Thủ tướng cảnh báo 4 hậu quả lớn do giải ngân vốn đầu tư công chậm

Thủ tướng nêu rõ, từ nhiều năm qua, vốn đầu tư công đang giải ngân chậm, tác động xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội và nêu ra 4 hệ lụy.

 

Ngày 26/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành và tất cả các tỉnh, thành cả nước tại các đầu cầu trực tuyến.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của đầu tư công đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong đó có việc xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng, thay đổi bộ mặt đất nước, Thủ tướng cho biết, vốn đầu tư công chiếm 10,7% giá trị GDP, 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội (năm 2019).

Song, Thủ tướng nêu thực tế, tình trạng đầu tư công đã diễn ra từ gần chục năm qua tạo nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế, đặc biệt là năm 2019 giải ngân thấp. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó có 4 hậu quả lớn. Thứ nhất là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, bởi vốn là một trong những yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng. Thứ hai là vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, nên nếu chậm sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài, ảnh hưởng đến huy động xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin nhà đầu tư và nhà tài trợ. Thứ ba, gây lãng phí lớn khi tiền vốn nằm ở đó mà Chính phủ vẫn phải trả thêm chi phí vốn. Thứ tư là doanh nghiệp và nhà đầu tư phải gánh chịu chi phí đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu trong hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương làm rõ hơn nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.

“Các đồng chí nói mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, nhất là các đồng chí từng nói thể chế, nhưng tôi xin nói với các đồng chí rằng, cả nước nhiều địa phương, nhiều ngành người ta giải ngân rất tốt, 70-80%, nhiều địa phương cao hơn nữa. Nhưng nhiều địa phương thì chỉ đạo làm sao, sáng tạo quyết liệt làm sao mà giải ngân chỉ 10-15%. Chúng ta phải thấy trách nhiệm này trước đất nước, xã hội chứ không đổi cho nguyên nhân khách quan không thôi. Do đó phải làm rõ chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Cùng với làm rõ các nguyên nhân, điều quan trọng Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự hội nghị là đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh vốn đầu tư công, nhất là gấp rút từ nay đến cuối năm. Chính phủ sẽ cắt vốn, chuyển vốn các công trình dự án của những địa phương, bộ ngành mà không giải ngân được cho các bộ ngành khác giải ngân kịp thời hơn.

Nói về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư coi đây là “điểm mờ” của bức tranh kinh tế xã hội. Bởi theo Bộ này, trong tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng, thì từ cuối năm ngoái, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán, và đến nay đã giao tổng cộng trên 92%. Như vậy, tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao.

Song theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 9 tháng qua ước đạt trên 45% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA đều đạt thấp.

Có 7 Bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, nhưng có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó có 17 đơn vị giải ngân dưới 30%.

Về nguyên nhân, trực tiếp là vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công do trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công, nhưng do Luật mới chưa có hiệu lực nên những vướng mắc vẫn còn tồn tại. Trong đó có công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa kỹ, chưa tốt dẫn đến dự án và kế hoạch phải điều chỉnh nhiều lần. Thủ tục điều chỉnh chưa được đơn giản hóa, phải được xét duyệt qua nhiều cấp. Một số quy định sau một thời gian thực hiện bộc lộc nhiều hạn chế như: quyết định đầu tư phải trước 31/10 năm trước, tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư, cho phép giải ngân vốn 02 năm, bãi bỏ quy định Thường trực Hội đồng nhân dân được ủy quyền, ... cần được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn được xác định là chủ yếu, trong đó công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án, bao gồm cả giao kế hoạch từ trung ương cho các bộ, ngành, địa phương và giao kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể, dẫn tới các chủ đầu tư khó chủ động trong triển khai, thực hiện dự án; chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, đề xuất phương án phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên.

Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng.

Còn về nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA, do đặc thù, nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ./.

Vũ Dũng/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận