Việt Nam thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán tại Biển Đông

Tại Bãi Tư Chính, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán được quy định rất rõ trong công ước luật biển 1982.

 

Theo những quy định của công ước luật biển 1982, luật biển Việt Nam 2012 và các tuyên bố chính trị được Việt Nam đưa ra đã khẳng định khu vực Bãi Tư Chính thuộc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tại đây, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán được quy định rất rõ trong công ước luật biển 1982 và chúng ta đã thực hiện đầy đủ các quyền này trong hàng chục năm qua. Cụ thể, theo Điều 56 của UNCLOS, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển, trong các quyền, có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó, quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.

Khu vực Bãi Tư Chính thuộc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong khi đó, công ước này cũng nêu rõ quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển được quy định, cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển, trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia đó.

Như vậy các hành vi của nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc tại khu vực Nam Biển Đông gần bãi cạn Tư Chính đã xâm phạm vào các quyền của Việt Nam tại khu vực này theo luật pháp quốc tế.

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Giảng viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh: Việt Nam đã tiến hành thực thi các quyền này một cách phù hợp theo luật pháp quốc tế. Cụ thể chúng ta đã đưa ra các tuyên bố về ngoại giao, gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc. Khẳng định lực lượng chấp pháp trên biển như cảnh sát biển và kiểm ngư đã và đang tiến hành các biện pháp đấu tranh hòa bình trên thực địa. Điều này đã được cộng đồng quốc tế hoàn toàn ủng hộ.

“Mục đích quan trọng nhất là chúng ta không để xảy ra xung đột và vẫn giữ được vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta, giữ được những gì chúng ta đang có theo quy định của công ước về luật biển 1982. Ông cha ta đã có câu dĩ bất biến ứng vạn biến. Dĩ bất biến là chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia là không thể bị xâm phạm, ứng vạn biến là chúng ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau cho những giai đoạn khác nhau, tùy từng mức độ khác nhau. Cho đến bây giờ cá nhân tôi cho rằng những phản ứng cùa Việt Nam là phù hợp và có hiệu quả” - ông Việt nhấn mạnh.

Với mỗi quốc gia ngày nay, việc tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế là điều rất cần thiết. Với công ước về luật biển 1982 đến nay đã có khoảng hơn 170 quốc gia tham gia ký kết, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của công ước này. Như vậy có thể thấy được công ước về luật biển năm 1982 là một văn bản luật pháp được quốc tế công nhận, có tính ràng buộc pháp lý và có các quy định rất văn minh.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bá Diến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cho rằng: Việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển dựa theo công ước này chính là thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích của các bên tham gia ký kết, giữ gìn hòa bình ổn định ở khu vực. Điều này sẽ giúp Việt Nam có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Là những cơ sở pháp lý vững chắc để nước ta tiến hành những biện pháp đấu tranh hòa bình tiếp theo nếu Trung Quốc tiếp tục có hành vi xâm phạm.

Thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp tại khu vực Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế là chính sách nhất quán của Việt Nam trong suốt những năm qua. Đứng trước hành vi của phía Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, việc thực hiện các hoạt động này càng được tôn trọng và cần thực hiện trên tất cả các mặt từ biện pháp ngoại giao đến các hoạt động trên thực địa.

Điều này thể hiện cam kết của Việt Nam về việc xây dựng một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định dựa trên những quy định của luật pháp quốc tế, những điều khoản của Hiến chương Liên Hợp Quốc được cả thế giới công nhận và tham gia.

Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

Ngày 7/8/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Ngày 7/8/2019, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hành động vi phạm nêu trên của phía Trung Quốc”.

 

 


 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận