Sàng lọc đảng viên- khắc phục tình trạng 'đông nhưng không mạnh'

Nếu làm tốt việc sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên vi phạm sẽ khắc phục được tình trạng 'đông nhưng không mạnh', 'hữu danh vô thực'.

 

Nghị quyết Đại hội 12 và Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 đã chỉ rõ: “Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Thực hiện Nghị quyết, cấp ủy thường xuyên, nghiêm túc rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Từ năm 2011 - 2017, toàn Đảng đã sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên 50.938 đảng viên, trong đó xóa tên do vi phạm 38.519 đảng viên, chưa kể 12.499 đảng viên bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng. Đó là những đảng viên vi phạm quy định, điều lệ Đảng hoặc có những vi phạm xảy ra rất nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Việc sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng các đảng viên vi phạm được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ. Ông Bùi Đức Thiện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy giao thông 2 cho rằng: Phẩm chất của người đảng viên là thống nhất giữa đạo đức và tài năng. Người đảng viên không bằng quần chúng bình thường thì không nên để trong Đảng.

Muốn Đảng mạnh, trước hết mỗi đảng viên phải tốt.    Nguồn ảnh: QĐND

Điều lệ Đảng đã khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng”. Thực hiện Điều lệ Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, việc kết nạp cũng như rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng được tiến hành thường xuyên, góp phần làm trong sạch đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Ngọc, thành viên Câu lạc bộ Thăng Long, Hà Nội thì công tác rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng chưa kịp thời, nhiều nơi còn lúng túng, chỉ đạo thiếu thường xuyên; tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Cần thực hiện tốt việc phân công và kiểm tra đảng viên thực hiện nhiệm vụ, qua đó rà soát và kiên quyết đưa ra khỏi Đảng đối với những đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không thực hiện nhiệm vụ đảng viên đã được chi bộ giáo dục nhiều lần mà không tiến bộ.

Việc quản lý chặt đảng viên, bảo đảm nắm chắc số lượng, chất lượng và biến động đội ngũ đảng viên cũng là việc làm quan trọng. Việc xét cho đảng viên miễn công tác và sinh hoạt đảng phải chặt chẽ, đúng quy định. Đối với đảng viên thường xuyên xa nơi cư trú, xin miễn sinh hoạt đảng nhiều lần thì cần xem xét nếu thấy đảng viên đó không còn thiết tha với Đảng thì đưa ra khỏi Đảng.

Muốn Đảng mạnh, trước hết mỗi đảng viên phải tốt. Muốn vậy phải làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, sàng lọc, xử lý những đảng viên vi phạm, chống cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng. Ban Tổ chức Trung ương đã trình Ban Bí thư và chuẩn bị ban hành Chỉ thị “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”. Tại cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị này, ngày 18/12/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị khắc phục cho được tình trạng “đông nhưng không mạnh”, “hữu danh vô thực”. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao chất lượng đảng viên. Những người không còn đủ tư cách, động cơ không trong sáng, “vào Đảng không phải để chiến đấu hy sinh mà để được đề bạt, lên lương, thăng quan tiến chức..." thì cần phải kiên quyết sàng lọc ra khỏi Đảng./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận