"Loạn" bằng cấp, chứng chỉ gây ảnh hưởng đến công chức, viên chức?
Tâm lý chuộng bằng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo, là tiêu chí quan trọng hàng đầu để tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đang là tình trạng cố hữu lâu nay trong nền công vụ.
Trong khi hầu hết các nhà tuyển dụng ở khu vực tư không coi bằng cấp như một điều kiện tiên quyết thì tại khu vực công, người có bằng cấp cao lại được hưởng những chính sách ưu tiên, đặc cách trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm. Câu chuyện “trọng” bằng cấp đã phát sinh hàng loạt vấn đề nhức nhối cho xã hội. Đó là tình trạng mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, chạy chọt trong thi cử để có tấm bằng chính quy loại khá, giỏi… Mặt khác tình trạng loạn bằng cấp, chứng chỉ trong bổ nhiệm, xét tuyển còn hành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gây tốn kém, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, vì đa phần họ phải vừa học vừa làm.
Khi ra trường xin việc, bằng cấp là điều kiện tiên quyết hàng đầu để bộ phận tổ chức cán bộ xét hồ sơ. Bằng cấp lấn át các tiêu chí khác, được xếp ở vị trí hàng đầu trong bộ hồ sơ, có tính quyết định hơn các điều kiện khác về năng lực, phẩm chất đạo đức. Thế nên mới có chuyện cán bộ bỏ tiền ra mua bằng, sử dụng bằng giả hoặc mượn bằng của người khác, nói chung bằng nhiều cách để có được tấm bằng, đáp ứng điều kiện cần.
Trong xét tuyển hoặc thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức, quy định hiện hành đã đưa ra những văn bằng chứng chỉ rất cụ thể và cần thiết. Bên cơ quan Đảng, theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương, bên Nhà nước theo quy định của Bộ Nội vụ. Với ba loại bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là rất cần thiết để chuẩn hóa công tác cán bộ, công chức, viên chức. Tuy vậy, để lên lương, thăng chức, thậm chí để cho đẹp hồ sơ thì nhiều cán bộ công chức cần phải chạy đua để có thêm nhiều bằng cấp, chứng chỉ khác.
Học chỉ để đi thi, để lấy bằng được coi là căn bệnh của ngành giáo dục, nguyên nhân là do tâm lý chuộng bằng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo đánh giá sự thành công, cất nhắc, bố trí công việc và đề bạt bổ nhiệm. Chính tâm lý này đã tạo thành gánh nặng cho người học, phải học để đạt được bằng cấp mà không chú trọng đến phát triển năng lực, sở thích hoặc việc học đó có ích như thế nào đối với công việc mà họ đang làm.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vậy nên các chuyên gia cho rằng, để thu hút được người tài tham gia vào bộ máy, tham gia vào đội ngũ công chức, viên chức thì phải giảm tối đa các loại văn bằng, chứng chỉ không cần thiết.
Bộ Nội vụ sẽ sửa những quy định đã lỗi thời
Lâu nay, chúng ta vẫn lo ngại về con số 30 - 40% cán bộ không làm được việc. Trong số những con người này, chắc chắn nhiều người chỉ có bằng cấp mà không có năng lực, thậm chí sử dụng bằng cấp giả để hợp thức hóa hồ sơ và yên chí khi đã có một chỗ trong cơ quan nhà nước. Thậm chí họ còn sử dụng bằng cấp đó để thăng quan tiến chức.
Theo PGS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia, rõ ràng cách thức tuyển dụng và đề bạt cán bộ của chúng ta đang có vấn đề và cần phải xem xét: “Xem xét năng lực thực sự của cán bộ, cái tài cái đức có phù hợp với vị trí hay không. Đó là những mảng mà chúng ta lưu ý để sử dụng cán bộ”.
Để đẩy lùi tình trạng trọng bằng cấp và loạn bằng cấp như hiện nay, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc đánh giá, sử dụng cán bộ cần dựa vào thực lực chứ không nên chạy theo hư danh, lấy chuyện bằng cấp để sắp xếp các vị trí đưa vào nguồn.
“Đánh giá theo kết quả đầu ra, xem xét việc hoàn thành công việc và kết quả chứ không phải bằng cấp mà cần thực tài. Việc quản trị của mình không tốt, kiểm soát không tốt dẫn tới nhiều lỗ hổng mà người ta lợi dụng” - ông Thang Văn Phúc nêu quan điểm.
Với vai trò là một trong những giải pháp thu hút nhân tài, thi tuyển công chức, viên chức, lãnh đạo có ý nghĩa quan trọng trong việc loại bỏ được một số hiện tượng tiêu cực, cố hữu trong công tác cán bộ như bè phái cục bộ, chạy chức, chạy quyền, làm lành mạnh và năng động hóa nền công vụ.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, đây là cơ hội cho những người đủ điều kiện, có năng lực, có phẩm chất đạo đức tham gia vào các vị trí lãnh đạo quan trọng.
“Đây là một trong những động thái giúp cho công tác cán bộ của chúng ta có sự thay đổi về mặt kiến thức và năng lực. Tuy nhiên, tôi cũng còn băn khoăn về việc thi tuyển đấy có thực sự là công khai, minh bạch hay không, quy trình để đảm bảo việc công khai, minh bạch và cơ chế để giám sát nó cụ thể như thế nào thì có lẽ còn rất nhiều điều phải bàn” - luật sư Truyền nhấn mạnh.
Ở xã hội phát triển, người dân đi học để lấy kiến thức, để sống và làm việc tốt hơn chứ không phải thuần túy học để lấy bằng cấp. Tình trạng học chỉ để đi thi, để lấy bằng như hiện nay đang bóp méo mục tiêu học tập của học sinh và cả những người đã đi làm, dẫn đến hệ thống giáo dục ngày càng trục trặc vì bệnh bằng cấp, thi cử càng nặng nề. Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi xã hội coi trọng năng lực thực chất của mỗi cá nhân, tuyển dụng công bằng, đánh giá khách quan thì khi ấy, mỗi người sẽ dễ dàng xác định được mục tiêu học tập của mình.
Trên nghị trường Quốc hội, mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính thức thừa nhận việc tuyển, nâng ngạch cán bộ viên chức cần quá nhiều chứng chỉ là không phù hợp, là do quy định đã tồn tại cách đây hơn 20 năm mà chưa kịp sửa. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ bắt tay sửa ngay quy định này để không phát sinh thêm thủ tục phiền hà gì nữa. Chất lượng công chức, viên chức sẽ được kiểm tra trực tiếp, không phải mang đến rất nhiều chứng chỉ mà trình độ lại không được nâng cao./.
Theo vov.vn