Học giả Nhật Bản lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc nên rút các tàu khảo sát ra khỏi các quốc gia láng giềng, bắt đầu từ Việt Nam và tăng cường đối thoại để giải quyết tranh chấp.

 

Giáo sư Ito Go, chuyên gia về chính trị quốc tế thuộc Đại học Meiji, Nhật Bản có bài viết với tiêu đề: Trung Quốc và chiêu bài “Giận cá chém thớt” trên chuyên trang sakai-journal.co.jp. Bài viết lên án việc Trung Quốc điều tàu nghiên cứu hải dương xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

VOV.VN xin trân trọng chia sẻ lại những ý kiến của một chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế về hành động phi pháp của Trung Quốc tới quí vị độc giả:

Đã 3 năm kể từ khi Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ra phán quyết rằng “đường chín đoạn” do Trung Quốc đề xướng không có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục điều tàu khảo sát hải dương tới khu vực bãi Tư Chính (của Việt Nam) và tiến hành các hoạt động thăm dò thực địa. Ngoài ra, nước này còn cử hai tàu Hải Cảnh và nhiều tàu dân binh có vũ trang tới khu vực này để gây áp lực.

Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (do Trung tâm nghiên cứu chiến lược của Mỹ sáng lập) cũng thường xuyên tiến hành giám sát hoạt động của các tàu lạ trong khu vực Biển Đông. Do vậy, trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay, các hành vi này của Trung Quốc lập tức bị nhận diện và được thông tin trên toàn thế giới. Trung Quốc đương nhiên nhận thức được vấn đề này.

Thủ đoạn điều tàu thăm dò tới khảo sát phớt lờ chủ quyền của nước khác đối với vùng đặc quyền kinh tế (EZZ) được Trung Quốc sử dụng không chỉ trong phạm vi đối với Việt Nam mà còn cả Nhật Bản (từ cách đây hơn 20 năm).

Giáo sư Ito Go, chuyên gia về chính trị quốc tế thuộc Đại học Meiji, Nhật Bản.

Vấn đề tàu khảo sát của Trung Quốc thường xuyên gây ra căng thẳng với các nước khác trong khu vực, tuy nhiên Bắc Kinh kiềm chế không để xảy ra cọ sát với Nga. Trong một hoàn cảnh tương tự, Lực lượng bảo vệ bờ biển của Nga sẵn sàng nổ súng nếu phát hiện tàu Nhật Bản hoạt động tại khu vực vùng Lãnh thổ Phương Bắc (quần đảo Nam Kuril trong tiếng Nga).

Đối với sự việc lần này, Việt Nam khẳng định khu vực bãi Tư Chính nằm trong vùng EEZ, thềm lục địa của mình. Trung Quốc trong khi yêu cầu lấy căn cứ xác định EEZ dựa vào thềm lục địa trong tranh chấp với Nhật Bản nhưng lại yêu sách sử dụng căn cứ đường trung gian trong tranh chấp với Việt Nam.

Tuy nhiên, dù có dựa trên căn cứ nào trên bản đồ thì bãi Tư Chính cũng gần Việt Nam hơn. Như vậy, hoạt động thăm dò dài ngày của tàu Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Theo công ước quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS), khu vực này hoàn toàn thuộc EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.

Bãi Tư Chính cách bờ biển Trung Quốc hơn 600 hải lý, nằm ngoài EEZ và thềm lục địa của nước này. Do vậy, khu vực này không thuộc chủ quyền Trung Quốc theo lập luận không được quốc tế công nhận về đường 9 đoạn.

Năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế PCA đã ra phán quyết: Lập luận “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có căn cứ pháp lý; những thực thể thuộc khu vực đảo Trường Sa nếu không đáp ứng điều kiện gọi là “Đảo” thì không thể lấy làm căn cứ để xác định EEZ và thềm lục địa. Như vậy, Bắc Kinh không chỉ phớt lờ phán quyết của PCA mà còn đặt ra nghi vấn về ý thức tuân thủ luật pháp quốc tế của nước này?

Ở đây có 3 vấn đề

Thứ nhất: Phải chăng Trung Quốc đang “giận cá chém thớt”. Một cường quốc như Trung Quốc, do không bằng lòng với phán quyết của PCA nên tiến hành các hoạt động mang tính trực tiếp, không màng đến đúng - sai trên phương diện luật pháp quốc tế.

Việc tàu khảo sát đi vào EEZ của nước khác sẽ không bị coi là xâm phạm EEZ khi hành động đó được xác định với ý nghĩa “không đánh bắt cá, không khai thác tài nguyên”. Tuy nhiên, sẽ bị coi là xâm phạm EEZ khi bị đặt câu hỏi là “tại sao lại tiến hành các hoạt động thăm dò”.

Do ranh giới xác định việc vi phạm và không vi phạm khá mong manh, nên Trung Quốc đã lặp lại động thái tương tự đối với nhiều quốc gia trong khu vực chứ không chỉ riêng Việt Nam. Cách cư xử mang tính bá quyền, áp đặt chính sách của mình và không quan tâm tới ý kiến của nước khác mâu thuẫn với chính sách ngoại giao do chính Trung Quốc đề ra.

Thứ hai : Sự việc lần này cho thấy nếu không ngăn chặn, các hoạt động như vậy sẽ có xu hướng tiếp diễn. Việc sử dụng vũ lực, xâm phạm lãnh thổ của nước khác sẽ ngày một nhiều hơn. Tàu thăm dò của Trung Quốc lần này đã xâm hại chủ quyền của nước khác.

Nhìn chung, Trung Quốc đang triển khai chính sách ngoại giao cổ điển, sử dụng vũ lực đe dọa và không để ý tới sự phản đối của của nước khác. Chính phủ Trung Quốc đề ra nguyên tắc “vùng biển hòa bình” bao gồm: (i) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; ( ii ) không xâm phạm lẫn nhau ; ( iii ) không can thiệp vào công việc nội bộ; (iv) bình đẳng và cùng có lợi; (v) chung sống hòa bình, để giải quyết vấn đề Biển Đông, tuy nhiên nói lại không đi đôi với làm, coi đây là khu vực để triển khai chủ trương “lợi ích cốt lõi”.

Thứ ba: Để thực hiện thứ gọi là “lợi ích cốt lõi”, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, không tuân thủ 5 nguyên tắc hòa bình tự mình đặt ra. Tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ cũng như Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện đã bày tỏ quan ngại về sự can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam.

Vào tháng 8, Hội nghị ngoại trưởng Nhật - Mỹ - Australia cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với “những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu và khí ga có từ lâu đời” cũng như “các hành động tiêu cực ở Biển Đông bao gồm việc triển khai hệ thống vũ khí tiên tiến ở những thực thể đang tranh chấp ”.

Tàu Hải dương 8 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Schottel

Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Thái Lan , các hành động đưa tàu khảo sát của Trung Quốc tiếp tục được nhắc đến như một hành động đang làm tổn hại đến mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau giữa các bên.

Những hành động ngang ngược, cho rằng “luật pháp quốc tế là do chính mình để ra” của Trung Quốc có thể nói là cử chỉ bá quyền. Trên phương diện ngoại giao thì Trung Quốc lúc nào cũng “tiến hai bước, lùi một bước”, thậm chí “tiến ba bước, lùi hai bước”.

Tuy nhiên, đây là cộng đồng quốc tế thoái lui để cho “lợi ích cốt lõi” của nước này tiến lên. Trên phương diện là cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới, việc mở rộng hợp tác với các quốc gia láng giềng chính là cống hiến cho hòa bình, ổn định và tự do, an toàn hàng hải của khu vực.

Trước tiên, Trung Quốc nên rút các tàu khảo sát ra khỏi các quốc gia láng giềng, bắt đầu từ Việt Nam, sau đó tiếp tục thúc đẩy các cơ chế đối thoại. Tăng cường đối thoại để giải quyết tranh chấp và không sử dụng chiến lược “giận cá chém thớt”.

Đây không phải là “trách nhiệm của một nước lớn” hay sao? Tuy nhiên, phải chăng là nếu không thực hiện được chiến lược “giận cá chém thớt” thì Trung Quốc không thực hiện được “lợi ích cốt lõi”? Việc tiến lên như vậy làm cho Trung Quốc đang không thể làm bạn với các nước láng giềng. Dù có cung cấp tiền cũng không được biết ơn và chỉ là mối quan hệ quốc tế cướp bóc một cách tàn bạo.

Để tránh nền “thương mại triều cống” trước đây, các quốc gia ngăn cách nhau bởi vấn đề chủ quyền biển bao gồm cả Nhật Bản, cần phải ứng xử với nhau thật thận trọng. Trong quan hệ quốc tế hiện nay, không nói tới những đường biên giới đã xác định ở trên đất liền, cuộc cạnh tranh tại các đường biên giới không xác định như trên biển, trên không hay trong vũ trụ đang diễn ra hết sức khốc liệt./.

Việt Dũng/VOV-Tokyo

 

Bình luận

    Chưa có bình luận