Chung sức, đồng lòng vì Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại

65 năm ngày giải phóng Thủ đô, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải có bài "Chung sức đồng lòng vì Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại".

 

Cách đây tròn 65 năm, ngày 10/10/1954, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cửa ô Hà Nội ngập tràn niềm vui chiến thắng đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. Kể từ đó đến nay, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã luôn phát huy truyền thống anh hùng, hăng hái thi đua, chung sức đồng lòng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, hội nhập mạnh mẽ trong công cuộc toàn cầu hóa; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và nhân dân cả nước, góp phần tô thắm những trang sử vàng của Thăng Long - Hà Nội.

1. Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội tự cổ xưa là vùng đất địa linh nhân kiệt, thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, tụ khí hồn thiêng sông núi. Vì thế, lịch sử Hà Nội luôn gắn liền với lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong mạch nguồn ấy, ngày 10/10/1954 là một dấu mốc đặc biệt, tiếp nối từ thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tại Điện Biên Phủ, thắng lợi tại Hội nghị Geneve… để mở ra một thời kỳ phát triển mới cho thủ đô của nước Việt Nam độc lập, tự do.

Nhớ lại những thời khắc thiêng liêng cách đây 65 năm của ngày 10/10 lịch sử, từ 5h sáng, nhân dân Thủ đô đã quần áo chỉnh tề, mang cờ hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự, kéo tới những con đường, cửa ô hân hoan chờ đón đoàn quân giải phóng sẽ đi qua. Đến 15h cùng ngày, còi trên nóc Nhà hát Lớn nổi lên hồi dài báo hiệu việc tiếp quản đã hoàn thành. Cùng lúc đó, hàng trăm nghìn người đã đổ về sân vận động Cột Cờ dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Tại đây, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trang trọng đọc Lời kêu gọi nhân Ngày Thủ đô giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó Người căn dặn: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Kể từ ngày “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cùng đất nước vượt qua nhiều chặng đường cam go thử thách, vun đắp truyền thống Thăng Long – Hà Nội thêm tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày mới tiếp quản, Hà Nội có 43,7 vạn dân cư trú tại 34 khu phố và 45 xã của 4 quận và 4 huyện; bộ máy chính quyền còn rất sơ khai. Hầu hết hạ tầng công nghiệp và tài sản công bị địch phá hoại trước khi rút đi. Nhưng chỉ sau 10 năm kể từ ngày giải phóng (1954-1965), với tinh thần tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đã đồng lòng vượt qua khó khăn, khắc phục tàn tích từ chế độ cũ, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, xã hội; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Hàng loạt nhà máy, khu tập thể, công trình thủy lợi, nông trường, trại chăn nuôi được xây dựng. Mạng lưới giao thông được mở mang phát triển. Đời sống gần 2 vạn hộ dân nghèo đã được cải thiện, với gần 1 vạn gian nhà được sửa chữa. Đến năm 1965, Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương vững chắc để cả nước bước vào giai đoạn cao điểm của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Trong 10 năm tiếp theo (1965-1975), Hà Nội vừa tích cực sản xuất, xây dựng Thủ đô, vừa hết lòng chi viện cho miền Nam ruột thịt; đồng thời trực tiếp chiến đấu và đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Cùng với các phong trào thi đua “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Chiếc gậy Trường Sơn”…, gần 100.000 người con Hà Nội đã cùng thế hệ trẻ cả nước hăng hái cầm súng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh kiên cường của Thủ đô thêm chói sáng trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ làm nên chiến thắng được thế giới khâm phục ngợi ca Hà Nội là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện để tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Truyền thống đoàn kết và ý chí vượt qua khó khăn hun đúc từ cuộc kháng chiến chống Mỹ tiếp tục được nhân lên trong giai đoạn 1975-1985, khi Hà Nội cùng cả nước bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Từ năm 1986 đến nay, Hà Nội gương mẫu đi đầu cùng đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thành tựu đạt được qua hơn 30 năm đổi mới khẳng định mạnh mẽ sức vươn của Thủ đô anh hùng, nhất là dấu ấn trong thực hiện quyết định lịch sử của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính thành phố lên gấp hơn 3 lần kể từ ngày 1/8/2008.

Đảng bộ Hà Nội đã không ngừng đổi mới tư duy và hành động, tập trung khai thác các nguồn lực phát triển, đưa kinh tế Thủ đô vượt qua suy thoái, phát trển mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu với mức tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn mức bình quân của cả nước. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 7,19% (theo cách tính mới); 9 tháng năm 2019 tăng 7,35%. Đặc biệt, nhờ không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chỉ trong 3 năm (2016-2018) thành phố đã thu hút được 14,05 tỷ USD, bằng 2,25 lần tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký giai đoạn 2011-2015 và 51,54% của giai đoạn 1986-2015. Từ năm 2018, Hà Nội đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (với hơn 7,5 tỷ USD năm 2018 và 6,23 tỷ USD trong 9 tháng 2019). Thành phố luôn quan tâm phát triển hài hòa, không để mất cân đối giữa các vùng, các khu vực; nhất là khu vực nông thôn. Nhờ vậy Hà Nội hiện là địa phương đi đầu cả nước về công tác xây dựng nông thôn mới, với 6 huyện và 325/386 xã (chiếm 84,2% tổng số xã) đã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.

Sức mạnh của hệ thống chính trị, năng lực quản trị của bộ máy hành chính không ngừng được nâng cao theo hướng hiệu lực, hiệu quả với những ghi nhận chuyển biến các “thước đo”: Toàn bộ các quận, huyện, xã phường được kết nối mạng WAN và 55% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, mức độ 4; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tiếp, hiện xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố…

Để khai thác hiệu quả các nguồn lực, cũng như định hướng phát triển bền vững, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011), Thành phố đã khẩn trương triển khai công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành và hiện đạt 86% về diện tích. Công tác quản lý quy hoạch được tăng cường cùng sự ra đời của những công trình giao thông lớn, các tuyến phố kiểu mẫu đã góp phần hình thành những tầm vóc mới cho đô thị Hà Nội. Trật tự xây dựng, trật tự đô thị không ngừng được tăng cường cùng những chuyển biến rõ nét trong công tác vệ sinh môi trường, cải thiện chất lượng hồ nước, trồng thêm 1 triệu cây xanh… càng làm cho thành phố thêm xanh, thêm sạch, thêm đẹp.

Văn hóa – xã hội của thành phố không ngừng phát triển cả quy mô và chất lượng, trong đó nhiều chỉ tiêu phát triển trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa dẫn đầu cả nước. Văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác hội tụ ngày càng sâu sắc, bồi đắp thêm cho nhau, kết tinh và lan tỏa tạo thành bản sắc văn hóa chung của Hà Nội, mở rộng dài nhịp cầu giao lưu văn hóa với cả nước và bạn bè quốc tế. Việc triển khai đồng bộ 2 quy tắc ứng xử trong cơ quan đơn vị và nơi công cộng cùng các phong trào, cuộc vận động về phát triển văn hóa vừa phát huy những giá trị truyền thống, vừa thiết thúc đẩy xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thành phố đặc biệt chú trọng công tác giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân; nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo. Hiện nay, thành phố không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,16%; 100% người có công với cách mạng và người nghèo đã được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở. Thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 5.050 USD, 100% gia đình người có công với cách mạng đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình trên địa bàn. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Hà Nội tăng qua các năm, đạt mức trung bình cao của thế giới là 0,831.

Công tác xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên được quan tâm, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, phục vụ quan trọng việc phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố cũng như bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện của đất nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia. Đi đôi với tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan trung ương, thành phố chủ động gắn kết hợp tác với các địa phương trong cả nước từng bước trở thành một động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Thành phố hiện có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước. Thủ đô Hà Nội không chỉ vinh dự được Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” (năm 1999) mà còn là điểm đến an toàn, bình yên và thân thiện, được bạn bè trong nước, quốc tế yêu mến. Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) đã đề cử Hà Nội là 1/17 thành phố bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới năm 2018”.

Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, chúng ta vui mừng khi thấy thế và lực của Thủ đô không ngừng phát triển. Từ một quy mô diện tích và dân số nhỏ bé (152,2 km2 với 43,7 vạn người), Hà Nội hôm nay mang tầm vóc của một đô thị lớn với diện tích 3.358,9km2, dân số trên 8 triệu người, chiếm 1% diện tích và hơn 8% dân số cả nước; đóng góp 16,6% GDP và 17,2% về thu ngân sách nhà nước của cả nước. Đảng bộ Hà Nội ngày càng lớn mạnh với hơn 44 vạn đảng viên, gần bằng 1/10 tổng số đảng viên toàn Đảng. Với những danh hiệu cao quý: “Thủ đô anh hùng”; “Thành phố Vì hòa bình”; 3 lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tự hào cùng cả nước đã xây dựng và phát triển Thủ từng bước xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước, là hình ảnh thân yêu trong lòng mỗi người dân và bạn bè quốc tế.

2. Mỗi thành quả to lớn của Hà Nội trong 65 năm qua là hình ảnh sống động của sự “đồng tâm nhất trí góp sức” của Trung ương và các địa phương trong cả nước dành cho Hà Nội để Thủ đô ngày càng “yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” như lời Bác Hồ kính yêu căn dặn. Đáp lại, lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ Thủ đô đã nỗ lực không ngừng cống hiến, hy sinh trong chiến đấu, lao động, sản xuất, học tập. Bằng những nỗ lực ấy, Hà Nội là địa phương đi đầu với nhiều sáng tạo trong triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước, được Trung ương đánh giá cao. Thực tiễn hoạt động phong phú, sinh động cùng kinh nghiệm quý của thành phố là cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà nước đúc kết, nhân rộng nhiều chủ trương lớn ra phạm vi toàn quốc.

Gần một nhiệm kỳ qua, những kinh nghiệm và bài học thành công của Hà Nội tiếp tục cho thấy, ngoài đường lối đúng đắn của Trung ương, tầm quan trọng hàng đầu là phải chủ động đổi mới sáng tạo, dự báo tình hình và làm chủ tình hình từ cấp cơ sở đến thành phố. Quá trình thực hiện 8 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, trong đó coi trọng yêu cầu phát triển bền vững; đặc biệt coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với thực hiện tốt bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; tạo bước chuyển mới trong công tác xây dựng văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Với trách nhiệm là Đảng bộ lớn nhất cả nước, Đảng bộ Hà Nội thường xuyên chú trọng công tác xây dựng đảng trong sạch vững mạnh với những cách làm sáng tạo, sát thực tế thành phố như ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Những kinh nghiệm quý trong sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng quy trình công tác… là cơ sở quan trọng để Thành phố tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của hệ thống chính trị trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thành quả đạt được trong 65 năm qua là rất vĩ đại, nhưng thách thức trên chặng đường phát triển của thành phố cũng hết sức to lớn và nhiều mặt, đòi hỏi phải nỗ lực vượt bậc trong giai đoạn tới. Trong đó, điều đáng quan tâm hàng đầu là kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác tốt, trong khi nguồn vốn dành cho đầu tư của thành phố mới chỉ đáp ứng được 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư, còn lại là thách thức cần khai thông từ những nguồn vốn ngoài ngân sách. Sức lan tỏa của một "trung tâm kinh tế lớn", một "động lực kinh tế" trong Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước còn hạn chế.

Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng và trật tự đô thị, đất đai còn không ít bất cập, yếu kém. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Quá trình xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại phải đối mặt với những áp lực từ thách thức về úng ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, xử lý rác và nước thải… Khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa một số nhóm dân cư còn lớn. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định; tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm cạnh Hồ Gươm. (Ảnh: Bình Minh)

Sự nghiệp phát triển văn hóa – xã hội của Thủ đô tuy là điểm sáng về nhiều mặt của cả nước, nhưng chưa thật sự phát huy tốt những nguồn lực và vai trò của một trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế của đất nước. Kết quả xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến, nhất là trong nếp sống và các biểu hiện ứng xử với con người và thiên nhiên.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chưa đồng bộ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở cơ sở chậm đổi mới, kết quả công tác vận động quần chúng có nơi còn hạn chế. Cải cách hành chính tuy có nhiều chuyển biến, song còn chậm, nhất là ở cơ sở, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tình trạng suy thoái, nhũng nhiễu, quan liêu, lãng phí còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, vừa cản trở sự phát triển chung, vừa gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương đối với phát triển các lĩnh vực của Thủ đô, sự liên kết hợp tác của Hà Nội với các địa phương có lúc còn chưa kịp thời, hiệu quả, và chưa tương xứng với tiềm lực, khả năng có thể.

Đây chính là những thách thức to lớn trên con đường phát triển, đòi hỏi các cấp lãnh đạo thành phố phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn tới.

3. Nhìn lại 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vinh dự và tự hào khi luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cùng tình cảm, mong đợi tin yêu của Trung ương và cả nước. Hà Nội nhiều lần được Bác Hồ kính yêu gửi gắm niềm hy vọng nêu gương đi đầu trong phát triển mọi mặt. Gần đây nhất, trong phát biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Đảng bộ và nhân dân Hà Nội phải làm sao tranh thủ được thời cơ, vượt qua thử thách, chung sức, đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện xuất sắc lời căn dặn của Bác Hồ, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là thời điểm thành phố Hà Nội đang cùng cả nước đứng trước những thời cơ phát triển thuận lợi, to lớn. Năm 2019 là năm tăng tốc về đích trong thực hiện các nhiệm vụ cả giai đoạn 2015-2020 và nghị quyết đại hội đảng các cấp. Thành phố tiếp tục tham mưu cho Trung ương và triển khai thực hiện tốt Kết luận số 22-KL/TW ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011- 2020”. Thời gian còn lại của năm 2019 cũng cần chủ động chuẩn bị để triển khai hiệu quả kế hoạch năm 2020, một năm có rất nhiều sự kiện quan trọng như: 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 90 năm thành lập Đảng bộ Hà Nội (1930-2020); 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020); 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020); kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội. Năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và cùng cả nước tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trước những nhiệm vụ mới và để thực hiện xuất sắc lời căn dặn của Bác Hồ, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Đảng bộ thành phố quyết tâm phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, kiên cường vượt khó khăn để thực hiện tốt hơn những mục tiêu chiến lược trong phát triển.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, từ đó giữ ổn định, bền vững đà tăng trưởng kinh tế cao. Trước mắt là tập trung thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019 và năm 2020, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm (2016-2020) Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và 8 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVI đã đề ra.

Hồ Gươm, tháp rùa là địa danh mà ai đi xa thủ đô cũng cũng luôn nhớ về (Ảnh: Bình Minh)

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với các vùng chuyên canh, bảo đảm an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngoại thành.

Trên cơ sở quy hoạch, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển đô thị, cũng như giải quyết các vấn đề của phát triển đô thị như kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội… Quản lý hiệu quả hơn trật tự xây dựng và trật tự đô thị, công tác thu gom, xử lý rác, bảo đảm chất lượng nước sông, hồ, giảm úng ngập, ùn tắc giao thông. Sớm đầu tư để phục vụ các mục tiêu phát triển bề rộng cũng như chuyên sâu về công nghệ thông tin, đưa Hà Nội vươn lên đi đầu trong thực hiện “thành phố thông minh” cũng như “thành phố sáng tạo”.

Phát triển đồng bộ sự nghiệp văn hóa – xã hội; giải quyết tốt an sinh xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của Thủ đô và kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội gắn với việc khơi dậy niềm tự hào, đẩy mạnh thực hiện văn hóa công sở và ở nơi công cộng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; phòng, chống tham nhũng. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong phát huy sức mạnh đoàn viên, hội viên tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Chủ động triển khai thí điểm thực hiện quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.

Đại lộ mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam là cửa ngõ dẫn du khách nước ngoài đến với Hà Nội qua cảng hàng không Nội Bài. (Ảnh: Bình Minh)

Chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35/CT-TƯ ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Kế hoạch số 155-KH/TU ngày 8/7/2019 của Thành ủy Hà Nội về “Tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội”.

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại thông qua nhịp cầu giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các thủ đô, thành phố của các quốc gia trên thế giới. Tăng cường liên kết, hợp tác với địa phương, doanh nghiệp trong cả nước để cùng giúp nhau phát triển.

Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não, các hoạt động của Đảng và Nhà nước, các sự kiện lớn của đất nước. Đồng thời không ngừng làm đẹp hơn nữa hình ảnh “Thành phố Vì hòa bình” bình yên, thân thiện, mến khách, là bông hoa đẹp tỏa hương sắc trong trái tim mỗi người.

Kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô là dịp mỗi người Hà Nội nói riêng, nhân dân cả nước nói chung cùng nhìn lại những giá trị của lịch sử, những công sức đóng góp của thế hệ cha anh đi trước và thêm tự hào về đất nước, về Thủ đô anh hùng. Đi trong nắng thu vàng rực rỡ, ngắm lá cờ đỏ tung bay trên quảng trường Ba Đình lịch sử, lòng mỗi người càng thêm phơi phới cùng nhịp sống sinh sôi của Thủ đô, vẻ đẹp thanh bình của “Thành phố Vì hòa bình”. Nhớ về lời căn dặn của Bác năm xưa cùng sự quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng, Chính phủ cùng niềm tin yêu của đồng bào, chiến sĩ cả nước, ta càng thấy rõ hơn lúc nào hết tinh thần hành động “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội cùng chung sức đồng lòng, tỏa sáng trí tuệ, khơi mở mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, bản lĩnh vượt qua mọi thách thức để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải

 

Bình luận

    Chưa có bình luận