với khối sự nghiệp, hiện nay giảm biên chế còn khó khăn, nhất là ở khối giáo dục và y tế tại vùng nông thôn rất khó trong việc xã hội hóa.
“Hiện nay, tình hình thiếu giáo viên, thiếu y bác sĩ tại các bệnh viện ở địa phương nên các địa phương đang kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, nên có nhiều giải pháp trong thời gian tới, chủ yếu nhắm vào việc giảm những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đến các đơn vị sự nghiệp. Bộ Nội vụ cũng đã trình Chính phủ Nghị quyết về vấn đề biên chế, tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục từ nay đến năm 2021 để giải quyết căn cơ hơn, kết hợp với các biện pháp vừa xã hội hóa, vừa sắp xếp, tổ chức lại, vừa tinh giản biên chế để đảm bảo có học sinh và giáo viên đứng lớp” – ông Lê Vĩnh Tân cho biết.
Riêng về đối tượng tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đã đề xuất với Chính phủ sửa đổi lại Nghị định, mở rộng về đối tượng, cũng như phân cấp thẩm quyền cho địa phương. Đến nay, sau khi Nghị định 113 được ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của của Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế, thì tỷ lệ tinh giản tăng lên gấp 1,5 lần so với trước.
“Phần còn lại là trách nhiệm của địa phương xét đối tượng vừa đúng quy trình, thực hiện đúng chính sách thì tin chắc thời gian tới, đối tượng tinh giản biên chế sẽ phù hợp hơn so với Nghị định 108 trước đây”- ông Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Để việc tinh giản biên chế thời gian tới đạt được đúng yêu cầu, mục đích đề ra, PGS.TS Ngô Thành Can cho rằng, cần phát huy vai trò người đứng đầu, giao cho họ quyền, trọng trách quyết định con người cũng như ngân sách thực hiện tinh giản, để họ có đủ bản lĩnh, đủ kiên quyết, đủ niềm tin để điều hành công việc hiệu quả hơn. Cùng với đó là quy định rõ trách nhiệm và chế tài kỷ luật cán bộ lãnh đạo quản lý khi để bộ máy phình to. Bởi nếu chỉ dừng ở việc nghiêm túc rút kinh nghiệm, nghiêm khắc kiểm điểm thì sẽ không đủ sức răn đe.
“Chừng nào còn nể nang, cảm tính thì sẽ không tìm ra người để tinh giản biên chế. Do đó, phải công tâm, khách quan, không nể nang trong đánh giá, phân loại cán bộ. Ngoài ra, chế độ chính sách phải rõ ràng, minh bạch giữa người làm được việc, người không làm được việc. Đến chừng mực nào đó người làm nhiều thì hưởng nhiều, người ngồi không thì không được hưởng lương. Ngoài ra, cũng cần có chế độ, chính sách để động viên những người không làm được việc phải rút khỏi bộ máy”- ông Ngô Thành Can nhấn mạnh./.
Kim Anh/VOV.VN