Từ giáo trình đại học đến chiếc xe hơi đắt tiền
Trong những ngày qua, dư luận không khỏi bất ngờ và bất bình về sự xuất hiện của “đường lưỡi bò” phi pháp trong cuốn giáo trình "Developing Chinese" của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Bất ngờ bởi khó có thể tin được một cơ sở giáo dục đại học lại có thể sơ suất đến như vậy và bất bình trước câu trả lời rất thiếu trách nhiệm của đại diện nhà trường khi cho biết, theo đúng quy định, giáo trình của nhà trường khi đưa vào sử dụng sẽ phải thông qua Hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, lần này, Khoa Trung – Nhật của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đưa vào sử dụng thử, trước khi được Hội đồng thẩm định phê duyệt.
Hơn thế nữa, chính đại diện nhà trường thừa nhận, Khoa Trung-Nhật chỉ tập trung xem bố cục mỗi bài thiết kế như thế nào, cách sắp xếp, giải thích ngữ pháp ra sao chứ không để ý đến các hình vẽ trong sách. Khi xem xét sách cũng không thể mở từng trang ra một. Về cơ bản sẽ xem phần mục lục, sau đó mở một bài bất kỳ để xem bố cục, chủ đề, cách phân tích ngữ pháp của bài ấy.
Giải thích trên rất khó chấp nhận trong bối cảnh những sản phẩm của Trung Quốc vào Việt Nam thời gian gần đây liên tục “cài cắm” ý đồ xấu. Đáng trách hơn nữa, trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội đưa giáo trình này vào giảng dạy từ đầu năm học 2019-2020 nhưng vẫn không phát hiện ra cho tới khi sinh viên phản ánh mới thông báo thu hồi và tiêu hủy.
Cùng thời điểm, chiếc xe ô tô hiệu Volkswagen trưng bày ở Triển lãm ô tô Việt Nam có bản đồ định vị vệ tinh hình "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc.
Trước đó, hồi giữa tháng 10, Saigontourist - một trong những doanh nghiệp du lịch lớn của Việt Nam - cũng đã mắc phải sai sót nghiêm trọng khi phát cho khách cuốn sách khá dày giới thiệu về cảnh vật, thiên nhiên ở Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn trong đó có bản đồ “đường lưỡi bò”. Cuốn sách này là của một đối tác Trung Quốc gửi để khách du lịch tham khảo.
Cả 3 vụ việc trên cùng nhiều trường hợp “đường lưỡi bò” xuất hiện trước đó trong các sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm văn hóa tại Việt Nam thời gian qua cho thấy sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Một điều rất đáng lo ngại là, dù nắm rất rõ quy trình kiểm tra hàng hóa, sản phẩm trước khi cho lưu hành nhưng các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đều thừa nhận sai sót khi không làm hết trách nhiệm để lọt “đường lưỡi bò” rất đáng tiếc.
Sau các vụ việc đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng đã tiêu hủy, đề nghị tiêu hủy những sản phẩm có “đường lưỡi bò”, chấm dứt hợp tác với các đối tác cung cấp ấn phẩm, thậm chí kỷ luật cả những cá nhân có liên quan… Tổng cục Du lịch, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các sản phẩm có hình ảnh “đường lưỡi bò”.
Đến thủ đoạn tinh vi từ Trung Quốc
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, trong thời gian qua, Trung Quốc đã ra sức đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm có hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện công khai trên thế giới như một cách quảng bá về yêu sách chủ quyền đầy phí lý của nước này với tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với PV VOV, PGS. TS. Vũ Thanh Ca, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thuộc Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chỉ ra rằng, đây là một bẫy pháp lý rất tinh vi của Trung Quốc nằm trong chiến lược tìm mọi cách lồng ghép “đường lưỡi bò” vào các ấn phẩm tuyên truyền nhằm mục đích thay đổi nhận thức của người dân thế giới về chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.
“Bằng cách lồng ghép những tài liệu, ấn phẩm có chứa “đường lưỡi bò”, dù có thời gian xuất hiện rất ngắn như trong bộ phim "Everest- Người tuyết bé nhỏ", chỉ có 4 giây thôi nhưng nếu ta sơ suất bỏ qua thì ta đã mắc bẫy pháp lý của Trung Quốc, nghĩa là hội đồng duyệt phim của chúng ta đã thông qua nội dung này, gián tiếp công nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc”.
PGS. TS. Vũ Thanh Ca lưu ý đồng thời nhấn mạnh, khi ta nhận các tài liệu tuyên truyền hoặc các ấn phẩm từ Trung Quốc thì phải cực kỳ cảnh giác, chú ý đến từng chi tiết một, để không lọt những thủ đoạn tuyên truyền tinh vi của Trung Quốc.
Để không lặp lại những sai lầm rất đáng tiếc, không xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, không có cách nào khác, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường “tai mắt”, trách nhiệm, kiểm soát tốt hơn tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc; có những quy định rõ ràng và xử lý nghiêm những sai phạm xảy ra. Bên cạnh đó, trách nhiệm của cơ quan truyền thông là nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý Nhà nước cũng như của người dân về những thủ đoạn của Trung Quốc, thậm chí tuyên truyền qua mạng xã hội để người dân và cơ quan quản lý Nhà nước hiểu về những âm mưu, hành động tinh vi của Trung Quốc./.
PV/VOV.VN