Sáng 6/11, tại Hà Nội, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì Hòa bình và Phát triển tại Khu vực” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh, trong 10 năm qua, tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp theo nhiều chiều hướng khác nhau. Đứng trước tình hình mới có cả những yếu tố tích cực và tiêu cực, những học giả có thể làm gì? Đổi mới ra sao để đóng góp tốt hơn cho việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn thách thức từ góc độ các chuyên gia?
Giám đốc Học viện Ngoại giao bày tỏ tin tưởng, tiếp nối thành công trong 10 lần hội thảo trước, Hội thảo lần này sẽ đóng vai trò cầu nối tốt hơn nữa giữa các kênh chính thức, kênh bán chính thức nhằm tìm ra các biện pháp có tính sáng tạo nhằm thúc đẩy hòa bình, hợp tác ở Biển Đông.
Trong diễn văn chính tại Hội thảo, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi tin tưởng rằng, hợp tác và thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông không chỉ là lợi ích và trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực mà còn là lợi ích và trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế”.
Ông Lê Hoài Trung cũng kỳ vọng, Hội thảo lần này sẽ góp phần làm sáng tỏ các vấn đề như làm thế nào để bảo đảm tính hiệu quả của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nói riêng và thượng tôn pháp luật nói chung; làm sao để các cơ chế đa phương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bàn bạc, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hợp tác trong khu vực và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề trong khu vực.
Hội thảo Biển Đông được tổ chức hàng năm nhằm đánh giá những diễn biến mới nhất, nhận diện các động lực chi phối, và tìm kiếm biện pháp hiệu quả để quản lý, giải quyết tranh chấp, cũng như thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông và các khu vực liên quan.
Sau 10 năm tổ chức (kể từ năm 2009), chuỗi Hội thảo Biển Đông đã trở thành một trong những diễn đàn an ninh khu vực uy tín, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để thảo luận về các vấn đề có tầm quan trọng đối với hòa bình và phát triển như: an ninh biển, luật pháp quốc tế, kinh tế biển và sinh thái biển.
Bên cạnh việc kế thừa những thành tựu đã đạt được, Hội thảo Biển Đông 11 được nâng cấp thành sự kiện có quy mô nhất từ trước đến nay, với 6 phiên toàn thể và 6 bàn tròn, dự kiến quy tụ khoảng 50 diễn giả là các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, các quan chức cao cấp, cùng 200 - 250 quan chức, học giả và các nhà ngoại giao. Mục tiêu là hướng chuỗi Hội thảo Biển Đông thành một diễn đàn bán chính thức hàng đầu ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo, góp phần cải thiện tình hình an ninh biển.
Thứ nhất, các cuộc thảo luận được thiết kế bám sát thực tiễn, khuyến khích sự tham gia rộng hơn của giới hoạch định và thực thi chính sách. Theo đó, Hội thảo sẽ có các bài phát biểu quan trọng của các quan chức, cùng ba phiên bàn tròn song song thảo luận về các rào cản trong hợp tác chuyên ngành và xây dựng lòng tin trên biển.
Thứ hai, Hội thảo định vị Biển Đông trong không gian địa lý và chính trị rộng lớn hơn, trong đó các vùng biển và đại dương được nhìn nhận là một thể thống nhất và là sự kéo dài của các lục địa. Theo đó, ba phiên bàn tròn song song được xây dựng để thảo luận về diễn tiến ở các khu vực khác như: Biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các vùng địa cực, để tìm ra sự kết nối, tương đồng và khác biệt.
Cuối cùng, Hội thảo năm nay được tổ chức trong không khí kỷ niệm 25 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực (1994) và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Nhân dịp này, Hội thảo dành riêng một phiên để kiểm điểm quá trình hình thành và tầm quan trọng của văn bản được coi là Hiến chương của Đại dương sau một phần tư thế kỷ có hiệu lực./.
Hùng Cường, Trần Khánh/VOV.VN