Theo chương trình nghị sự của Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành từ ngày 6 - 8/11/2019 và sẽ được phát thành, truyền hình trực tiếp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội chọn chất vấn đối với các Bộ trưởng: Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin - Truyền thông.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), cho biết, thời gian qua, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm, tại các kỳ họp trước, mặc dù đã được chất vấn và các Bộ trưởng đã trả lời và hứa thực hiện. Nhưng đến nay, lời hứa của một số tư lệnh ngành vẫn chưa thực hiện thành công.
“Tại kỳ họp trước, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tham gia trả lời chất vấn, giải trình và có những giải pháp về vấn đề giải quyết tin nhắn rác, ảnh hưởng của mạng xã hội, đưa những thông tin làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, cán bộ công chức hoặc lừa đảo người dân làm ảnh hưởng đến kinh tế, niềm tin của người dân. Tuy nhiên, đến nay tin nhắn rác ngày càng nhiều, tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi, nhiều vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội ảnh hưởng, thậm chí kích động người dân nổi loạn, gây bạo loạn từ mạng xã hội. Làm thế nào để xử lý những vấn đề này?” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cũng cho biết, sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) liên quan đến vấn đề quản lý mạng xã hội hiện nay; Trách nhiệm của các cơ quan báo chí, trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý những thông tin đăng tải trên các mạng xã hội gây ảnh hưởng như thế nào đến đời sống kinh tế xã hội, cũng như là chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, đại biểu TP Hải Phòng cũng dự kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh liên quan đến quản lý các mô hình kinh tế số như thương mại điện tử.
“Bộ Công thương có rất nhiều nội dung liên quan đến quản lý thị trường các xu thế mới trong phát triển thương mại điện tử; Cách quản lý thị trường thương mại điện tử trong bối cảnh chúng ta hội nhập và tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại tự do như hiện nay cũng được nhiều cử tri cũng như đại biểu Quốc hội quan tâm” - ông Tùng nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, 4 lĩnh vực Quốc hội đã lựa chọn để chất vấn các Bộ trưởng tại kỳ họp này là những vấn đề rất “trúng”, được cử tri rất quan tâm và mong muốn cơ quan Nhà nước giải trình, làm rõ.
Đặc biệt, về những vấn đề kinh tế, đại biểu cho rằng, thời gian qua, kinh tế của nước ta đang có những hiệu ứng tốt với thị trường thế giới. Tuy nhiên, những ngành như nông nghiệp, công nghiệp hiện đang đối mặt với những khó khăn, thách thức khi xâm nhập thị trường thế giới, đồng thời ngăn chặn hàng nước ngoài "đội lốt" hàng Việt xâm lấn vào thị trường trong nước và nước ngoài. Do đó, đề nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải giải trình cụ thể cũng như nêu rõ trách nhiệm của ngành.
Cũng như kỳ họp trước, tại kỳ họp này, hình thức chất vấn vẫn sẽ là “hỏi nhanh – đáp gọn”. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), đây là hình thức đổi mới của Quốc hội trong các kỳ họp gần đây.
“Các đại biểu hỏi 1 phút ngắn gọn, nội dung tập trung, nhiều đại biểu, nhiều ý kiến được nêu lên. Đồng thời, đáp 3 phút sẽ hạn chế cách giải trình dài dòng và không đi vào trọng tâm, đúng yêu cầu của đại biểu nêu ra”- đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết./.
Theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời trước Quốc hội để làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sau khi 4 Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông kết thúc phần trả lời chất vấn.
Vân Anh-Thy Hạt/VOV.VN