Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao giải thưởng báo chí phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan báo chí cần phản ánh những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, cửa quyền, tham nhũng vặt.

 

Giải báo chí toàn quốc 'Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí' lần thứ 2 được trao vào tối 15/8 tại Hà Nội.

Tham dự lễ trao giải thưởng có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương.

Năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm của 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Nhiều tác phẩm có nội dung, chất lượng tốt, có tính phát hiện, thể hiện công phu. Đặc biệt, là những tác phẩm có đề tài gương điển hình trong phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, tác phẩm thể hiện được cả tính “xây” và “chống”. Ban tổ chức đã trao giải cho 35 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc (trong đó có 4 giải A, 9 giải B, 10 giải C và 12 giải khuyến khích).

Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ trước đến nay, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thực hành tiết kiệm luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí được đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn và đạt những kết quả toàn diện, dấu ấn đậm nét. Tham nhũng lãng phí được kiềm chế và theo chiều hướng thuyên giảm. Đặc biệt đã xử lý quyết liệt, nghiêm minh nhiều tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, kể cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền. Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, bất kể người vi phạm là ai.

Những kết quả này tạo bước đột phá, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Đồng thời có tác dụng phòng ngừa, răn đe rõ rệt; vừa cảnh tỉnh cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng chống tham nhũng. "Có được kết quả này phải kể đến vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan báo chí, đặc biệt là những người làm báo. Các cơ quan truyền thông báo chí đã có nhiều tin, bài phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm được nhân dân quan tâm. Đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước trong cộng đồng quốc tế", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: KT

Thủ tướng đánh giá cao các tác phẩm báo chí dự giải năm nay đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, phản ánh sinh động, phong phú thực tiễn đổi mới của đất nước, nhất là cuộc đấu tranh quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các tác phẩm thể hiện công phu, hấp dẫn, tạo sự lan tỏa cao trong xã hội. Cho rằng quan trọng và cam go nhất trong đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí là mặt trận tư tưởng và công tác chỉ đạo quyết liệt, hành động, Thủ tướng nêu rõ, đây chính là nhiệm vụ lớn đặt ra đối với cơ quan báo chí và những người làm báo.

Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao hơn, Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí, coi trọng tính khách quan, chân thực, tính chuyên nghiệp trong khai thác và sử dụng, xử lý thông tin về tham nhũng, lãng phí. Chú trọng phát hiện những sơ hở về thể chế pháp luật, cơ chế chính sách có thể tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực và lạm dụng chức quyền. Cùng với đó là chú trọng triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đặc biệt đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, của cơ quan báo chí trong việc đưa tin.

Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã tiếp thêm động lực cho những người làm báo, phản ánh thực trạng, tìm tòi những lời giải về bất cập, đồng thời hiến kế, bịt lỗ hổng trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Từ sự lãng phí trong sử dụng tài nguyên, đặc biệt là đất đai, nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) đã đi tìm lời giải cho sự lãng phí đất đai tại các Khu công nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu long. Loạt phóng sự điều tra này được phát trên sóng VOV1 của Đài TNVN và đã đoạt giải A.

Nhóm PV VOV đang trao đổi thực hiện loạt bài về thực trạng lãng phí đất đai KCN ở ĐBSCL.

Để thực hiện loạt bài, nhóm phóng viên đã đặt chân đến những mảnh đất vốn là “bờ xôi, ruộng mật” của nông dân nhưng giờ đây rất nhiều diện tích bị bỏ hoang, chăn thả trâu bỏ; tìm gặp nhiều bà con nông dân để nghe bà con trải lòng về nỗi khổ của mình. Đó là chuyện: Đất thổ cư, được cấp “sổ đỏ” nhưng không thể tách thửa xây nhà; muốn vay vốn ngân hàng để làm ăn cũng không được chấp nhận…vì nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp. Từ thực tế này, nhóm phóng viên Đài TNVN đã làm rõ nguyên nhân vì sao tồn tại thực trạng “phung phí tài nguyên đất” kéo dài thời gian qua? Qua đó, nói lên tiếng nói để những nhà hoạch định chính sách và cấp có thẩm quyền có những điều chỉnh phù hợp với quy hoạch.

Phóng viên Trần Trung Hiếu, cơ quan thường trú Đồng Bằng sông Cửu long, Đài TNVN chia sẻ: “Khi chúng tôi thực hiện loạt bài này, chúng tôi nhìn thấy rõ sự lãng phí đất đai trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, khi lấy số liệu tổng quan về diện tích khu công nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích bao nhiêu, lấp đầy là bao nhiêu để thể hiện rõ sự lãng phí đất thì gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi tìm gặp một số cơ quan để được cung cấp thông tin thì đều bị từ chối bằng cách này hay cách khác. Cuối cùng lãnh đạo cơ quan phải có công văn mới gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, mới có số liệu, loạt bài mới đầy đặn, hoàn thiện”.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, những năm qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã đồng hành cùng báo chí theo dõi, phát hiện và đấu tranh với những hành vi tham nhũng. Từ những bài báo điều tra chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận đứng ra kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết những vấn đề, những vụ việc mà báo chí nêu để có kết quả cuối cùng. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Đối với lĩnh vực phòng chống tham nhũng, lãng phí, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng hành cùng cơ quan báo chí, sát cánh cùng cơ quan báo chí bảo vệ  quyền, nghĩa vụ, lợi ích của cơ quan báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tham gia giám sát, phản biện xã hội góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Có một thực tế dễ thấy là các vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn thời gian qua hầu hết đều xảy ra ở các ngành, các địa phương, nhưng lại không phải do người của ngành hoặc các cơ quan địa phương đó phát hiện, càng không phải thông qua sinh hoạt Ðảng mà hầu hết là do quần chúng nhân dân và đặc biệt là do báo chí phát hiện, vào cuộc. Ðiều đó càng chứng tỏ vai trò quan trọng và hiệu quả to lớn của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Một điểm rõ nét của các tác phẩm tham gia giải Báo chí về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí lần này đã có sự đầu tư trong lựa chọn chủ đề, bám sát vấn đề thực tiễn đặt ra, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong cách thể hiện. Nhiều đề tài được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư công phu, đăng tải nhiều kỳ như loạt 3 bài: “Ai để Sabeco bán rẻ đất vàng”; hay như loạt 5 bài “Truyền bá chuyện Vong báo oán tại Ba Vàng”; cùng với đó, nhiều tác phẩm viết về tấm gương đấu tranh chống tham nhũng cũng được đề cập. 

Chưa khi nào có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc chung tay cùng báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng như thời gian gần đây. Từ đây, báo chí có cơ sở, niềm tin và động lực đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đóng góp đặc biệt quan trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận