Trung Quốc cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò (đường chín đoạn, đường chữ U) vào các vật phẩm văn hóa như phim ảnh, sách, bản đồ có thể xem là một cuộc chiến tâm lý “vì họ muốn nhắc đi nhắc lại với người dân và thế giới rằng họ từ chối (phán quyết - PV) của Tòa Trọng tài và họ bám lấy câu chuyện viễn tưởng của riêng mình rằng tin giả của họ là thật” - Nhà báo Marites Vitug, Biên tập viên tờ Rappler, Philippines trả lời phóng viên bên lề Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ 11: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực, tại Hà Nội.
- Chủ đề bà mang đến cuộc thảo luận lần này là gì, thưa bà?
Tôi tham gia phiên thảo luận sáng 6/11 về các mối đe dọa và cơ hội đối với Biển Đông. Tôi chia sẻ kinh nghiệm của Philippines trước những gì đang đe dọa hiện hữu trên Biển Đông, sự hiện diện leo thang của Trung Quốc, xuất phát sự thay đổi chính sách đối ngoại của Philippines.
Tổng thống Duterte dường như “mở cửa” với Trung Quốc. Đắc cử tổng thống 3 năm trước, ông Duterte thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại. Ông Duterte nói chúng tôi cần Trung Quốc vì kinh tế… Nên dù Trung Quốc đang điều cả trăm tàu đến Biển Đông, xâm nhập vào cả vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, ông ta cũng không thực sự phản đối.
Trong phần trình bày của mình, tôi chỉ ra rằng sự xoay trục sang Trung Quốc của ông Duterte là một mối đe dọa đối với Biển Đông.
- Bà có thể nói gì về chiến thắng của Philippines trước Tòa Trọng tài 2016?
Đó là một dấu mốc quan trọng có thể hỗ trợ Philippines, nên tất cả các lãnh đạo, có thể là sau ông Duterte, nên sử dụng chiến thắng này làm đòn bẩy trong việc đối phó với Trung Quốc và trong việc kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Trung Quốc.
Tôi viết một cuốn sách về chiến thắng này và muốn nhắc nhở người Philippines rằng chúng tôi phải sử dụng chiến thắng này để đứng lên chống lại hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
- Ngoài những hành động quân sự hóa trên Biển Đông, gần đây Trung Quốc cài cắm hình ảnh "đường lưỡi bò" vào các vật phẩm văn hóa như sách, phim ảnh, bản đồ. Liệu đây có phải là một chiến lược toàn cầu của Trung Quốc để truyền bá thông tin sai lệch ra thế giới?
Chiến dịch tâm lý chiến 'đường lưỡi bò' là một phần chiến tranh truyền thông và tâm lý, biến “tin giả” thành thật của Trung Quốc.
Đúng vậy. Thực tế, một trong những chuyên gia hàng đầu của Philippines về Biển Đông, ông Antonio Carpio (Phó Chánh án Tòa án Tối cao của Philippines, một trong những người đóng vai trò chính trong tư vấn chiến lược cho vụ kiện 2016 của Philippines - PV) thể hiện trong một số bài phát biểu rằng tuyên bố của Trung Quốc về "đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" trên Biển Đông là thứ "tin giả" hạng nhất. Tôi có thể nói đó là chiến tranh truyền thông (media warfare), chiến tranh thông tin, tuyên truyền thông tin sai lệch.
Họ dạy điều đó cho những đứa trẻ Trung Quốc từ trường tiểu học đến đại học. Và họ muốn tiếp tục lặp lại điều này, không chỉ với người Trung Quốc mà còn với thế giới.
Ở Philippines, chúng tôi luôn tự nhắc bản thân rằng "đường chín đoạn" được Tòa Trọng tài 2016 tuyên bố là bất hợp pháp và vì vậy Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào, điều đó đã được chứng minh.
- Có thể xem đó là một cuộc chiến tâm lý không, thưa bà?
Chính xác. Vì họ muốn nhắc đi nhắc lại với người dân và với thế giới rằng họ từ chối (phán quyết - PV) của Tòa Trọng tài và họ bám lấy câu chuyện viễn tưởng của riêng mình rằng tin giả của họ là thật. Đó là một phần chiến tranh truyền thông, chiến tranh tâm lý của họ.
- Các sản phẩm được cài cắm đường lưỡi bò thường nhắm đến người trẻ, mức độ nguy hiểm của nó ra sao, thưa bà?
Ở Philippines có một tinh thần chống Trung Quốc rất mạnh… có lẽ đó cũng là một phần lý do tại sao Trung Quốc muốn lan truyền những thứ này cho người trẻ. Đối với người trẻ, đó sẽ là một cuộc chiến về tình cảm và lý trí của họ. Tuy nhiên các nhà hoạt động, học giả, nhà báo, nhà khoa học vẫn sẽ liên tục nhắc lại đường chín đoạn của Trung Quốc là bất hợp pháp, không dựa trên lịch sử.
- Bà có nghĩ đây là một chiến lược đáng xấu hổ của Trung Quốc không?
Đương nhiên, đó là một lời nói dối. Và khi bạn nói dối, điều đó vô cùng tồi tệ.
- Philippines làm những gì để đối phó với những thông tin sai lệch mà Trung Quốc lan truyền?
Hiện tại đang có những cuộc thảo luận về việc đưa vấn đề này vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Dù nó vẫn chỉ là các cuộc thảo luận nhưng chúng tôi có những tiếng nói về điều này trên truyền thông, bao gồm cả truyền thông chính thống, mạng xã hội và mỗi khi Trung Quốc nói gì đó, chúng tôi ngay lập tức làm công việc kiểm chứng và điều chỉnh dư luận để người dân nhìn thấy được sự thật.
- Vậy còn Việt Nam thì sao? Bà nghĩ Việt Nam cần làm gì để đối phó với những thông tin nguy hiểm mà Trung Quốc lan truyền?
Là chính những thứ các bạn đang làm. Các bạn cấm các bộ phim, thu hồi tiêu hủy sách, bản đồ áo phông,… của Trung Quốc có hình đường chín đoạn. Tôi nghĩ các bạn thậm chí rất chủ động và có những bài học chúng tôi có thể học từ các bạn.
- Xin cảm ơn bà!
Phương Anh/VTC.VN