Nên thay “giáng chức”, bằng “cách chức”?
Thảo luận tại hội trường về Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nhiều đại biểu đồng tình về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu là chế tài nghiêm khắc thể hiện không có vùng cấm trong việc phòng, chống tham nhũng, loại bỏ cán bộ suy thoái, tha hóa. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn tranh luận xung quanh việc nên hay không việc thay hình thức “giáng chức”, bằng “cách chức” đối với cán bộ vi phạm.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh, đoàn Cà Mau cho rằng, các hình thức xử lý kỷ luật với công chức theo quy định của luật hiện hành bao gồm hình thức giáng chức là hoàn toàn phù hợp. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật với hình thức giáng chức là có sai phạm rõ ràng, nhưng chưa đến mức buộc cách chức, buộc thôi việc hay xử lý trách nhiệm hình sự và với kinh nghiệm chuyên môn của họ thì tuy không còn được công tác tại vị trí trước kia nhưng vẫn thừa sức để công tác ở các vị trí thấp hơn thậm chí dẫn dắt những người yếu, thiếu kinh nghiệm khi cùng làm việc, điều này hoàn toàn có lợi cho nhà nước.
Đồng quan điểm này, đại biểu Huỳnh Cao Nhất, đoàn Bình Định cho hay, nên tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật giáng chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết. Song việc xem xét kỷ luật phải đảm bảo nghiêm minh và thuyết phục, tức là phải đảm bảo đúng người đúng tội, mức độ vi phạm tới đâu thì xử lý kỷ luật tới đó. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhận tại thời điểm có hành vi vi phạm. “Theo tôi quy định như vậy về hình thức kỷ luật cũng như về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật là chưa rõ ràng”, đại biểu Huỳnh Cao Nhất nói.
Song một số đại biểu lại cho rằng, nên thay hình thức “giáng chức”, bằng “cách chức” đối với cán bộ vi phạm. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đoàn Hưng Yên nêu quan điểm, bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” thay bằng hình thức kỷ luật “cách chức” bởi để đảm bảo tương ứng với 4 hình thức xử lý đảng viên là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ thì đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý có 4 hình thức là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. Việc áp dụng hình thức “giáng chức” dễ dẫn tới tình trạng nể nang, né tránh, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng
Bên cạnh vấn đề xử lý kỷ luật với cán bộ nghỉ hưu thì nhiều đại biểu còn băn khoăn về quy định thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức. Đại biểu, Hà Thị Minh Tâm, đoàn Hà Nam cho rằng, việc quy định thực hiện chế độ hợp đồng đối với viên chức tuyển dụng. “Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ để có quy định thống nhất, toàn diện đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì hiện nay trong hệ thống chính trị của nước ta, hầu hết các cán bộ làm việc theo nhiệm kỳ là 5 năm. Còn đối với công chức, viên chức thì làm việc suốt đời, sau khi được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng không xác định thời hạn”, đại biểu, Hà Thị Minh Tâm. Nếu nay quy định theo khoản 1 Điều 25 thì sẽ tồn tại một bộ phận đội ngũ viên chức được ký hợp đồng trước ngày luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thì sẽ làm việc suốt đời và sẽ có một bộ phận viên chức tuyển dụng sau ngày luật có hiệu lực thì làm việc theo hợp đồng có thời hạn là 12-36 tháng. Việc sửa đổi, bổ sung luật như vậy sẽ mang tính chắp vá, thiếu cơ sở khoa học thực tiễn và không thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, dễ tạo tâm lý không an tâm làm việc của cán bộ, viên chức làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Đại biểu Ka H’Hoa, đoàn Đắk Nông lại cho rằng, chế định hợp đồng đối với viên chức hiện hành có nhiều ưu điểm, đạt được kết quả tích cực và đã được thực hiện trong một thời gian dài. Có thể nói rằng đây là một trong những nội dung rất quan trọng trong lần sửa đổi này, đối tượng chịu sự tác động lớn. Quy định này sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của đội ngũ viên chức vì theo phương án 1 đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày luật có hiệu lực sẽ không được ký hợp đồng không xác định thời hạn, kể cả đối với những trường hợp sau khi hết thời hạn lần thứ hai. Như vậy, sẽ luôn có những so sánh và lo ngại trong quá trình làm việc và liệu có phát sinh cơ chế chạy hợp đồng hàng năm không? Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo phải cân nhắc thận trọng, tính toán kỹ hiệu quả, tác động xã hội của quy định.
Trái ngược với các ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đồng Tháp lại đưa ra kiến nghị nên áp dụng quy định chế độ hợp đồng xác định thời hạn với cả công chức. Có như vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp vị trí việc làm, tạo sự cạnh tranh, động lực cho viên chức làm việc tốt, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ. Tuy nhiên, hợp đồng phải có điều khoản ràng buộc chủ thể ký hợp đồng lao động không được tùy tiện cắt hợp đồng khi chưa hết hạn mà không rõ lý do minh bạch, xử lý kỷ luật viên chức nghỉ việc, nghỉ hưu, thời hạn, thời hiệu giống như cán bộ, công chức.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đoàn (Bến Tre):
Có ý kiến cho rằng, người nghỉ hưu vẫn có thể xử lý kỷ luật. Tôi không đồng tình với quan điểm này. Người nghỉ hưu có thể bị xử lý kỷ luật về đảng, thậm chí có thể kỷ luật xóa tên, có thể bị xử lý về mặt hình sự, có thể bắt đi tù nhưng lại xử lý kỷ luật thì không đúng. Bởi vì, người đó không còn nằm trong cơ quan, đơn vị đó nữa, không còn là công chức nữa mà chúng ta lại xử lý thì những vấn đề họ đã thực hiện trước đó sẽ như thế nào?
Đại biểu Trương Thị Yến Linh đoàn (Cà Mau):
Thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới sẽ tạo ra tâm lý bất an, không yên tâm cho viên chức khi làm việc, có thể gây ra tình trạng lợi dụng, lạm dụng dẫn đến tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục, không thu hút người có tài năng. Hiện nay, viên chức mặt bằng chung lương thấp, việc làm vừa áp lực vừa không an toàn, thiếu chính sách thu hút nhân tài, nay thì việc làm lại không ổn định, tất yếu có sự dịch chuyển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao từ công sang tư.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đoàn (Hưng Yên):
Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, Chính phủ trình 2 phương án. Theo tôi không nên cứng nhắc quy định lựa chọn 1 trong 2 phương án bởi thứ nhất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ thì việc thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn sẽ tạo môi trường làm việc tích cực, khắc phục hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là vào dễ, ra khó. Tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm đồng thời đảm bảo cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng, ký hợp đồng, liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Tuy nhiên, với tình hình thực tế nhiều đơn vị sự nghiệp chưa thể tự chủ, đặc biệt đối với các trường khối phổ thông, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì việc ký kết hợp đồng xác định thời hạn không thể thu hút được sinh viên theo nghề, thu hút được giáo viên bám trường, bám lớp. Giáo viên công tác tại các vùng đó không còn tâm huyết mà cống hiến cho nghề bởi tâm lý có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào.