Đại biểu Quốc hội bức xúc trong xử lý vụ nước nhiễm dầu

  • 07/11/2019 11:23:31
  • Nguyên Nhung, Kim Thanh/VOV1
  • Chính trị
  • 0

Đại biểu cho rằng, để cho nguồn nước sạch của người dân bị nhiễm dầu thải không chỉ cách chức là xong, cần phải làm rõ trách nhiệm.

 

Bên lề phiên họp Quốc hội ngày 6/11, các đại biểu cho rằng, sau một số sự cố về môi trường vừa qua, Chính phủ cần quan tâm hơn tới biện pháp ứng phó với sự cố môi trường và cần xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan.

Điểm lại các sự cố về môi trường mới xảy ra gần đây như vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông gây nguy cơ ô nhiễm thủy ngân; vụ nhiễm bẩn nguồn nước sạch sông Đà ảnh hưởng tới hàng vạn người dân Hà Nội, các đại biểu bày tỏ lo ngại khi thông tin cảnh báo đến chậm với người dân và còn lúng túng trong xử lý ô nhiễm.

Ngày 14/10, kênh dẫn nước vào Nhà máy nước sạch sông Đà gần một km vẫn có dầu lẫn vào nước (ảnh: Pháp luật Việt Nam)Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, đoàn Khánh Hòa, mong muốn Chính phủ và các địa phương cần chủ động, quan tâm hơn, có quy trình, giải pháp xử lý nhanh nhạy hơn với các sự cố, thậm chí là thảm họa môi trường ảnh hưởng trên diện rộng.

“Chúng tôi cho rằng, đối với công tác ứng phó với sự cố môi trường, Chính phủ cần quan tâm hơn và đặc biệt cần có xử lý nhanh nhạy hơn. Những vấn đề đó chính quyền cần phải tích cực hơn và có thông tin sớm hơn, kịp thời hơn, cảnh báo cho người dân để tránh tác hại đến sức khỏe. Tôi nghĩ rằng trong vấn đề này, Chính phủ phải cải tiến hơn nữa công tác quản lý và đặc biệt là đối với người dân trong vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu nêu quan điểm.

Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Tốn (ảnh: KT)Đối với sự việc Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Tốn, sau khi để nguồn nước dầu thải chảy vào nguồn nước sạch cấp cho dân, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương cho rằng, đây là một quyết định muộn màng, một cách xử lý làm êm dư luận. Vấn đề đặt ra từ chức hay cách chức cần xem xét trách nhiệm của Công ty trong việc để xảy ra hậu quả chứ không phải cách chức Tổng Giám đốc là giải quyết xong hậu quả.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, thời gian tới, cần phải xem xét việc bổ sung một số quy định liên quan đến quản lý hoạt động sản xuất và cung ứng nước sạch để đảm bảo an ninh nguồn nước cho người dân.

“Từ chức là một việc nhưng xem xét trách nhiệm là một việc khác, trách nhiệm trong việc để xảy ra hậu quả cần phải xem xét đúng quy định của pháp luật. Nếu có đầy đủ căn cứ phải xem xét trách nhiệm hình sự, trong đó có trách nhiệm cá nhân, phải bồi thường thiệt hại cho người dân. Còn bồi thường như thế nào, thành phố Hà Nội phải lên tiếng, giống như vụ việc Vedan ở Đồng Nai, phải giải quyết cho rạch ròi. Không chỉ việc này mà còn phải tạo ra cảnh báo để cho các doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực này phải có trách nhiệm hơn, cũng là cách để cơ quan quản lý nhà nước nêu cao trách nhiệm rà soát lại quy định, quy trình và trách nhiệm của mình khi để xảy ra vụ việc vừa rồi”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận