Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019, Ủy ban Tư pháp có nhấn mạnh đến thực tế là số trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, vụ lợi trong các vụ án kinh tế còn ít, chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của đối tượng phạm tội.
Thảo luận trên diễn đàn Quốc hội, ý kiến đại biểu cũng đặc biệt quan tâm tới việc chứng minh hành vi phạm tội trong các vụ án tham nhũng lớn.
Nhắc lại vụ án đường dây đánh bạc qua mạng ở Phú Thọ có sự bao che, tiếp tay của tướng công an, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, cho rằng, các đối tượng chính là Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng bọn, ngoài việc bị điều tra về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền, còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ nhưng sau đó được đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ, nhưng vẫn chưa có kết quả thực hiện.
“Phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan khác?”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu vấn đề.
“Con mèo tha con cá thì đuổi đánh bằng chết nhưng con hổ tha con lợn lại để yên”
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Trung tướng Trần Văn Độ, Nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Việt Nam, Nguyên Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, thừa nhận, điều tra án tham nhũng, nhất là các tội đưa, nhận hối lộ là cực kỳ khó, thế nên mới có nhiều ý kiến băn khoăn vì sao án tham nhũng và án kinh tế lại đi với nhau.
Thực tế đã có nhiều vụ án lúc đầu là án tham nhũng nhưng một thời gian sau thành ra án kinh tế với các tội danh như cố ý làm trái, cùng lắm là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, chứ ít khi cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được tội tham ô, nhận hối lộ, những tội phạm tham nhũng xảy ra phổ biến nhất và gây thiệt hại lớn nhất hiện nay.
Cựu Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, vấn đề cần phải đặt ra ở đây là cơ quan điều tra đã cố gắng như thế nào, đã thực sự làm hết mình, sử dụng hết các biện pháp hay chưa bởi mọi hoạt động từ phát hiện, khởi tố, điều tra đều do cơ quan điều tra thực hiện.
“Những vụ án thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng rõ ràng phải truy cứu, phải xử lý về tội tham nhũng, chứ không thể là tội cố ý làm trái. Mà tội này hiện nay đã không còn được quy định; vậy các hành vi đó sẽ là tội gì, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm như hiện nay vấn làm chăng. Đấy là một hạn chế đang đặt gánh nặng lên các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra”, Trung tướng Trần Văn Độ nêu rõ.
“Tham ô, nhận hối lộ, đưa hối lộ là những tội danh liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn. Với loại tội phạm ấy, khả năng che giấu chứng cứ của họ ở mức cực kỳ tinh vi, thậm chí nhiều chứng cứ bị tiêu huỷ. Việc đưa tiền chẳng hạn, chỉ có 2 người với nhau thì khó mà để lại được chứng cứ”.
Phân tích như vậy để thấy rằng đúng là rất khó; nhưng cựu Phó Chánh án Tòa án tối cao quả quyết vẫn có thể làm được nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác định trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân, trước một tệ nạn cực kỳ nghiêm trọng để làm chứ không “khó thì bỏ” được.
Thực tế cho thấy rất nhiều vụ án giết người, những vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc các lĩnh vực khác, cơ quan điều tra phá án rất tốt; mà án tham nhũng tỷ lệ phá án lại rất thấp, không chứng minh được. Điều này rất khó để chấp nhận và dư luận không thể không hoài nghi phải chăng có sự tác động, nể nang?
Theo ông Trần Văn Độ, trước hết cần phải biết rõ xem các cơ quan điều tra đã áp dụng hết các biện pháp nghiệp vụ hay chưa, trong đó phải kể đến biện pháp điều tra đặc biệt, biện pháp điều tra được áp dụng với tội phạm tham nhũng như ghi âm, ghi hình lén, nghe lén điện thoại, xâm nhập dữ liệu điện tử. Chưa kể, trong điều tra tội phạm tham nhũng bao giờ cùng với hoạt động điều tra chính thức thì cũng có những hoạt động trinh sát đi kèm…
Một thực tế nữa, đó là các án tham nhũng ở địa phương lại do cơ quan tiến hành tố tụng địa phương tiến hành điều tra, truy tố, xét xử thì liệu trong mối quan hệ như thế có đảm bảo được sự độc lập hay không? Có những vụ việc liên quan trực tiếp đến cấp uỷ, chính quyền địa phương, thì có thể không phải do can thiệp thì cũng do nể nang nhau, trường hợp bất khả kháng thì phải làm, không đủ chứng cứ người ta không làm thì cũng chịu. Bởi không phải vụ án nào cơ quan điều tra của Bộ Công an, của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng có thể vào cuộc điều tra, truy tố nếu không có thẩm quyền.
Như vụ đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ, Tòa cấp cao ở Hà Nội kiến nghị xem xét hành vi đưa hối lộ nhưng Viện Kiểm sát Phú Thọ lại đình chỉ hay miễn trách nhiệm hình sự. Nếu là miễn trách nhiệm hình sự, tức là vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Dư luận có quyền đặt câu hỏi phải chăng việc đình chỉ điều tra hành vi đưa hối lộ để khỏi phải điều tra việc nhận hối lộ…
Không thể khẳng định các cơ quan tố tụng chưa làm hết trách nhiệm, nhưng không thể để tồn tại hiện tượng “con mèo tha con cá thì đuổi đánh bằng chết nhưng con hổ tha con lợn lại để yên”.
“Cơ quan điều tra phải là cơ quan độc lập”
Nêu quan điểm về đề nghị của đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ chính sách hình sự đặc biệt mà một số bị cáo được cơ quan điều tra đề nghị cho hưởng khi họ đã nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án, ông Độ cũng cho rằng đây là một vấn đề cần phải xem xét kỹ. Từ hoạt động nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông Độ cho rằng xưa nay chưa từng có khái niệm nào như vậy trong khoa học pháp lý hay pháp luật hình sự, mà chỉ có chính sách khoan hồng, chính sách hướng thiện, coi trọng phòng ngừa… được áp dụng cho tất cả mọi người, trong tất cả các vụ án; chứ không ai nói chính sách hình sự đặc biệt đối với bị can này, bị cáo kia, hay một người phạm tội cụ thể.
“Vì vậy, không nên dùng cụm từ “chính sách hình sự đặc biệt” đối với một trường hợp, một người cụ thể nào cả. Không biết động cơ thế nào, nhưng cơ quan điều tra đề xuất như thế là không đúng. Họ chỉ có thể đề nghị tòa án khi xét xử cân nhắc tình tiết này, tình tiết kia của bị can như có thành tích, thật thà khai báo, đã nộp lại tài sản, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả… còn khi áp dụng hình phạt, tòa phải căn cứ vào quy định chung của pháp luật: tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm đã thực hiện, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự… Chứ dùng từ đao to búa lớn kiểu như một chính sách của Nhà nước thì không có, không ai nói thế cả. Tự nguyện bồi thường là giảm nhẹ, bồi thường đến 100% được giảm nhẹ nhiều hơn. Nhưng tham ô, nhận hối lộ, đưa hối lộ hàng tỷ, hàng mấy chục tỷ mà nói là do đã khắc phục xong rồi nên đỉnh chỉ, miễn trách nhiệm hình sự thì cần phải xem xét lại, không thể miễn, chỉ có thể giảm nhẹ”, Trung tướng Trần Văn Độ phân tích.
Vấn đề theo ông là ở ý thức, nhận thức của người làm công tác điều tra, cơ quan điều tra. Nếu cố gắng hết sức mình, tỷ lệ phá loại án này có thể cao hơn. Chứ ở địa phương, Bí thư, Chủ tịch, rồi lãnh đạo các ban ngành dính vào, công an có điều tra nổi không? Đó là thực tế đòi hỏi cần phải nghiên cứu cải cách tư pháp.
“Tôi đã từng đề xuất phải tách cơ quan điều tra ra khỏi cơ quan công an thành một cơ quan độc lập, sau đó thành lập Viện công tố, cơ quan điều tra này trực thuộc Viện công tố, có vậy mới không bị phụ thuộc vào cấp ủy, chính quyền địa phương. Tòa án cũng vậy, cần thành lập tòa án khu vực và Đảng lãnh đạo, Nhà nước quan lý theo hệ thống ngành dọc… thì tính độc lập trong hoạt động tư pháp sẽ cao hơn. Độc lập tư pháp là nguyên tắc quan trọng của nhà nước pháp quyền; hoạt động tư pháp không thể bị can thiệp bởi bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Chừng nào vẫn còn tồn tại cơ chế có thể can thiệp, mà hoàn toàn có thể can thiệp được, thì còn khó”, ông Độ nêu quan điểm./.
Hà Thanh/VOV.VN