Thủ tướng Lào thăm Việt Nam: 2 điểm sáng trong quan hệ đặc biệt

Đầu tư và thương mại là 2 điểm sáng trong mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào. Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ 3 vào Lào với tổng số vốn 4,1 tỷ USD.

 

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thăm chính thức nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 1-3/10.

Dự kiến, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith sẽ có cuộc Hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Hai Thủ tướng cũng sẽ cùng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Lào.

Hiệu quả từ những dự án trọng điểm

Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào thường được nhắc đến với sự gắn bó khăng khít, thủy chung trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử của mỗi quốc gia. Mối quan hệ này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong, Chủ tịch Kaysone Phomvihane cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Trong những năm gần đây, ngoài những thành tựu về hợp tác chính trị, an ninh, quốc phòng, xã hội, giáo dục và đào tạo..., quan hệ Việt Nam-Lào còn chứng kiến những bước tiến lớn về đầu tư và thương mại. Trong đó có những dự án rất đáng chú ý như Thủy điện Xekaman 1, khách sạn Mường Thanh Vientiane và các dự án của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tại Lào.

Trong đó, Dự án thủy điện Xekama 1 có công suất lắp máy 322 MW, điện lượng bình quân hàng năm trên 1,2 tỷ kW/h, với tổng mức đầu tư là 441 triệu USD. Dự án gồm 2 bậc: bậc trên là công trình Xekama 1 (290MW) và bậc dưới là công trình thủy điện Xekama 1 - Sanxay (32MW). Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, sau 25 năm vận hành khai thác kể từ khi hoàn thành vào cuối năm 2014, Tập đoàn Sông Đà sẽ bàn giao Xekama 1 cho Chính phủ Lào.

Sau 13 năm triển khai đầu tư tại Lào, thương hiệu Unitel của Tập đoàn Viettel đã trở thành thương hiệu số 1 của nước này trong lĩnh vực viễn thông với hơn 3 triệu khách hàng, chiếm 54% thị phần viễn thông và doanh thu lũy kế đạt hơn 1,35 tỷ USD. Ngoài Viettel, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư hàng loạt dự án trồng cao su, cọ dầu ở Lào. Tập đoàn này cũng đã đưa sân bay ở Attapeu vào hoạt động, góp phần mang về doanh thu hơn 2.300 tỷ đồng chỉ riêng tại thị trường Lào.

Thành công từ những dự án của Việt Nam đầu tư sang Lào còn được thể hiện qua nhiều con số tích cực. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luồng vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đã liên tục tăng trong thời gian qua, cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký.

Tính đến hết năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Lào 409 dự án, với tổng vốn đăng ký 4,1 tỷ USD. Hiện Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 3 vào Lào, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan.

Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới

Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 1 tỷ USD. Những mặt hàng chính Lào xuất khẩu sang Việt Nam là nước uống, các sản phẩm gỗ và khoáng sản, các sản phẩm nông nghiệp như cao su, cà phê, ngô, khoai mì, gạo, gia súc. Các mặt hàng Lào nhập khẩu từ Việt Nam tập trung vào các nhóm chính như dầu khí, phân bón, thép, máy móc, thiết bị điện, vật liệu xây dựng và phụ tùng.

Tuy nhiên, cả Lào và Việt Nam đều nhận thấy con số này chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai bên. Chính vì thế, trong thời gian qua, hai nước đã tích cực triển khai Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại Biên giới, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam – Lào, triển khai cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh, tổ chức xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo; ký Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam - Lào.

Xác định thúc đẩy kết nối giao thông vận tải là yếu tố then chốt để tạo đột phá cho hợp tác thương mại xuyên biên giới, Việt Nam và Lào đã tích cực thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch 5 năm (2016-2020) về chiến lược hợp tác giao thông vận tải Việt Nam – Lào.

Theo đó, hai nước đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối về giao thông vận tải trong khuôn khổ hợp tác song phương và tiểu vùng; tiếp tục phối hợp triển khai các dự án quan trọng mang tính chiến lược. Trong đó có hai dự án lớn là Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Vientiane dài khoảng 725km với tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD; tuyến đường sắt Vũng Áng- Tân Ấp - Mụ Giạ - Thakhek – Vientiane dài 554km với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD.

Thủ tướng  Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc -  Ảnh VGP/Quang Hiếu

Ngoài ra, Bộ Giao thông Việt Nam và Lào cũng đã ký bản ghi nhớ về phát triển bến cảng 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng; thống nhất đổi tên Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Việt - Lào thành Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt, ký Hiệp định hợp tác và phát triển cảng Vũng Áng (bến 1, 2, 3); thúc đẩy hoàn thành dự án xây dựng sân bay Nong Khang tại tỉnh Houaphanh theo đúng tiến độ đã cam kết vào cuối năm 2019.

Việc thúc đẩy các dự án giao thông vận tải giữa hai nước được cho là sẽ giúp Việt Nam và Lào đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng trên 10%, tức đạt hơn 1,1 tỷ USD trong năm 2019 và tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo./.

Trần Khánh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận