Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người viết vào năm 1969 khi Việt Nam đang trong giai đoạn cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 50 năm đã trôi qua nhưng đến nay, bản di chúc này vẫn còn nguyên giá trị thời đại, là sự nhắc nhở đối với mỗi người dân Việt Nam về các giá trị trường tồn của dân tộc về tinh thần đoàn kết, học hỏi, tầm nhìn đối với vận mệnh đất nước.
Đây là nhận định của Giáo sư Carl Thayer (ảnh dưới), chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học New South Wales (Australia).
Giáo sư Carl Thayer là một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua qua. Ông đã sang Việt Nam nhiều lần và từng học tiếng Việt. Trong các chủ đề nghiên cứu về Việt Nam, ông cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn bản mà ông cho rằng đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời đại và là một “di sản” đối với người dân Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn xa, “ngay từ khi viết bản di chúc, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt đã nhìn thấy được kết cục của cuộc chiến với chiến thắng thuộc về Việt Nam” và “hai niềm Nam - Bắc sẽ được thống nhất”. Sáu năm sau, lời tiên đoán này đã thành sự thực nhưng chỉ tiếc rằng khi đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi nên không được tận mắt chứng kiến thành quả này của cách mạng Việt Nam.
Một trong những yếu tố làm nên chiến thắng của cách mạng Việt Nam đó là chúng ta đã thành công khi kết nối và đoàn kết với phong trào cộng sản quốc tế. Giáo sư Carl Thayer cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đã rời Việt Nam để đến các nước phương Tây nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước phương Tây, từ chế độ thực dân và từ lực lượng chống thực dân tiến bộ”. Giáo sư Carl Thayer nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “cá nhân xuất sắc khi đã kết hợp được được kinh nghiệm quốc tế quý báu để thúc đẩy cách mạng Việt Nam”.
Cho đến ngày nay, Việt Nam vẫn đang vận dụng thành công nguyên tắc này khi tiếp tục “đưa nhiều người ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm sau đó trở về xây dựng đất nước”. Việt Nam cũng ứng xử tài tình khi “không để các vấn đề của thời cuộc đẩy mình vào tình thế khó khăn mà vẫn đảm bảo không bị loại ra bên ngoài”. Giáo sư Carl Thayer cho rằng, “Việt Nam biết cách sử dụng sức mạnh cúa các diễn biến quốc tế để phục vụ lợi ích cho mình đồng thời vẫn cảnh giác trước những vấn đề có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam”.
Không chỉ đoàn kết, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè quốc tế, trong di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và củng cố đoàn kết nội bộ. Giáo sư Carl Thayer cho rằng, “lời dặn dò” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết nội bộ “vẫn giữ nguyên giá trị thời đại trong bối cảnh “Việt Nam vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nền độc lập”.
Bên cạnh đó, giáo sư Carl Thayer cũng nhận định, đảng Cộng sản Việt Nam “muốn duy trì được vị trí của mình thì phải quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng và chống lại sự suy thoái của cán bộ”, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới việc tổ chức Đại hội Đảng, giáo sư Carl Thayer cho rằng, các vấn đề này lại càng trở nên cấp thiết.
Trong công tác chỉnh đốn đảng, giáo sư Carl Thayer cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh “với lối sống thanh đạm, không xa hoa, không tham nhũng nên được lấy làm tấm gương” cho các thế hệ sau này. Giáo sư Carl Thayer nhận định, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là thời điểm để người dân Việt Nam “nhìn lại và rút ra bài học cho tương lai”.
Giáo sư Carly Thayer khẳng định, “lối sống” và “cách” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh “kêu gọi sự đoàn kết trong nước, cách tiếp cận với công nhân, nông dân và các tầng lớp khác trong xã hội nên được dùng để truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam”.