Triển khai Hiến pháp 2013: Một số quy định còn 'nợ'

Hiến pháp quy định Đại biểu Quốc hội, HĐND bị cử tri bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm, tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn.

 

Sáng ngày 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013.

Các báo cáo đều nhấn mạnh, qua 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, TANDTC, Viện KSNDTC, Kiểm toán Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của mình triển khai thi hành Hiến pháp kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng trong từng nội dung, từng văn bản, từng việc cụ thể, vì vậy đã góp phần quan trọng đưa Hiến pháp vào cuộc sống.

Kết quả triển khai thi hành Hiến pháp đã góp phần quan trọng đến những thành tựu về nhiều mặt của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian vừa qua.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn

Chỉ ra thẳng thắn để hành động

Tính từ tháng 1/2014 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 111 luật, bộ luật, pháp lệnh, trong đó có 69 bộ luật, luật, pháp lệnh thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718, chiếm tỷ lệ 62,16% tổng số luật, bộ luật, pháp lệnh được thông qua.

Tuy nhiên, việc ban hành các luật, pháp lệnh trong danh mục triển khai thi hành Hiến pháp vẫn chưa đạt như Kế hoạch kèm theo Nghị quyết số 718 đề ra. Tính đến ngày 14/6/2019, còn 21 dự án luật, pháp lệnh trong Kế hoạch chưa được ban hành (chiếm 16,7%). Trong số các bộ luật, luật, pháp lệnh đã ban hành thì có những luật chậm ban hành so với dự kiến tiến độ đề ra 2 năm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, công tác triển khai Hiến pháp 2013 là rất tích cực với khối lượng công việc rất lớn. Tuy vậy, vẫn còn những vấn đề cần được chỉ ra thẳng thắn, rõ ràng hơn.

“Vì sao còn tới 21 dự án luật, pháp lệnh trong Kế hoạch chưa được ban hành để triển khai cụ thể hoá Hiến pháp? Theo thời hạn thì đến hết năm 2020 chúng ta có thể cụ thể hoá được không vì thực chất chỉ còn 2 kỳ họp và nếu không thì tác động thế nào? Sau 7 năm triển khai Hiến pháp mà chưa thực hiện được cũng là câu hỏi đặt ra”- ông Phùng Quốc Hiển thẳng thắn chỉ rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cung đặt vấn đề rằng, nếu tổng hợp các báo cáo giám sát thì có vấn đề gì xung đột trong hệ thống pháp luật hay không thì cũng phải trả lời. Rồi việc ban hành nghị định, quy định dưới luật đã bám sát tinh thần Hiến pháp hay chưa?

“Không phải nói vi hiến nhưng có những cái thực hiện chưa đúng tinh thần đâu. Ví dụ Hiến pháp nói tất cả khoản chi phải được dự toán do Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền quyết định nhưng nhiều khoản chi không có dự toán. Vậy có phù hợp tinh thần Hiến pháp không? Câu chuyện này cũng phải phân tích đánh giá, nhìn thẳng vào đó” –ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh rằng, phải chỉ rõ cả những cái triển khai không thành công để từ đó có hành động cụ thể thực hiện tốt hơn Hiến pháp 2013.

Còn “nợ” nhiều quy định cũng như triển khai thực hiện

Đồng tình với nhận định rằng 5 năm qua, một khối lượng công việc rất lớn được thực hiện để triển khai Hiến pháp 2013, nhất là ở góc độ lập pháp, tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội cũng thừa nhận còn “nợ” cử tri quy định để cụ thể hoá một số quyền.

Lấy ví dụ cụ thể Hiến pháp quy định “Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bị cử tri hoặc Quốc hội, HĐND bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết “vế 2”, tức việc Quốc hội, HĐND bãi nhiệm đã thực hiện tốt nhưng “bị cử tri bãi nhiệm” như thế nào thì chưa có quy định.

“Chưa có hướng dẫn, quy trình, chế tài cụ thể về việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khi người đó không hoàn thành nhiệm vụ. Đang nợ cử tri điều này dù Hiến pháp quy định rõ” –ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và cũng băn khoăn khi chưa rõ thiếu bao nhiêu đại biểu Quốc hội thì bầu bổ sung, hay thiếu luật cụ thể một số quyền khác của công dân.

Nhấn mạnh Hiến pháp là đạo luật gốc nên việc sơ kết, tổng kết kỹ sẽ giúp điều chỉnh, khắc phục những hạn chế trong triển khai thực hiện thời gian tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị nga cho biết, hiện hệ thống luật trong lĩnh vực tư pháp khá đầy đủ. Tuy vậy, trong thực tế vẫn còn những điểm khó khăn trong thi hành một số quyền con người, quyền công dân đã được luật định.

“Như quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, lúc làm luật Chính phủ đồng ý và Quốc hội đã quyết nhưng cho đến vừa qua, đại diện Bộ Công an báo cáo là không có tiền để thực hiện như bố trí các phòng, mua thiết bị máy móc” – bà Lê Thị Nga dẫn chứng và nhấn mạnh nếu không có tiền để làm thì một quy định lớn không thi hành được./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận