52 năm ASEAN: Hướng tới mục tiêu tự cường và lấy người dân làm trung tâm

Ở tuổi 52, khi đã trở thành một cộng đồng chung, ASEAN đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của mình bằng các liên kết ngày càng chặt chẽ.

 

Ngày 8/8/2019, ASEAN tròn 52 tuổi. Hơn nửa thế kỷ qua, vượt qua những rào cản về thể chế chính trị, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, khoảng cách về phát triển... ASEAN đã đạt được những thành tựu ấn tượng, trở thành một Cộng đồng chung và được quốc tế công nhận là một khu vực phát triển năng động nhất thế giới. ASEAN cũng đang là trung tâm thu hút sự quan tâm của các nước lớn trong bối cảnh chuyển dịch địa chính trị đang ngày càng phức tạp. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhìn lại những thành công của ASEAN trong hơn nửa thế kỷ qua:

ASEAN đã có sự chuyển mình mang tính bước ngoặt khi chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015. Dấu mốc bản lề này đã giúp ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới vững vàng hơn, được nâng cao cả về hình thức và cấp độ hợp tác, là sự chuẩn bị nền tảng và khuôn khổ cho ASEAN xây dựng thành cộng một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội.

Ngoại trưởng các nước ASEAN bắt tay tại Bangkok cuối tháng 7-2019. ASEAN cần giữ vững sự đoàn kết trước cọ xát Mỹ - Trung (Ảnh: Reuters)

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đưa ra trong thời điểm ASEAN tròn 52 tuổi. Cùng chung quan điểm đánh giá này, cựu Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhận định: “ASEAN vào thời điểm này là một cộng đồng lấy con người làm trọng tâm cộng đồng phát triển bền vững, một cộng đồng dựa trên luật lệ, có đủ năng lực tận dụng được những cơ hội mới đối phó hiệu quả với những thách thức mới. Trong 10 năm tới, cộng đồng này sẽ đóng vai trò này lớn hơn, tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế”.

Ở tuổi 52, khi đã trở thành một cộng đồng chung, ASEAN đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của mình bằng các liên kết ngày càng chặt chẽ. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN đã tập hợp thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và dự báo sẽ lên hàng thứ 5 vào năm 2020 và thứ 4 vào năm 2030, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). ASEAN cũng là một trong những người chơi chính trong hệ thống thương mại toàn cầu. Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại khu vực đạt khoảng 2.600 tỷ USD, đóng góp nhiều thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và Đức. ASEAN đã nhanh chóng trở thành bên tham gia chính vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi lại, vị thế và vai trò của khu vực trong thương mại toàn cầu càng được củng cố.

Các Ngoại trưởng ASEAN cùng Tổng thống Indonesia và Tổng thư ký ASEAN thể hiện tình đoàn kết (ảnh: KT)Trong sự chuyển dịch địa chính trị, ASEAN đang nằm ở vị trí trung tâm của khu vực đang định hình, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước lớn đều là đối tác chặt chẽ trong các cơ chế hợp tác của ASEAN từ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS (ASEAN +6), đến các cơ chế hợp tác an ninh như ADMM+, ARF cũng như Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC). Tính đến thời điểm này đã có tới 35 quốc gia ngoài khu vực ASEAN tham gia vào Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) do ASEAN khởi xướng năm 1976.

“Chúng tôi hài lòng về mối quan hệ với ASEAN, nhất là trong vai trò dẫn dắt duy trì hệ thống thương mại đa phương minh bạch và công bằng. ASEAN và Hàn Quốc là những đối tác chặt chẽ trong rất nhiều lĩnh vực và chúng tôi cũng chia sẻ những quan điểm đồng nhất về các vấn đề xung đột để đảm bảo hòa bình và an ninh. Chúng tôi mong đợi sự hợp tác này sẽ chặt chẽ hơn nữa”.

Chia sẻ của Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kiêng Hoa đã chứng tỏ ASEAN đang là sợi dây kết nối các quốc gia trong và ngoài khu vực. Để có sự tin tưởng đó, chính là nhờ ASEAN đã đạt được những thành tựu phát triển trên mọi mặt, chia sẻ các cơ chế hợp tác linh hoạt và dựa trên nguyên tắc đồng thuận.

Theo ông Claro Suerez Cristobal, giám đốc Viện Nghiên cứu ngoại giao Philipines, đồng thuận để giải quyết các vấn đề chung của ASEAN có thể coi là thành tựu lớn nhất của khối này trong hơn nửa thế kỷ qua: “Thành tựu của ASEAN có thể được xem xét trên 3 trụ cột hợp tác. Về chính trị ASEAN đã tạo ra được một cơ chế duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Về kinh tế đã thúc đẩy đầu tư và trao đổi thương mại nội khối. Về văn hóa xã hội đã gắn kết con người. Tôi không nói là chúng ta đang có một cơ chế hợp tác hoàn hảo, vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết. Song từ chỗ xung đột, nghi kỵ, chúng ta đã trở thành một Cộng đồng đặt đối thoại hợp tác, giải quyết các vấn đề chung trên cơ sở đồng thuận là một thành tựu vượt bậc”.

Sự thành công của ASEAN hôm nay được ví như một phép màu. Bởi vào thời điểm khi vừa thành lập, ít ai nghĩ rằng tổ chức này có thể tồn tại lâu dài chứ chưa nói đến thành công. Sự khác biệt về văn hóa, về thể chế chính trị, về ngôn ngữ, sắc tộc là những yếu tố khiến cho người ta nghi ngại.

Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore đã từng nhận định: “Trong quá khứ, nếu phải chọn nơi nào trên thế giới khó tổ chức hợp tác khu vực nhất thì ứng cử viên hàng đầu là Đông Nam Á”.

Nguyên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cũng cho rằng, ý tưởng táo bạo nhất của các nước Đông Nam Á chính là hình thành một tổ chức hợp tác.

“Giữa các nước này có một sự khác biệt nhau rất là lớn nhiều mặt. Trong điều kiện như thế khác biệt nhiều như vậy mà đặt ra vấn đề hợp tác phát triển thì có thể nói đó là một ý tưởng rất táo bạo. Táo bạo nhưng nó lại hợp với xu thế của thời đại, đó là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển”, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh.

Châu Anh/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận