60 năm chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno

  • 26/06/2019 09:42:00
  • Hương Trà - VOV Indonesia
  • Chính trị
  • 0

Hai chuyến thăm ngoại giao này đã bắt đầu mối quan hệ hữu hảo giữa hai vị lãnh tụ và đặt nền móng cho mối quan hệ hữu tình của hai nước cho đến tận ngày nay.

 

“Nước xa mà lòng không xa”

Ngày này cách đây 60 năm, đáp lại chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia, ông Sukarno, Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hoà Indonesia đã thăm chính thức Việt Nam.

Chuyến thăm lịch sử tới Indonesia của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chuyến đi tới Indonesia là chuyến thăm các nước Đông Nam Á đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Người dân Indonesia vẫn còn nhớ vào một ngày cuối tháng 2 năm 1959, vị lãnh tụ Việt Nam với bộ râu tóc bạc phơ, bước xuống từ chuyên cơ vẫy tay chào người dân với nụ cười nồng hậu.

Đón Bác Hồ ở sân bay Kemayoran, sân bay quốc tế đầu tiên của Indonesia tại Jakarta, Tổng thống Sukarno đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai tiếng thân mật “Paman Ho”, nghĩa là Bác Hồ, giống như cách người dân Việt Nam thân thương gọi Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gọi Tổng thống Sukarno bằng cái tên vô cùng gần gũi “Bung Karno”, cách xưng hô trìu mến của người Indonesia với Tổng thống Sukarno.

Trong bài phát biểu chào mừng, Tổng thống Sukarno bày tỏ lòng kính trọng của dân tộc Indonesia đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả người dân Indonesia từ mũi Sabang cho tới Marauke, 85 triệu người đều biết rất rõ anh là nhà đấu tranh vì tự do, nhà đấu tranh chống thực dân và đế quốc, là người đã đấu tranh không ngừng cho chủ nghĩa xã hội. Người Indonesia rất khâm phục anh”.

Trong chuyến thăm 10 ngày, Bác Hồ đã đi thăm nhiều tỉnh ở Indonesia như Jakarta, Bandung, Medan, Bali và cả Suarabaya, quê hương của Sukarno. Đi đến đâu người dân đất nước vạn đảo cũng hô vang “Hidup paman Ho, Vietnam - Indonesia”, nghĩa là “Bác Hồ muôn năm, Việt Nam -Indonesia”.

Đặc biệt trong chuyến thăm này, Bác đã có bài phát biểu trước Quốc hội Indonesia. Tại đây, Bác Hồ đã nêu những điểm tương đồng giữa hai quốc gia trong đấu tranh thực dân, giành lại độc lập cho đất nước. Tổng thống Sukarno tuyên bố độc lập đất nước vào ngày 17/8/1945. Và chỉ sau đó nửa tháng, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính thức đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Cũng từ chuyến thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết nghĩa anh em với Tổng thống Sukarno và nhận con gái của ông, bà Megawati, Chủ tịch Đảng Dân chủ đấu tranh Indonesia (PDI-P) ngày nay, làm con nuôi.

Tổng thống Sukarno tới thăm “người anh cả” Hồ Chí Minh

Ba tháng sau đó, Tổng thống Sukarno đã tới thăm Việt Nam từ ngày 24 - 26/9. Ngay khi vừa bước chân xuống sân bay, ông đã reo lên “xin chào người anh cả của tôi” và dang tay ôm Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh vui mừng gặp lại người anh em kết nghĩa. Hàng triệu người dân Việt Nam cũng hân hoan đón chào người bạn lớn của dân tộc. Bác Hồ thay mặt nhân dân Việt Nam trao tấm huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho Tổng thống Sukarno.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Tổng thống Sukarno tại Hà Nội tháng 6 năm 1959  (Nguồn : KBRI Hà Nội)Trong lễ mít tinh đón Tổng thống của đất nước vạn đảo, trước hơn 20 triệu người dân thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã lẩy mấy câu Kiều: “Nước xa mà lòng không xa /Thật là bầu bạn, thật là anh em” và chia sẻ quan điểm: “Đoàn kết, đoàn kết lại đoàn kết. Khó khăn gì chúng ta cũng nhất định vượt được hết. Kẻ thù nào chúng ta cũng đánh tan hết. Thắng lợi to lớn nào chúng ta cũng tranh thủ được hết”.

Chính quan điểm về sự đoàn kết, độc lập và tự do đã giúp hai vị lãnh tụ trở thành những người bạn thân thiết. Cảm kích trước tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và người dân Việt Nam, Tổng thống Sukarno chia sẻ: “Tôi đã nghe nhiều về tinh thần anh dũng của nhân dân Việt Nam và nay tôi đã thấy tận mắt, nghe tận tai tinh thần đó. Một đất nước như vậy, một dân tộc như vậy, với một tinh thần như vậy và với vị lãnh tụ như vậy, nhất định sẽ chiến thắng. Cả hai nước đều có lòng tin vững vàng và nhờ đó chúng ta đứng vững. Chúng ta là những người bạn, những người bạn chiến đấu”. Trước khi ra về, Tổng thống Sukarno còn giơ tay lên cao nói lớn “Việt Nam muôn năm!

Cũng thật ngẫu nhiên khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất vào ngày 2/9/1969. Năm sau, ngày 21/6/1970, Bung Karno cũng theo Bác Hồ lên thiên đường. Ngày nay, người dân cả hai nước đều ghi nhớ công lao của hai vị lãnh tụ và tiếp tục gìn giữ, phát triển mối quan hệ bang giao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno đã đặt nền móng.

Hơn 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, gần chục năm nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam và Indonesia đã trở thành những người bạn trong khu vực, có quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia trong khu vực ASEAN.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận