Tháo gỡ được nhiều "điểm nghẽn"
Đánh giá cao về những điểm mới của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự án luật được thông qua sẽ tạo cơ hội cho các trường đại học phát triển và tháo gỡ được nhiều "điểm nghẽn" về tự chủ đại học. Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) là hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học một cách thực chất. Ngoài ra, Dự án luật sửa đổi lần này đã có các quy định khá chi tiết, rõ ràng về tự chủ học thuật, tài chính, nhân sự… tập trung vào một số vấn đề như mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả chính sách tự chủ đại học trong luật hiện hành và chỉnh sửa nội dung khác có liên quan để đảm bảo thống nhất trong thực hiện mà không thay đổi bố cục của Luật Giáo dục đại học.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim, đoàn Hải Dương đồng tình với chính sách tự chủ đại học được đề xuất trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đại biểu Kim cho biết, đã đến lúc chúng ta phải thực hiện cơ chế tự chủ sâu rộng đến các cơ sở giáo dục đại học. Khi quyền tự chủ được phát huy, từng cá nhân, tập thể của nhà trường sẽ phải vận động, đổi mới sáng tạo để đào tạo cho xã hội một lực lượng lao động đáp ứng ngay yêu cầu sản xuất, yêu cầu của công việc. Giữa các trường sẽ có sự thi thố, cạnh tranh lẫn nhau để làm sao trở thành một trường có đông học sinh, sinh viên ra trường được thị trường lao động tiếp nhận.
Nêu quan điểm của mình, đại biểu Triệu Thế Hùng, đoàn Lâm Đồng cho rằng, luật đã hướng tới sự ổn định của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học và có các chuẩn theo hướng mở rộng hơn; vừa giữ được sự ổn định của hệ thống nhưng cũng là cơ hội mở ra cho các trường đại học phát triển theo nhiều mô hình khác nhau miễn là nâng cao chất lượng. Với cách tiếp cận như vậy, các trường đại học là hạt nhân cơ bản của giáo dục đại học. "Tôi cho rằng đây cũng là một bước đột phá trong việc chuyển một hệ thống giáo dục tĩnh, khép kín trở thành hệ thống giáo dục động và mở, tạo điều kiện một cách linh hoạt cho hệ thống các cơ sở giáo dục đại học đa dạng hơn, tự lựa chọn cho mình mô hình để phát triển. Dự thảo luật đã hoàn thiện được hành lang pháp lý về quyền tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình xã hội một cách minh bạch. Đổi mới cơ chế tài chính đảm bảo sự thông thoáng, hiệu quả và phù hợp với từng loại hình của giáo dục đại học, khắc phục được tình trạng lãng phí, dàn trải trong đầu tư công. Để phát huy tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học phải tăng chất lượng", đại biểu Hùng nhấn mạnh.
Cần quy định trách nhiệm của bộ ngành
Phần lớn các đại biểu đều cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải thực hiện cơ chế tự chủ sâu rộng đến các cơ sở giáo dục đại học. Một trong những nội dung quan trọng của tự chủ đại học đó là, các trường phải tự chủ về tài chính. Đây là yêu cầu bắt buộc và phải được thực hiện từ cơ sở. Đã đến lúc không nên tồn tại cơ chế "bao cấp" như hiện nay, mà sẽ chuyển sang cơ chế đầu thầu "đặt hàng". Việc các trường phải cạnh tranh thực sự sẽ chấm dứt được tình trạng ỷ lại vào "bầu sữa" ngân sách.
Theo đại biểu Hồ Thanh Bình, đoàn An Giang, một trong những điểm mới của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học lần này là nhà nước không "bao cấp" kinh phí hoạt động cho các trường, mà sẽ chuyển sang cơ chế đầu tư theo đặt hàng, đầu tư theo nhu cầu xã hội. Cơ chế này sẽ tạo ra sức cạnh tranh giữa các trường đại học để có được nguồn đầu tư của nhà nước. Đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào "bao cấp" của nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về nhiều quy định còn mang tính nguyên tắc, khó đi vào thực tế. Đại biểu, Lê Quang Trí, đoàn Tiền Giang lo ngại, nhiều nội dung quy định còn mang tính nguyên tắc, không giao cho cơ quan nào quy định chi tiết, như vậy rất khó triển khai. "Theo tôi, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, thiết kế lại theo hướng phân ra những nội dung nào Nhà nước có trách nhiệm ưu tiên đầu tư, những nội dung nào nhà nước khuyến khích đầu tư. Cụ thể, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư vào các cơ sở đào tạo giáo viên, ưu tiên đầu tư cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số… Đối với nội dung Nhà nước khuyến khích đầu tư như giao đất, miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học. Để tránh tình trạng gần 200.000 cử nhân kỹ sư tốt nghiệp đại học thất nghiệp như thời gian vừa qua, cần quy định trách nhiệm của bộ ngành trong điều này…" - Đại biểu, Lê Quang Trí nêu quan điểm.
Chùm ý kiến:
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, đoàn Hòa Bình:
Tự chủ về tài chính là quan trọng nhất, từ đó mới xác định được mục tiêu đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh. Đây hoàn toàn không phải tư nhân hóa, không phải Nhà nước cấp một khoản tiền cho các trường muốn làm gì thì làm mà các trường phải hoạt động theo quy định của Nhà nước. Việc giao chỉ tiêu cho các trường phải căn cứ vào các cơ sở nhất định. Nếu giao chỉ tiêu mà không xác định được khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục đại học đó như thế nào, cơ cấu đào tạo của cả hệ thống ra sao thì sẽ gây khó khăn cho nhà trường.
Bên cạnh đó, tự chủ giáo dục đại học trong các trường công là cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Các trường không thể chạy theo thị trường lao động trong ngắn hạn, ví dụ thấy ngành ngân hàng đang "hot" thì đều đào tạo ngành này. Như vậy, cơ cấu lao động trong xã hội sẽ mất cân đối. Đây là nguyên nhân gây khó khăn cho thị trường lao động. Việc giao chỉ tiêu đối với các trường cần căn cứ vào cơ sở vật chất, nhu cầu cơ cấu nguồn nhân lực, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trong ngắn hạn và trong dài hạn.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân vận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Tự chủ không chỉ ở chỗ quyền tự chủ tài chính hay tự chủ về nhân lực, mà tự chủ đi kèm trách nhiệm giải trình, đó là điều quan trọng. Tôi đánh giá cao bộ ba về mặt chính sách mà luật đề cập: Quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH, vấn đề kiểm định của nhà nước. Trước đây Nhà nước là người đứng ra tổ chức, thực hiện, chịu trách nhiệm đến tận đầu ra nên phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Giờ cần phân biệt rõ, Nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý đối với cơ sở GDĐH, Nhà nước chịu trách nhiệm về tổ chức, hệ thống máy móc, sản phẩm, con người. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước thấy rằng cơ sở này không đủ khả năng, năng lực kém, không đưa vào thực hiện, không cho hoạt động hoặc có vi phạm thì sẽ xử lý, không cho hoạt động nữa.
Còn các cơ sở GDĐH chịu trách nhiệm trước nhà nước về việc hoạt động và chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm đào tạo. Nếu tạo ra sản phẩm không tốt thì xã hội sẽ không chấp nhận sản phẩm đó và anh bị phá sản. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm liên đới về sản phẩm đó, ví dụ nếu đã có ý kiến, xã hội phản ánh cơ sở này không đủ năng lực mà vẫn đào tạo, dẫn đến sản phẩm kém thì nhà nước phải chịu liên đới. Do đó, bộ ba chính sách như tôi nêu là cực kỳ quan trọng.