Cảnh giác với thông tin 'giả' làm rối loạn lòng người

Mục tiêu mà "tin giả" hướng tới là thổi bùng' bức xúc xã hội, khoét sâu những sai phạm, khuyết điểm… hòng làm rối loạn lòng người.

 

Những ngày qua, một trang web đăng tải thông tin sai sự thật về Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đang được cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo pháp luật. Sự việc này tiếp tục cảnh báo về tình trạng tin giả với ý đồ không trong sáng đã và đang tràn lan trên internet, nhất là những vấn đề đang được xã hội quan tâm và trước các sự kiện quan trọng của đất nước.

Theo Sở Thông tin - Truyền thông Cà Mau, trang web này không phải là báo điện tử, tạp chí điện tử, nhưng đã đăng tải bài viết "Cà Mau có một ốc đảo bình yên như thế giữa thành phố không bình yên". Bài viết có nội dung, TP Cà Mau thực hiện quy hoạch, thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, được các hộ dân nghiêm chỉnh chấp hành, trong khi khuôn viên nhà đất của gia đình ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ngoài phạm vi 60m được giữ lại theo chủ trương chung, vẫn còn 60m chiều sâu ngang nhiên tồn tại mà chính quyền không động đến.

Cơ quan chức năng tỉnh này khẳng định: thông tin trên là sai sự thật, gây dư luận không tốt, làm ảnh hưởng uy tín của tỉnh Cà Mau và cá nhân ông Chủ tịch UBND tỉnh, nên phải được xử lý theo pháp luật.

Thông tin nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt trên internet giờ đây không còn là hiếm. “Người bị hại” có thể là cá nhân, tổ chức, người nổi tiếng, quan chức, các nhà lãnh đạo cấp cao, thậm chí chỉ là người bình thường… Các đối tượng xấu hiểu được sự lan truyền chóng mặt của những tin tức xấu, đã khai thác, tận dụng triệt để vấn đề bức xúc xã hội để “đào sâu” theo hướng cực đoan. Chỉ cần “nghe hơi nồi chõ”, họ có thể phóng đại, bình luận thành những câu chuyện khác thường, thậm chí thông tin bịa đặt hoàn toàn mà ngay cả tổ chức, cá nhân bị hại cũng ngỡ ngàng, không hề biết.

Ngay cả những thông tin chính thức đề cập tình hình phức tạp trên biển Đông những ngày qua, cũng bị các đối tượng bóp méo, xuyên tạc, gây nhiễu dưới danh nghĩa những người có trách nhiệm tỏ thái độ “nóng lòng” trước vận mệnh đất nước. Thâm hiểm hơn nữa, họ đăng tải những bình luận sai lệch về quan điểm đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng, Nhà nước hòng lôi kéo, kích động những người nhẹ dạ cả tin tổ chức biểu tình, bạo loạn gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như đã từng xảy ra ở một số địa phương.

Người dân cũng không còn xa lạ vào thời điểm trước, trong Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc, đã từng xuất hiện không ít trang web và tài khoản mạng xã hội, liên tục đưa thông tin nói xấu bằng những tài liệu giả mạo, hình ảnh cắt ghép về công tác cán bộ và cá nhân nhiều vị lãnh đạo các cấp. Với ý đồ gây mâu thuẫn nội bộ, tạo sự nghi kỵ, hiềm khích trong cơ quan, đơn vị, địa phương, những đối tượng này thường suy diễn, xuyên tạc kết quả xử lý cán bộ, đảng viên trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực để “thổi bùng” bức xúc xã hội, khoét sâu những sai phạm, khuyết điểm… hòng làm rối loạn lòng người.

Thông tin nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt trên internet giờ đây không còn hiếm

Internet không phải là một tờ báo, càng không phải là một nhà xuất bản nên tất cả những tin tức trên đó sẽ không ai phải chịu trách nhiệm, không ai kiểm chứng. Nhưng nói thế không có nghĩa là chúng ta bất lực với nạn "tin giả" xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng. Thực tế, những kẻ tung tin giả về dịch bệnh, về thảm họa thiên tai hay những tin giật gân, gây sốc, kích động... đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Người dân có quyền tiếp cận thông tin và nhà nước không giới hạn quyền đó, nhất là việc thu nạp thông tin trong môi trường mạng. Tuy nhiên, tiếp cận thế nào để có được những thông tin chính xác, trung thực, bổ ích đòi hỏi mỗi người cần có bộ lọc, sự tỉnh táo. Và các cơ quan báo chí chính thống, cơ quan chức năng cũng cần xử lý kịp thời để định hướng thông tin, định hướng dư luận và cung cấp những thông tin mà người dân đang cần./.

Ngọc Năm/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận