Báo chí -kênh giám sát quan trọng

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên báo TNVN đã có cuộc trò chuyện với Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, về nhưng đóng góp vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng.

 

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong việc phòng, chống tham nhũng?

 Báo chí là cơ quan ngôn luận, tư tưởng của nhà nước, có trách nhiệm thực hiện tất cả các nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng. Hoạt động của báo chí là bằng tuyên truyền, truyền bá tất cả các thông tin liên quan đến kinh tế, xã hội, đường lối chính sách pháp luật. Bằng nghiệp vụ của mình báo chí còn có chức năng giám sát, có trách nhiệm giúp Đảng Nhà nước, nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Như vậy có thể nói, báo chí có giá trị rất cao, phủ rộng trong việc giúp xây dựng, giám sát thực hiện pháp luật. Trong đó việc phòng, chống tham nhũng chỉ là một trong những nhiệm vụ của báo chí. Báo chí khi thực hiện phòng, chống tham nhũng có giá trị đặc biệt là tính công khai. Báo chí thực hiện quyền điều tra và công khai các sự việc, các hành vi tham nhũng. Kể cả tham nhũng tập thể và tham nhũng cá nhân, cả tham nhũng của quan chức nhà nước cho đến cán bộ đảng viên từ trung ương đến địa phương. Cho nên, báo chí có 2 giá trị lớn đó là điều tra và công khai thì tính minh bạch tạo ra sức mạnh cho báo chí. Thông qua giám sát của báo chí thì Nhà nước và nhân dân cũng dựa vào đó để giám sát, Đảng cũng dựa vào đó để kiểm tra.

Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh việc đóng góp tiếng nói trong phòng chống tham nhũng thì một số cơ quan báo chí chưa thật sự dũng cảm đương đầu với tham nhũng; một số nhà báo còn e dè, nể nang, sợ sệt, thậm chí bị mua chuộc. Đây là điều hết sức đáng tiếc. Chính vì thế, chúng ta cần có giải pháp đồng bộ để bảo đảm cho quyền và nghĩa vụ của nhà báo cũng như các cơ quan báo chí. Một mặt chúng ta đảm bảo phải được giáo dục, bồi dưỡng quan tâm để báo chí trở thanh lực lượng nòng cốt trong mặt trận thông tin. Mặt khác cũng phải kiên quyết xử lý các cơ quan báo chí, các nhà báo và những người lợi dụng danh nghĩa nhà báo như cộng tác viên, những đối tượng giả danh nhà báo để trục lợi làm mất uy tín của cơ quan truyền thông.

Đảng và nhà nước cũng phải có thái độ rõ ràng, quan tâm hơn nữa đến hoạt động báo chí. Tránh tình trạng nhà báo phản ánh đúng lại tìm cách bác bỏ, tìm cách làm “chìm xuống” các bài báo đó. Ví như gần 40 bài báo về việc 1 miếng đất được cấp 4 sổ đỏ và bao nhiêu câu chuyện khác nữa mới ra được tham nhũng. Tôi cho rằng, như vậy là trả một cái giá quá đắt bởi nhà báo đương đầu với nhiều rủi ro: Rủi ro với bản thân khi bị chính các đối tượng tham nhũng tìm cách bưng bít thông tin; Rủi ro với dư luận xã hội nếu nhà báo không làm tốt sẽ phải đối mặt với dư luận là làm việc không đâu vào đâu hoặc là “chọc ngoáy”.

Không ít tờ báo giật tít  không đúng bản chất sự việc nhằm câu like, câu view, đã làm ảnh hưởng xấu đến nền báo chí nói chung. Quan điểm của ông thế nào?

Báo chí có đặc điểm, muốn người đọc quan tâm đến bài viết thì hay sử dụng các thủ pháp như giật tít. Nếu giật tít hơi khác lạ, hấp dẫn nhưng phản ánh đúng bản chất, đúng sự thật thì không sao. Nhưng nếu giật tít với mục tiêu mờ ám, động cơ không trong sáng nhằm đích hại ai đó thì chúng ta phải kiên quyết xem xét. Điển hình như việc giật tít về một vấn đề tôi từng nói. Khi tôi phát biểu “phải xem xét về vấn đề nợ thuế của những người chết”, thì có báo lại giật tít “Người chết cũng phải nộp thuế”. Tôi có nói thế đâu, câu đó không phải của tôi. Tôi nói theo Luật dân sự, Luật thừa kế thì người nào thừa kế tài sản thì đồng thời phải thừa kế nghĩa vụ. Anh được hưởng tài sản thì anh phải trả nợ cho người ta. Người nợ thuế là nợ đồng tiền xương máu của đất nước, của nhân dân thì phải xem xét xem đối tượng này còn người nào có thể đứng ra để nộp thuế thay hay không. Cách giật tít sai này làm cho người đọc lại nghĩ là ông ấy ác, ông ấy bắt cả người chết cũng phải đi nộp thuế. Vì thế, hãy luôn luôn cẩn thận đối với việc giật tít. Các cơ quan quản lý báo chí cũng phải có uốn nắn kịp thời. Bản thân các nhà báo cũng phải tự rèn luyện.

Hiện nay, tỷ lệ viết về gương người tốt việc tốt còn ít, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?  

Viết về gương người tốt việc tốt đã trở thành chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước. Song viết về gương người tốt việc tốt không dễ, nếu không cẩn thận dễ lố. Nếu không cẩn thận điều tra thì có thể hôm trước họ là người tốt, hôm sau lại là người xấu;Hôm trước tôn vinh họ là anh hùng có khi hôm sau đã trở thành tội phạm. Vì vậy, viết về gương người tốt việc tốt phải xem xét, điều tra đánh giá hết sức cẩn thận.

Các bài báo viết về gương người tốt việc tốt chiếm rất ít trên mặt báo thì người lãnh đạo trong các cơ quan báo chí phải có sự điều hòa, cân đối các nội dung để sao cho phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

 

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Hiệu phó Đại học Kinh tế Quốc dân:

Có thể nói, thời gian qua cơ quan báo chí đã có vai trò vô cùng lớn trong việc phòng chống tham nhũng. Có những vụ việc chính nhờ cơ quan báo chí phát hiện và cũng chính thông qua báo chí tạo ra được cái nhìn khách quan, tạo ra dư luận để giúp cho cơ quan điều tra, xử lý phải đi đến cùng mà không bị áp lực nào khác ngoài đi đến cùng. Tuy nhiên, bên những thông tin rất có giá trị như vậy thì báo chí cũng còn thận trọng trong thông tin. Những thông tin chưa phải là tiêu cực, chưa ảnh hưởng thì báo chí cũng không nên thổi phồng lên, dễ làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của cả một doanh nghiệp, cơ quan. Thứ hai là những vụ việc tiêu cực nghiêm trọng thì báo chí cũng phải đưa vừa đủ để làm sao tránh ảnh hưởng, tác động ngược đến xã hội.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp:

Hoạt động báo chí về cơ bản đã phát huy được mặt tích cực, góp phần tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận động nhân dân thực hiện chủ chương, chính sách pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp, những tình huống không thể không giám sát. Thứ nhất, quyền tác nghiệp của phóng viên, nhìn chung là các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và những người có trách nhiệm về cơ bản là tôn trọng quyền tự do tác nghiệp của phóng viên, nhưng vẫn còn không ít nơi tổ chức, cá nhân ngăn cản, né tránh sự điều trần của báo chí, cá biệt có nơi còn ngăn cản, hành hung phóng viên. Thứ hai, có hiện tượng lạm dụng báo chí để  tuyên truyền lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Thứ ba, trong hoạt động quản lý báo chí, có hiện tượng gỡ bài không rõ lý do, thậm chí báo chí đưa tin rất trung thực về diễn biến kỳ họp Quốc hội nhưng sau khi các bài báo được đăng lên lại bị gỡ đi mà không rõ lý do.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp:

Tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong việc chống tham ô, tham nhũng, lãng phí hiện nay. Các phương tiện truyền thông đã cung cấp nhiều thông tin cho độc giả, cử tri biết được những hiện tượng tham ô, móc ngoặc, tham nhũng của một số cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời cung cấp nhiều thông tin giá trị, kịp thời để các cơ quan pháp luật điều tra xem xét, truy tố. Có thể nói, các vụ án tham nhũng thời gian qua phần lớn có sự đóng góp đắc lực của các cơ quan báo chí. Hiện có dư luận cho rằng, có một số cơ quán báo chí là sân sau cho một số cá nhân. Theo tôi cũng không loại trừ khả năng này. Vì thời gian qua, cơ quan bảo vệ pháp luật đã tạm giữ, khởi tố một số phóng viên có hiện tượng tiêu cực, làm sai lệch thông tin. Song tôi nghĩ hiện tượng này không nhiều, tôi không nghĩ “một con sâu mà làm rầu nồi canh được”. Bản thân tôi vẫn đánh giá cao vai trò của báo chí trong xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An:

 Tôi đánh giá vai trò của báo chí rất cao. Có những việc rất gay cấn, rất nghiêm trọng mà báo chí đã thông tin, được dư luận quan tâm. Từ thông tin báo chí cung cấp, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Tôi cho rằng, chúng ta càng phát huy được vai trò của báo chí thì chúng ta càng phát huy được dân chủ. Báo chí của chúng ta phản ánh rất khách quan. Tuy nhiên, tôi thấy có một vấn đề là báo chí đôi khi suy đoán theo hướng của mình hoặc định hướng dư luận theo chiều hướng xấu đi. Báo chí chỉ cần mô tả toàn bộ thực trạng chứ không định hướng dư luận mà hãy để độc giả tự đánh giá. Khi có đủ thông tin về hành vi đấy, hiện tượng đấy là sai phạm thì báo chí có thể định hướng cho người đọc đấu tranh để bảo vệ lẽ phải.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận