Ngày 1/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Đề án tổng thế phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Các đại biểu đánh giá, khi triển khai đề án này sẽ góp phần tránh được tình trạng chồng chéo việc ban hành các chính sách làm phân tán hiệu quả đầu tư nguồn lực của Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các đại biểu Nguyễn Phước Lộc, đoàn thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Bắc Việt, đoàn Ninh Thuận; Cao Thị Giang, đoàn Quảng Bình; Đàm Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận... và nhiều đại cho rằng: hiện có 118 chính sách của Đảng, Nhà nước đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội, đặc biệt chính sách tín dụng cho hộ nghèo thực sự là bà đỡ có hiệu quả.
Vì vậy, đời sống kinh tế xã hội, diện mạo buôn làng không ngừng vươn lên, tạo động lực, niềm tin mới cho đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm tới 25% tổng số hộ nghèo của cả nước, còn 222 nghìn hộ thiếu đất sản xuất, gần 81 nghìn hộ thiếu đất ở, hơn 370 nghìn hộ chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Nêu rõ thực trạng "bội thực" chính sách dẫn đến chồng chéo, phân tán, đại biểu Đinh Duy Vượt, đoàn Gia Lai cho rằng: “Đề án đã nêu rõ nguyên nhân, tồn tại nhưng có thể khái quát tình trạng bội thực chính sách dẫn đến chồng chéo phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác; lại có chính sách “quan cần nhưng dân chưa vội”; lại có chính sách “quan có vội, quan lội quan sang”. Tình trạng mất rừng, thiếu đất, sa mạc hóa đã và đang thu hẹp không gian sống, không gian văn hóa ngay trên nơi chôn nhau cắt rốn ngàn đời. Đây là vấn đề lớn, cận kề nghiêm trọng phải kịp thời giải quyết”.
Các đại biểu đề nghị đề án phải hướng đến mục tiêu chính là phải tích hợp các nội dung chính sách, thu gọn đầu mối quản lý. Theo đó, cần phải có giải pháp tổng thể, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập của đồng bào so với cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp đề nghị làm rõ cơ chế tích hợp hay cộng dồn cơ học những chính sách hiện hành mà chưa đánh giá những yếu tố nội dung phù hợp đang phát huy hiệu quả của những chính sách để tiếp tục duy trì.
“Đề nghị cần quan tâm làm rõ thêm việc có thêm chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng chưa rõ được mối quan hệ cũng như phân biệt phạm vi, đối tượng so với 2 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đang thực hiện là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”- Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị.
Đồng tình với 11 chính sách với 8 dự án thành phần của Đề án, đại biểu Y- Khút-Niê, đoàn Đắc Lắk đề nghị cần nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nội dung chính sách nào thực hiện trước và nội dung nào thực hiện sau và thực hiện cả chu kỳ của dự án nhằm đem lại hiệu quả cao nhất khi đề án đi vào hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về kinh phí thực hiện đề án, đại biểu Y Khút-Niê cho rằng, giải pháp huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội, trong đó sự vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách nhà nước là quyết định.
Đại biểu Y Khút-Niê đề nghị việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cần phải tập trung 1 đầu mối để điều chỉnh thống nhất từ trung ương đến địa phương, tránh mỗi bộ ngành 1 đầu mối. Mỗi lĩnh vực phân tán, mạnh ai lấy làm, để rồi giảm suy yếu hiệu quả của đề án, về sử dụng nguồn vốn, làm khó khăn cho việc thực hiện đánh giá đề án. Đối với nguồn lực ngân sách nhà nước, theo tôi từ trung ương đến địa phương nên phân bổ theo tỷ lệ phần trăm thích hợp hoặc theo số tuyệt đối đã được phân kỳ đầu tư hàng năm của dự án vào hạng mục ngân sách hàng năm để cơ quan thực hiện đề án chủ động tổ chức triển khai thực hiện đề án 1 cách thuận lợi nhất.
Theo tờ trình của Chính phủ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước./.
PV/VOV.VN