Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu (MSEAP) tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan Nurlan Nigmatulin, Chủ tịch Đuma quốc gia Liên bang Nga Vyacheslav Volodin và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Mun Hê Sang (Moon Hee Sang). Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu, tham dự hội nghị.
Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu (MSEAP) lần thứ 4 có sự tham dự của 65 Đoàn đại biểu Quốc hội/Nghị viện các nước Á - Âu và đại diện 14 tổ chức quốc tế, tổ chức liên nghị viện.
Về phía Việt Nam, phát biểu tại phiên họp toàn thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định vai trò của hợp tác đa phương trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh tình hình thế giới đang trải qua những thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Bà đánh giá cao chủ đề của hội nghị; đồng thời nêu bật chính sách chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bà cũng đã nêu một số đề xuất của Quốc hội Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề xuất các nước Á Âu cần tăng cường xây dựng lòng tin, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau; thúc đẩy hợp tác, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội/Nghị viện để tăng cường hợp tác cùng phát triển, đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người dân trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị của toàn nhân loại.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh liên kết về kinh tế trong khu vực và liên khu vực, hợp tác thương mại đa phương toàn cầu; thúc đẩy hợp tác Á - Âu trong chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quốc gia nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với những biến đổi mạnh mẽ của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng các hoạt động giao lưu văn hóa và nhân dân trong khu vực Á Âu, xây dựng một nền văn hóa đối thoại, hợp tác vì hòa bình, khoan dung và hòa hợp giữa các nước. Ủng hộ nỗ lực của các nước Á - Âu xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện Á - Âu thành một diễn đàn mạnh mẽ, hoạt động chặt chẽ và hiệu quả; mở rộng sự tham gia của nghị viện các quốc gia trong khu vực. Kết nối Nghị viện Á - Âu với các diễn đàn, tổ chức hợp tác liên nghị viện khác trên thế giới như IPU, APPF, AIPA, APA nhằm bổ sung và tăng cường hoạt động ngoại giao nghị viện trên thế giới...
Sau một ngày làm việc, hội nghị đã bế mạc. Nghị viện các nước tham dự đã thông qua tuyên bố hội nghị, khẳng định vai trò quan trọng của nghị viện các nước Á - Âu trong việc duy trì hoạt động liên kết khu vực nhằm bảo đảm quan hệ đối tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng sự bình đẳng và tính tới lợi ích chung. Việc hình thành các mối quan hệ hợp tác xây dựng giữa các nước Á - Âu có thể tạo động lực to lớn để phát triển không gian chung và thúc đẩy tăng tưởng kinh tế khu vực. Tuyên bố Hội nghị cũng nhấn mạnh củng cố hợp tác liên nghị viện để đối phó với những thách thức chung, trong đó có chủ nghĩa khủng bố; bảo đảm an ninh mạng, chống lại việc sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông và các công nghệ mới hòng làm mất ổn định an ninh, dùng internet để lan truyền tư tưởng khủng bố, cực đoan...
Nghị viện các nước cũng kêu gọi đối thoại để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, khẳng định việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và đạt được nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên sẽ góp phần củng cố hòa bình và thịnh vượng tại lục địa Á - Âu cũng như các khu vực khác; khẳng định tích cực phối hợp trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân.
Cùng ngày, bên lề hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, Việt Nam hoan nghênh Chính sách ngoại giao hướng Nam mới của Hàn Quốc chú trọng thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN với trọng tâm là Việt Nam; đánh giá cao lập trường của Hàn Quốc về vấn đề Biển Đông; cảm ơn và đề nghị Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Anh Tú/VOV-Moscow