Sáng 28/6 theo giờ địa phương, tức cùng ngày theo giờ Việt Nam, tại Thành phố Osaka, Nhật Bản, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo gần 30 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một số ngành công nghiệp, dịch vụ.
Các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản tham gia buổi làm việc như Fujitsu, Daikin, Tổng công ty điện lực Tokyo, Kawasaki, Nidec, Hitachi, Yamaha Motor, đại diện Liên đoàn kinh tế vùng Kansai (Kankeiren)....
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu điểm đến đầu tư giàu tiềm năng, hấp dẫn Việt Nam đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Đặc biệt, cơ hội lớn mở ra đối với các nhà đầu tư Nhật Bản khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mới đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ được ký kết.
Về kinh tế số, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số của kinh tế xã hội và dự kiến sẽ triển khai ngay trong năm 2019. Trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin, triển khai thương mại mạng 5G, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm an ninh mạng ASEAN.
Cùng với đó, Chính phủ tập trung phát triển nguồn nhân lực số, phát triển công nghiệp công nghệ số, đưa Việt Nam trở thành một trong các nhà sản xuất điện tử viễn thông, xuất khẩu phần mềm và xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin lớn trên thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ tập trung phát triển thương mại điện tử, phát triển thông minh hóa trong các ngành lĩnh vực then chốt như giao thông, y tế, giáo dục, nông nghiệp, đô thị. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử và hướng tới xây dựng Chính phủ số, làm cơ sở cho kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.
Nêu vấn đề quan tâm tại buổi làm việc, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam, đồng thời nêu ra các vấn đề quan tâm về phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế số, cung cấp điện, ách tắc giao thông, thủ tục hành chính, ... cùng các vấn đề khác.
Ông Takatsuna, lãnh đạo Tập đoàn Fujitsu cho biết, Tập đoàn đã đầu tư lâu dài tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam. Ông bày tỏ quan tâm tới chiến lược chuyển đổi số và đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Theo ông, ngành công nghệ thông tin có sự thay đổi rất mạnh mẽ. Để có thể làm việc trong lĩnh vực này, cần có nguồn nhân lực sắc bén và có sự thích ứng thật nhanh với sự thay đổi của môi trường công nghệ nói chung. Có thể đến trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây, an ninh mạng. Việc phát triển nguồn nhân lực này là không thể thiếu đối với phát triển hạ tầng xã hội ở Việt Nam. Xét trên quan điểm mở rộng kinh doanh, tập đoàn rất mong việc cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin sẽ được ổn định, chất lượng cao.
Trao đổi về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang có chương trình phát triển nguồn nhân lực số và phấn đấu có trên 1 triệu nhân lực số trình độ cao giai đoạn 2020-2025. Việt Nam đã có một chương trình, chiến lược phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước về số lượng, chất lượng; có khả năng cung cấp nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho khu vực và thế giới.
Thời gian tới, chiến lược phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin các lĩnh vực phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn... nhằm tạo sự bứt phá của ngành công nghệ thông tin của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Việt Nam cũng nghiên cứu cập nhật các tiêu chuẩn về nhân lực công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp và các chuẩn quốc tế. Việt Nam mong muốn các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các chương trình, giáo trình, phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy những lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, ineternet vạn bận, dữ liệu lớn, blockchain, công nghệ điện toán đám mây.
“Đề nghị Nhật Bản nghiên cứu hỗ trợ Việt Nam xây dựng và cập nhật các chuẩn về nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp – Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng thảo luận vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, đó là Việt Nam coi trọng hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và giới học thuật trong việc tăng cường và đẩy nhanh quá trình đào tạo công nghệ thông tin, coi đây là một trong những giải pháp chủ chốt để nâng cao chất lượng đào tạo, kịp thời đáp ứng yêu cầu đòi hỏi mới của lĩnh vực công nghệ thông tin.
Hoan nghênh chiến lược này, lãnh đạo hãng Toshiba và nhiều doanh nghiệp khác của Nhật Bản mong muốn tham gia hợp tác với các trường, cơ sở đào tạo của Việt Nam để phát triển nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đồng thời cung cấp các dịch vụ số tại Việt Nam.
Trao đổi với các doanh nghiệp của Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đã tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, chiến lược Made in Việt Nam; sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Đây là cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư công nghệ và sản xuất tại Việt Nam. Trong quá trình chuyển đổi số, chính doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác và cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp Nhật Bản.
Trước sự quan tâm của Daikin và một số doanh nghiệp Nhật Bản về phát triển thị trường điện Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam luôn mong muốn đi trước một bước về sản xuất điện, đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong quá trình đó, Việt Nam đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực này và mong muốn tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, phát triển điện sạch tại Việt Nam.
Về việc triển khai các hiệp định thương mại tự do để mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư được doanh nghiệp Nhật Bản nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, lợi thế của các Hiệp định CPTPP và EVFTA là gì? Đó là phát triển dịch vụ mà Nhật Bản có thế mạnh về ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, logistic, kế toán, thiết kế đồ họa... Đây là các lĩnh vực các doanh nghiệp Nhật Bản có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt khi Việt Nam thực hiện Hiệp định EVFTA tới đây sẽ đảm bảo môi trường đầu tư cởi mở thông thoáng hơn đối với nhà đầu tư EU nói riêng, toàn cầu nói chung, trong đó có Nhật Bản.
CPTPP và EVFTA sẽ củng cố vai trò của Việt Nam như cứ điểm sản xuất, xuất khẩu, hướng đến thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để tận dụng lợi thế của hai Hiệp định này, đưa Nhật Bản trở lại vị trí nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam thời gian tới.
Thủ tướng cũng hoan nghênh Công ty Aeon đang xúc tiến hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam để xuất khẩu xoài chế biến của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản để phù hợp với khẩu vị thị trường này.
Về vấn đề công ty Nidec nêu ra, đó là còn sự chậm trễ trong một số thủ tục hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã giao cho các cơ quan chức năng tiếp tục cải thiện thủ tục và giảm thời gian hoàn thiện các thủ tục cho doanh nghiệp. Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư để tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính ở Việt Nam, tạo môi trường thông thoáng hơn nữa. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị Nidec sớm đẩy nhanh đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, một khu công nghệ cao với nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư.
*** Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn tài chính SMBC Koichi Miyata - một nhà đầu tư lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành công từ những hoạt động đầu tư tài chính của SMBC tại Việt Nam; tin tưởng, trong giai đoạn hợp tác chiến lược sắp tới giữa hai nước, SMBC sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Chủ tịch Tập đoàn tài chính SMBC Koichi Miyata cho biết, SMBC có lịch sử đầu tư 25 năm tại Việt Nam và là ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam với 500 triệu USD. Ông Koichi Miyata cũng tự hào vì SMBC đã góp phần vào tiến trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam mà gần đây nhất là việc SMBC tham gia vào việc phát triển một dự án năng lượng tại Việt Nam.
SMBC cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước để SMBC mở rộng hoạt động đầu tư, hỗ trợ tài chính tại Việt Nam, qua đó cống hiến và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong tương lai./.
Theo Vũ Dũng/VOV.VN