90 năm công đoàn Việt Nam: Thách thức mới trong thời kỳ hội nhập

90 năm kể từ Hội nghị Đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ I ngày 28 tháng 7 năm 1929, tổ chức công đoàn Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới.

 

Hành trình lịch sử

90 năm trước, việc thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam - có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Đó vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất của phong trào công nhân Việt Nam, thắng lợi của đường lối vận động công nhân của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết có một tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam. Mối quan hệ giữa phong trào công nhân Việt Nam với phong trào công nhân thế giới, đặc biệt là với công nhân và Công đoàn Pháp đã được Công hội Đỏ thiết lập.

Nhìn lại lịch sử 90 năm, ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - nhấn mạnh, từ khi thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam luôn luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cách mạng Việt Nam. Công đoàn đã thực hiện tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động thực hiện đường lối của Đảng, tạo cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.

Vì người lao động, Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Ảnh: Trube

Công đoàn chủ động tham gia cùng chính quyền tìm việc làm và tạo điều kiện làm việc cho công nhân, lao động; tham gia trong lĩnh vực tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, trong việc ký kết hợp đồng lao động của công nhân, lao động; đại diện công nhân, lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể; trong vấn đề thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động; tổ chức đình công theo Bộ luật Lao động.

Thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở. Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam và tổ chức công đoàn các cấp đang tham gia tích cực cùng chính quyền và ngành xây dựng các địa phương thực hiện chính sách nhà ở cho người lao động. Cùng với đó là tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các chuyến đưa hàng Việt tới khu công nghiệp, giảm giá cho người lao động…

Những thách thức mới với Công đoàn Việt Nam

Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, theo ông Bùi Văn Cường, bối cảnh mới đang đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và lợi thế đang có, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, tập trung đổi mới đồng bộ cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để hoàn thành tốt vai trò tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động.

Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến hết năm 2018, cả nước có 26.500 dự án FDI, đến từ 129 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký trên 334 tỷ USD, tổng vốn thực hiện đạt trên 185 tỷ USD. FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp khoảng 20% GDP.

Các dự án FDI đã mang lại hàng chục triệu việc làm trên mọi lĩnh vực cho người lao động Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI đều thành lập tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp FDI khác biệt hoàn toàn so với hoạt động của công đoàn trong các cơ quan Nhà nước trước đây. Ở hầu hết các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cán bộ công đoàn là người do chủ doanh nghiệp trả lương, thông thường, chủ tịch công đoàn là phó giám đốc công ty, quản đốc phân xưởng hoặc trưởng phòng tổ chức. Hưởng lương do doanh nghiệp chi trả, lại là cán bộ quản lý nên chủ tịch công đoàn thường là thương thuyết để người lao động chấp nhận những điều kiện của giới chủ, chứ không thực sự phản ánh ngược lại khó khăn của người lao động tới người sử dụng lao động.

Để khắc phục tình trạng này, Liên đoàn lao động một số địa phương đã phái cán bộ công đoàn chuyên trách tới những doanh nghiệp sử dụng đông lao động, có nguy cơ phát sinh tranh chấp lao động. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp đối phó bằng cách lập văn phòng công đoàn riêng, nhưng văn phòng công đoàn ở xa xưởng sản xuất, và yêu cầu cán bộ công đoàn chỉ được tổ chức hoạt động công đoàn ngoài giờ làm việc. Đây là một yêu cầu khó khăn, bởi với thời gian làm việc, tăng ca của công nhân từ 10 đến 12 tiếng/ngày, khi hết giờ làm việc, người lao động không còn muốn tham gia bất cứ hoạt động nào.

Năm 2018, Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định CPTPP là một hiệp định tự do tiêu chuẩn cao, trong các vấn đề về lao động công đoàn có nổi lên một vấn đề lớn, đó là khoảng 5 - 7 năm sau khi CPTPP có hiệu lực, ở cấp cơ sở sẽ xuất hiện tổ chức đại diện khác của người lao động hay còn gọi là đa công đoàn.

Công đoàn Việt Nam khi đó không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động, vấn đề cạnh tranh và thu hút mới đoàn viên công đoàn là điều tất yếu sẽ xảy ra. Việc phát triển đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ gặp khó khăn. Nguồn lực đảm bảo cho hoạt động công đoàn nhất là nguồn lực tài chính sẽ bị chia sẻ và giảm sút. Môi trường hoạt động công đoàn cũng sẽ có thay đổi lớn do quan hệ lao động sẽ có những diễn biến phức tạp.

Do đó, Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, vì người lao động, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, đổi mới tư duy và phương pháp tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp. Công đoàn Việt Nam cần nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm cũng như tư duy sáng tạo, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn thực sự có bản lĩnh, tâm huyết, năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp, gắn bó sâu sát với cơ sở, có năng lực tư vấn, thuyết phục, đối thoại, thương lượng và bảo vệ người lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở thông qua việc xác định rõ nhiệm vụ ở cấp này.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - đề nghị cần thông tin, tuyên truyền đến doanh nghiệp, người lao động, các cơ quan, tổ chức về nội dung của Hiệp định, về thời cơ và thách thức; trên cơ sở đó có giải pháp để phát huy mặt tích cực, thời cơ, lợi ích, hạn chế những tác động tiêu cực để chúng ta có thể phát triển bền vững, có thêm nhiều việc làm cho người lao động, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt hạn chế để doanh nghiệp bị lâm vào tình cảnh phá sản, giải thể.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc quan trọng hiện nay là hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn. Sửa đổi Bộ luật Lao động là một yêu cầu hết sức cần thiết. Trong đó có quy định về tổ chức đại diện người lao động, quy định này cần được thiết kế đảm bảo phù hợp với cam kết, tạo sự chủ động, linh hoạt trong quá trình áp dụng. “Chúng tôi lo ngại rằng, nếu không quy định chặt chẽ, có thể sẽ hình thành nên một loại tổ chức công đoàn gọi là Công đoàn Vàng. Ở đó giới chủ tự thành lập nên, sau đó thao túng hoạt động công đoàn. Một dạng khác nhân danh là tổ chức đại diện người lao động nhưng thành lập nên để thực hiện hoạt động vì động cơ chính trị và chống phá, gây phức tạp cho an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam, sửa đổi điều lệ công đoàn để trình Đại hội 12 công đoàn Việt Nam, tham mưu với Đảng ban hành các chủ trương, Nghị quyết đổi mới về tổ chức và hoạt động công đoàn để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận