Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua, đã chính thức bỏ “viên chức suốt đời”. Luật quy định thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với những đối tượng tuyển dụng mới từ 1/7/2020. Còn đối tượng viên chức đã được tuyển dụng trước thời điểm 1/7/2020, cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành.
Bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, PGS.TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) cho rằng, quy định bỏ “viên chức suốt đời” về mặt tâm lý cũng khiến một bộ phận bị ảnh hưởng. Bởi vì rất nhiều người mong muốn có được công việc ổn định nên đã chọn môi trường Nhà nước. Tuy nhiên, cũng chính tâm lý an phận thủ thường đó sinh ra thói lười biếng, không phấn đấu vươn lên trong công việc ở một bộ phận người lao động vì nghĩ bản thân không vi phạm kỷ luật thì sẽ không bị đào thải.
“Điều này cũng dẫn đến cái khó cho cơ quan sử dụng lao động sẽ không tuyển dụng được những người có năng lực chuyên môn tốt hơn. Hơn nữa, đến năm 2021, việc trả lương không còn theo ngạch bậc, có nghĩa cán bộ, viên chức không phải cứ ngồi lâu lăm, ngạch bậc cao được hưởng lương cao mà sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Khi đó, những người có năng lực, làm việc tốt thì sẽ được trả lương tương ứng theo hiệu quả công việc” – ông Hoàng Văn Cường cho biết.
Chính vì vậy, việc sửa đổi, bỏ quy định ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức, về lâu dài sẽ thúc đẩy sự vươn lên của viên chức cũng như tạo điều kiện, bố trí được nguồn nhân lực tốt hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, sự biến động về vị trí việc làm sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho đội ngũ viên chức.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, hiện tại Luật mới chỉ dừng lại ở bỏ “viên chức suốt đời” mà cần tiến lên một bước nữa đối với khối công chức. Nếu bỏ biên chế suốt đời đối với công chức thì sẽ loại bỏ được tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” chỉ lo giữ vị trí mà không chịu phấn đấu vươn lên.
“Hơn nữa, với cơ chế hiện nay là xác định vị trí việc làm, không còn chuyện biên chế suốt đời sẽ tạo ra sự cạnh tranh. Những người dùng mối quan hệ thân thiết, hay bằng các hình thức để chạy chọt vào vị trí nào đó cũng không có cơ hội tồn tại trong bộ máy” – ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, ý tưởng cải cách bỏ “viên chức suốt đời” xuất hiện từ đầu những năm 2000 với chủ trương chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang dạng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ở các nước có nền công vụ hiện đại cũng đã thực hiện chế độ hợp đồng đối với công chức, tức bỏ “công chức suốt đời”.
“Đầu những năm 2000 tôi đi nghiên cứu ở New Zealand thấy rằng, họ đã thực hiện chế độ hợp đồng từ Thứ trưởng trở xuống. Còn ở nước ta, trước mắt bỏ “viên chức suốt đời”. Nhưng sau này tiến tới kể cả công chức cũng có thể chuyển sang cơ chế hợp đồng để đảm bảo một nền công vụ năng động, trách nhiệm, thể hiện sự tận tụy. Chứ không phải vào biên chế, công chức hay viên chức làm theo kiểu “sáng cắp ô đi tối đi cắp về” mà không ai cho ra được” - ông Phúc nói và cho biết, theo Luật sửa đổi mới thông qua, trong 2 năm liên tiếp cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc.
Không đồng tình quan điểm “bỏ viên chức suốt đời sẽ làm mất sự hấp dẫn ở khu vực công, nhất là lao động có trình độ cao” ông Thang Văn Phúc nhấn mạnh: nguyên tắc của khu vực công và tư là sự cạnh tranh. Nhà nước sẽ có chính sách để viên chức không phải sống bằng lương mà bằng thu nhập từ các sản phẩm nghề nghiệp của họ. Nếu sản phẩm công việc tốt thì viên chức sẽ nhận được mức lương cao chứ không phải theo ngạch bậc như hiện nay. Từ đó sẽ huy động được tinh thần phục vụ, trách nhiệm của viên chức.
“Với đội ngũ viên chức cứ yên tâm vào biên chế rồi làm không hết trách nhiệm, chất lượng phục vụ kém thì giữ lại để làm gì. Tạo ra sức ép về biên chế để cán bộ tận tụy với công việc, nghề nghiệp nhiều hơn, từ đó Nhà nước, xã hội cũng sẽ đối xử với những cống hiến của họ phù hợp hơn. Ở trong biên chế 30-40 năm nhưng chất lượng phục vụ không đạt được yêu cầu thì cũng không nên ở lại” – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói./.
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Kim Anh/VOV.VN